Tưởng bệnh tiêu hóa bình thường, cô gái không ngờ mắc ung thư
Người phụ nữ ban đầu tưởng chức năng tiêu hóa của mình suy giảm nhưng không ngờ khi khám sức khỏe, cô lại phát hiện mắc ung thư buồng trứng giai đoạn cuối.
Cô Thái, 34 tuổi, ở Cát Lâm, Trung Quốc, có lối sống lành mạnh, chưa từng hút thuốc hay uống rượu, cũng hay ăn những món ăn nhẹ nhàng, dễ tiêu hóa. Thế nhưng, không rõ tại sao, chức năng tiêu hóa của cô Thái yếu đi rõ rệt trong một năm trở lại đây, biểu hiện cụ thể là khó tiêu, dạ dày cảm thấy ngột ngạt, đau nhức và dễ bị táo bón.
Cảm thấy đường tiêu hóa có vấn đề, cô Thái khá chủ quan, không đi khám mà dựa theo kinh nghiệm thời thơ bé, liên tục uống bổ sung men vi sinh và enzyme mỗi ngày. Đồng thời, cô cũng dùng các sản phẩm thực phẩm chức năng để chăm sóc sức khỏe. Đáng tiếc, tình trạng thể chất của cô Thái vẫn không khả quan, đường tiêu hóa của cô kém hơn nhiều so với người bình thường.
Mãi đến gần đây, khi mệt mỏi quá độ, cô Thái mới đi khám tại bệnh viện và vô cùng choáng váng khi biết tin, nguồn gốc cơn đau của mình không phải do đường tiêu hóa mà đó thực chất là ung thư buồng trứng giai đoạn cuối và đã di căn.
Bác sĩ Trầm Ngạn Quân, người điều trị trường hợp này cho biết, hầu hết ung thư buồng trứng giai đoạn đầu đều không có triệu chứng, ngay cả khi có các triệu chứng như chướng bụng, đầy hơi, buồn nôn, dễ no, nấc cụt, đi tiểu thường xuyên, đau bụng dưới hoặc bụng dưới to đột ngột thì cũng thường khiến mọi người lầm tưởng đó là bệnh liên quan đến đường tiêu hóa hoặc đường tiết niệu.
Đáng buồn thay, khi có những triệu chứng này, ung thư buồng trứng có thể đã tiến triển đến giai đoạn thứ ba hoặc thứ tư.
Ung thư buồng trứng được mệnh danh là "kẻ giết người thầm lặng" đối với phụ nữ. Trong những năm gần đây, tỷ lệ mắc và tử vong do ung thư buồng trứng ở phụ nữ Trung Quốc tăng lên hàng năm.
Mặc dù ung thư buồng trứng phổ biến hơn ở phụ nữ trong độ tuổi từ 55 đến 75, nhưng bác sĩ Trầm nhắc nhở rằng với xu hướng kết hôn muộn, sinh con muộn hoặc vô sinh ngày càng gia tăng, nguy cơ mắc bệnh ung thư buồng trứng có thể tăng lên.
Ngoài ra, nếu trong gia đình có người mắc bệnh ung thư buồng trứng, người thân thế hệ thứ nhất có tiền sử gia đình mắc bệnh ung thư vú (mẹ, chị, gái), sinh con đầu lòng sau 30 tuổi hoặc chưa từng bú sữa mẹ hoặc sinh con, kỳ kinh nguyệt đầu tiên xảy ra trước 12 tuổi hoặc mãn kinh xảy ra sau 55 tuổi cũng thuộc nhóm nguy cơ cao mắc ung thư buồng trứng.
Tỷ lệ sống sót tiên lượng của ung thư buồng trứng là 93% ở giai đoạn đầu, 70% ở giai đoạn hai, 37% ở giai đoạn ba và chỉ khoảng 25% ở giai đoạn bốn. Phát hiện sớm là cách tốt nhất để giảm nguy cơ tử vong. Một cách tiếp cận tốt là đề xuất các nhóm có nguy cơ cao nên chủ động sắp xếp khám sức khỏe định kỳ để tránh tác hại thầm lặng của ung thư buồng trứng.
Mời quý độc giả xem thêm video: 70% bệnh nhân ung thư gan được phát hiện muộn