Tượng đài của tình đoàn kết quốc tế Việt Nam-Campuchia
Chiến thắng 7/1 đã mang lại cho người dân Campuchia các quyền và tự do đã bị tước đoạt dưới chế độ diệt chủng Pol Pot, chấm dứt thời kỳ đen tối nhất và mở ra kỷ nguyên mới độc lập, hòa bình, tự do, dân chủ và tiến bộ xã hội cho đất nước chùa tháp.
Hôm nay, nhân dân Campuchia kỷ niệm 46 năm Ngày Chiến thắng 7/1, ngày giải phóng đất nước Campuchia khỏi chế độ diệt chủng Pol Pot (7/1/1979-7/1/2025). 46 năm trước, chiến thắng này đã ghi một dấu mốc chói lọi của tình đoàn kết, gắn bó, hữu nghị truyền thống tốt đẹp giữa hai dân tộc Việt Nam-Campuchia, đồng thời khẳng định tính chính nghĩa và đóng góp vào những lý tưởng cao đẹp của các lực lượng tiến bộ toàn thế giới.
Vì sự trường tồn của hai dân tộc
Việt Nam và Campuchia là hai nước láng giềng gần gũi và có mối quan hệ truyền thống gắn bó từ lâu đời. Hai dân tộc đã đoàn kết, chia sẻ và hỗ trợ lẫn nhau trong những lúc khó khăn và hoạn nạn, cùng nhau vượt qua nhiều thăng trầm của lịch sử. Ngay từ cuối năm 1945 khi Việt Nam vừa giành được độc lập, nhiều đơn vị quân tình nguyện Việt Nam đã sang giúp những người yêu nước, cách mạng Campuchia xây dựng “Bộ đội Issarak ”, tiền thân của Quân đội cách mạng Campuchia và phối hợp với quân, dân Campuchia đẩy mạnh chiến tranh du kích, kháng chiến chống thực dân giành độc lập dân tộc.
Những thắng lợi của cách mạng Việt Nam, nhất là cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 của quân và dân Việt Nam đã góp phần tạo thời cơ, tăng cường thế và lực để Quân giải phóng Campuchia tiến lên, giải phóng Thủ đô Phnom Penh ngày 17/4/1975, kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống thực dân và chính quyền tay sai.
Thế nhưng, ngay sau khi lên cầm quyền vào tháng 4/1975, tập đoàn Pol Pot-Ieng Sary (Khmer Đỏ) đã lợi dụng thành quả cách mạng, phản bội lại nhân dân Campuchia. Chúng lập nên cái gọi là “nhà nước Campuchia dân chủ”, thi hành chế độ diệt chủng, thanh trừng nội bộ, giết hại hàng triệu người dân vô tội, phá hủy hàng trăm nghìn trường học, bệnh viện, chùa chiền...
Pol Pot tuyên bố: “Dù phải diệt thêm một triệu người nữa cũng kiên quyết làm, giết nhầm một kẻ vô tội còn hơn để sót một kẻ chống đối; trong gia đình, nếu một người ra rừng theo chống đối thì sẽ bị giết 3 đời”. Tội ác “trời không dung, đất không tha” mà 4 thập kỷ sau đó, ngày 16/11/2018, Tòa án Đặc biệt Tư pháp Campuchia đã ra phán quyết lên án và nghiêm khắc trừng trị. Nhân loại sẽ không bao giờ quên, chỉ trong 3 năm 8 tháng 20 ngày, Tập đoàn Pol Pot đã sát hại hơn 3 triệu người Campuchia vô tội.
Không dừng lại ở đó, đối với Việt Nam, tập đoàn Pol Pot-Ieng Sari xuyên tạc lịch sử, khiêu khích, kích động hận thù dân tộc; chỉ trong 2 năm (1975 đến 1977), chúng đã điều động 41% quân số và trang thiết bị áp sát biên giới Việt Nam; gây ra những tội ác đẫm máu đối với nhân dân Việt Nam, xâm phạm nghiêm trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, chà đạp lên những giá trị tốt đẹp trong mối quan hệ hữu nghị giữa hai nước, hai dân tộc. Tập đoàn phản động Pol Pot đã bỏ qua lời kêu gọi, thiện chí và những nỗ lực của Việt Nam về giữ gìn hòa bình, hữu nghị, đối thoại; bỏ qua những lời kêu gọi của lực lượng tiến bộ và những người có lương tri trên thế giới.
Khi đó, mặc dù có quyền đánh trả và đủ khả năng tiêu diệt hoàn toàn quân xâm lược, nhưng Việt Nam vẫn hết sức kiềm chế, tránh một cuộc chiến tranh không mong muốn, gây tổn thất cho nhân dân hai nước và tin tưởng chắc chắn rằng với truyền thống kiên cường, bất khuất, yêu chuộng hòa bình, không chịu khuất phục trước các thế lực bạo tàn, nhân dân Campuchia nhất định sẽ vùng lên lật đổ chế độ diệt chủng.
Thực tế là, nhiều cuộc nổi dậy của các lực lượng vũ trang cách mạng và nhân dân Campuchia đã diễn ra ở Quân khu Trung tâm, Đông Bắc, Quân khu 203... Tuy nhiên, do sự chênh lệch về tương quan so sánh lực lượng, cuộc đấu tranh của các lực lượng cách mạng và nhân dân Campuchia chịu nhiều tổn thất và đứng trước tình thế hiểm nguy, vô cùng khó khăn.
Trong thời khắc gian nan tột đỉnh đó, nguyên Thủ tướng Hun Sen, khi ấy là lãnh đạo Trung đoàn, cùng một số cán bộ yêu nước của Campuchia, đã sang Việt Nam bày tỏ ý nguyện của nhân dân Campuchia mong muốn nhận được sự giúp đỡ từ Việt Nam. Ông Hun Sen sau này kể lại: “Căn cứ vào tình hình chính trị trong nước và quốc tế lúc đó, không còn con đường nào khác... Nước mà có khả năng giúp đỡ và có thể giúp đỡ chỉ có Việt Nam là duy nhất...”.
Mặc dù Việt Nam còn trong hoàn cảnh rất khó khăn bộn bề vì vừa ra khỏi chiến tranh, nhưng đáp lại niềm tin, nguyện vọng của nhân dân và những người cách mạng chân chính của đất nước Campuchia anh em, Đảng, Nhà nước, Quân đội và Nhân dân Việt Nam đã thể hiện tinh thần đoàn kết, chia sẻ khó khăn, làm hết sức mình, hết lòng giúp đỡ, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ cốt cán, xây dựng lực lượng cho cách mạng Campuchia; đồng thời hỗ trợ và phối hợp với lực lượng nổi dậy Campuchia đấu tranh chống lại Tập đoàn phản động Pol Pot.
Việc Việt Nam giúp đỡ nhân dân Campuchia đánh đổ chế độ diệt chủng Pol Pot, cứu dân tộc Campuchia thoát khỏi họa diệt vong là hành động phù hợp pháp lý và đạo lý, thể hiện tinh thần quốc tế cao cả, trong sáng, chí nghĩa, chí tình, sẵn sàng hy sinh cả xương máu vì mối quan hệ truyền thống gắn bó thủy chung, lâu đời giữa Đảng, Nhà nước và nhân dân hai nước; là sự tiếp nối truyền thống đoàn kết chiến đấu chống kẻ thù chung của hai dân tộc.
Sau chiến thắng vẻ vang ngày 7/1/1979, Bộ đội tình nguyện Việt Nam tiếp tục hỗ trợ đào tạo, huấn luyện cho đến khi quân đội Campuchia đủ khả năng chiến đấu ngăn chặn sự trở lại của chế độ diệt chủng, vốn tháo chạy và đồn trú ở khu vực biên giới Campuchia-Thái Lan. Sau đó, Bộ đội tình nguyện Việt Nam đã rút hoàn toàn khỏi Campuchia vào tháng 9/1989, hoàn thành nghĩa vụ quốc tế cao cả, vẻ vang, vô tư, trong sáng, hiếm có trong lịch sử quan hệ quốc tế.
Tình hữu nghị tốt đẹp, hợp tác vững bền
Kể từ khi Quân tình nguyện Việt Nam rút hoàn toàn khỏi Campuchia, quan hệ giữa Campuchia và Việt Nam không ngừng tiến triển cho đến ngày nay và ngày càng phát triển trên nhiều lĩnh vực, mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho nhân dân hai nước. Quan hệ Việt Nam -Campuchia không chỉ là mối quan hệ truyền thống, láng giềng mà còn là mối quan hệ anh em đồng cam cộng khổ trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và phát triển đất nước ngày nay.
Ngày nay, quan hệ Việt Nam-Campuchia đã, đang được củng cố và phát triển vững chắc theo phương châm "láng giềng tốt đẹp, hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện, bền vững lâu dài". Với định hướng đó, quan hệ hai nước đã không ngừng được củng cố và phát triển trên mọi lĩnh vực.
Lãnh đạo cấp cao hai nước duy trì hoạt động thăm, tiếp xúc và trao đổi dưới nhiều hình thức. Hợp tác giữa các bộ, ngành, địa phương với các cơ chế hợp tác thiết thực được triển khai ngày càng hiệu quả, đưa quan hệ hợp tác trên các lĩnh vực ngày càng đi vào chiều sâu. Các hoạt động của Mặt trận, nhóm nghị sĩ hữu nghị, hội hữu nghị, các tổ chức đoàn thể quần chúng hai nước, nhất là tại các tỉnh biên giới diễn ra sôi nổi và rộng khắp, góp phần nâng cao sự hiểu biết của nhân dân, nhất là thế hệ trẻ về truyền thống đoàn kết, hữu nghị, hợp tác và giúp đỡ lẫn nhau giữa hai nước, hai dân tộc.
Cùng với đó, hợp tác trong lĩnh vực an ninh-quốc phòng giữa hai nước ngày càng đi vào chiều sâu, trở thành trụ cột hợp tác vững chắc, góp phần quan trọng vào việc giữ vững ổn định, an ninh, chính trị, xã hội ở mỗi nước.
Trên nền tảng quan hệ chính trị tốt đẹp, hai bên chủ động, tích cực đẩy mạnh các lĩnh vực hợp tác song phương một cách thiết thực, hiệu quả. Kể từ khi ký kết Hiệp định kinh tế-thương mại Việt Nam-Campuchia năm 1998 đến nay, quan hệ thương mại, đầu tư giữa hai nước phát triển mạnh mẽ, đóng vai trò quan trọng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của mỗi nước.
Kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam-Campuchia có những bước phát triển vượt bậc, tăng trưởng trung bình hơn 20% trong giai đoạn 2015-2022 và vượt 10 tỷ USD vào năm 2022; năm 2023 đạt 8,57 tỷ USD; 11 tháng năm 2024 đạt 9,2 tỷ USD. Hai nước đặt mục tiêu kim ngạch thương mại song phương sớm đạt 20 tỷ USD trong thời gian tới.
Về đầu tư, đến tháng 7/2024, Việt Nam tiếp tục đứng đầu ASEAN và trong tốp 5 nước có đầu tư trực tiếp lớn nhất tại Campuchia với 205 dự án đầu tư còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký đạt 2,94 tỷ USD. Ở chiều ngược lại, Campuchia có 38 dự án đầu tư với tổng vốn đăng ký 76,83 triệu USD tại Việt Nam, tính đến tháng 11/2024.
Hợp tác trong các lĩnh vực khác cũng hết sức nhộn nhịp và luôn được quan tâm đẩy mạnh, từ giáo dục, đào tạo, giao thông vận tải, viễn thông đến văn hóa, y tế…Chính phủ hai nước luôn tạo điều kiện thuận lợi cho kiều dân hai nước sinh sống trên lãnh thổ của nhau, phù hợp với pháp luật của mỗi nước. Bên cạnh đó, hai nước cũng phối hợp chặt chẽ tại các diễn đàn quốc tế, khu vực và tiểu vùng, góp phần nâng cao vị trí, uy tín của mỗi nước trong khu vực và trên thế giới…
Nhìn lại chặng đường đã qua, có thể thấy tình đoàn kết, tinh thần tương trợ lẫn nhau, đặc biệt trong những thời khắc 'lửa thử vàng, gian nan thử sức" của hai dân tộc Việt Nam-Campuchia chính là động lực, là sức mạnh để nhân dân hai nước cùng kề vai sát cánh bên nhau chiến thắng chế độ diệt chủng Pol Pot, đưa đất nước Chùa tháp hồi sinh và đưa quan hệ hai nước phát triển mạnh mẽ như ngày hôm nay.
Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/tuong-dai-cua-tinh-doan-ket-quoc-te-viet-nam-campuchia-299977.html