Tuổi trẻ với mô hình số hóa di tích lịch sử trên địa bàn tỉnh

Năm 2023, Ban Thường vụ Tỉnh Đoàn Trà Vinh xây dựng mô hình số hóa di tích lịch sử trên địa bàn tỉnh. Mô hình này được xem là một trong những mô hình tiêu biểu trong lĩnh vực chuyển đổi số, góp phần quảng bá các di tích lịch sử của tỉnh đến du khách trong và ngoài nước. Đồng thời, tạo hiệu quả tích cực trong công tác tuyên truyền đến đoàn viên, thanh thiếu nhi về các công trình, di tích lịch sử thông qua ứng dụng công nghệ số.

Anh Trần Trí Cường, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Bí thư Tỉnh Đoàn Trà Vinh quét mã QR trải nghiệm du lịch ảo thông qua mô hình số hóa tại Khu di tích lịch sử Đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ảnh: TQ

Công trình số hóa các điểm di tích lịch sử của tỉnh được Đoàn các cấp thực hiện có ý nghĩa lớn trong giáo dục truyền thống và phù hợp với yêu cầu phát triển công nghệ thiện nay, giúp ĐVTN, người dân dễ dàng tiếp cận các điểm di tích qua trải nghiệm thực tế ảo. Chỉ từ năm 2023 đến nay, bằng sự quyết tâm của Đoàn các cấp, toàn tỉnh tập trung thực hiện chuyển đổi số các hoạt động của Đoàn, số hóa các di tích lịch sử trên địa bàn tỉnh phục vụ cho công tác tuyên truyền và quảng bá du lịch của tỉnh.

Tiêu biểu, các huyện, thị, thành Đoàn đã thực hiện số hóa 31 điểm di tích lịch sử, bảo tàng, Tỉnh đoàn Trà Vinh thực hiện công trình số hóa Khu di tích lịch sử Đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh, Bến tiếp nhận vũ khí Cồn Tàu, Di tích ao Bà Om, Di tích lịch sử cách mạng chùa Giác Linh (chùa Dơi), Di tích Bờ Lũy - chùa Lò Gạch.

Thông qua sử dụng công nghệ hình ảnh 360 độ kết hợp video clip, âm thanh, hình ảnh, người dùng có thể sử dụng điện thoại thông minh kết nối internet chỉ cần thao tác quét mã QR hoặc click vào đường dẫn truy cập vào trang website https://denthobac.tinhdoantravinh.vn/ để du lịch thực tế ảo. Qua đó, ĐVTN và du khách sẽ có được thông tin đầy đủ, chi tiết về quá trình xây dựng, kiến tạo điểm di tích, tham quan khu trưng bày hiện vật. Trong ứng dụng có sẵn các biển, bảng để giới thiệu từng hạng mục, các tài liệu hoặc tranh, ảnh về hiện vật. Với thuyết minh tiếng Việt bảo đảm việc tra cứu, tìm hiểu thông tin nhanh chóng, thuận tiện và dễ dàng quảng bá hình ảnh di tích đến với du khách.

Bạn Lê Ngọc Ngân Linh, đoàn viên Chi đoàn Văn phòng UBND tỉnh đã từng trải nghiệm và chia sẻ: thông qua sử dụng công nghệ hình ảnh 3600 kết hợp video clip, âm thanh thuyết minh, góc nhìn từ trên cao em đã từng trải nghiệm qua bằng hình thức quét mã QR tại Khu di tích lịch sử Đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tuy là thực tế ảo nhưng em cảm thấy đây là một cách truyền tải rất sống động, thay vì nghe hướng dẫn viên giới thiệu bằng cách truyền thống, bản thân em hào hứng, thích thú khi tự mình xem, nghe và cảm nhận về giá trị văn hóa, lịch sử, kiến trúc của khu di tích. Điều này như đánh thức được trong em sự thổn thức, xúc động và ý thức trách nhiệm của thế hệ trẻ hôm nay trong việc bảo vệ, gìn giữ và phát huy những giá trị lịch sử văn hóa tốt đẹp của dân tộc.

Giao diện công trình số hóa di tích lịch sử Bến tiếp nhận vũ khí Cồn Tàu. Ảnh: TQ

Ngoài trải nghiệm công trình số hóa Khu di tích lịch sử Đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh, Lê Ngọc Ngân Linh còn được trải nghiệm du lịch thực tế ảo Di tích lịch sử cấp tỉnh chùa Lò Gạch (xã Lương Hòa, huyện Châu Thành) và Bảo tàng tổng hợp tỉnh Trà Vinh. Thông qua việc số hóa tại 02 địa điểm này đã cung cấp cho người xem những tư liệu, hiện vật, thông tin quý báu, hữu ích của Di tích và Bảo tàng một cách nhanh chóng, sinh động, hiệu quả. Qua đó giúp trau dồi kiến thức lịch sử, văn hóa, phong tục tập quán, nêu cao tinh thần yêu nước, yêu quê hương.

Lê Ngọc Ngân Linh cho biết thêm: các mô hình số hóa di tích lịch sử trên địa bàn tỉnh Trà Vinh, em có thể dễ dàng giới thiệu cùng bạn bè trong và ngoài tỉnh về các di tích, các điểm đến của tỉnh. Bản thân em đã từng giới thiệu đến nhiều bạn bè đồng trang lứa, đặc biệt là bạn bè các tỉnh bạn về các mô hình này và nhiều bạn rất thích, rất vui khi được trải nghiệm du lịch thực tế ảo.

Giao diện công trình số hóa Khu di tích lịch sử Đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ảnh: TQ

Di tích lịch sử đóng vai trò quan trọng trong việc giữ gìn và truyền đạt các giá trị văn hóa, lịch sử, kiến trúc và sự phát triển của các nền văn minh qua thời gian, là những địa chỉ ghi dấu thời kỳ lịch sử hào hùng, chứa đựng những câu chuyện dài lịch sử, cả tinh thần kiên cường, quật khởi trong dựng xây và bảo vệ đất nước mà cha ông ta đã dày công vun đắp.

Ngày nay, những điểm di tích lịch sử là những địa chỉ đỏ, là điểm đến để đoàn viên, thanh thiếu nhi, thế hệ trẻ tìm về, tìm hiểu và học tập. Từ đó trau dồi kiến thức lịch sử, nâng cao tinh thần yêu nước, khơi gợi lòng tự hào, tự tôn dân tộc. Vì vậy, các công trình số hóa có ý nghĩa trong bảo tồn, quảng bá và phát huy các giá trị di sản văn hóa truyền thống. Công trình còn thể hiện sự tiên phong của tuổi trẻ Trà Vinh trong lĩnh vực công nghệ thông tin và chuyển đổi số.

Theo anh Trần Trí Cường, Bí thư Tỉnh Đoàn Trà Vinh, mô hình số hóa các điểm di tích lịch sử trên địa bàn tỉnh đã mang lại thêm những trải nghiệm thú vị cho người dân, du khách đến với các điểm di tích. Những số liệu, thông tin của các điểm di tích được số hóa như một cuốn cẩm nang du lịch số rất tiện ích cho việc tra cứu, tìm hiểu thông tin nhanh chóng, dễ dàng, đầy đủ, tạo điều kiện thuận lợi để du khách khắp mọi nơi có thể trải nghiệm những di tích mang ý nghĩa lịch sử này. Từ đó, đã nâng cao tình yêu quê hương đất nước, niềm tự hào, tự tôn dân tộc trong lòng các bạn trẻ mỗi khi đến những di tích, địa chỉ đỏ của tỉnh.

NGỌC XOÀN

Nguồn Trà Vinh: https://www.baotravinh.vn/chuyen-doi-so/tuoi-tre-voi-mo-hinh-so-hoa-di-tich-lich-su-tren-dia-ban-tinh-38291.html