Tướng De Castries làm gì trước khi cúi đầu ra khỏi hầm?
Mặt De Castries lúc bị dẫn lên đường hào tái xám dưới chiếc mũ đỏ, môi ngậm điếu thuốc lá và bị chói mắt vì ánh nắng. Sau đó viên tướng Pháp được áp giải lên chiếc xe Jeep.
Ngày 7/5/1954, ngày cuối cùng của chiến dịch Điện Biên Phủ, kết thúc sự thảm bại của quân Pháp nơi cứ điểm Tây Bắc. Ngày hôm ấy, viên tướng chỉ huy tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ De Castries trải qua những giây phút có lẽ ám ảnh mãi không bao giờ quên trong đời binh nghiệp, mà những tư liệu từ người Pháp để lại, cho thấy điều đó.
Những cố gắng tuyệt vọng của quân Pháp
Ngày 7/5/1954 chứng kiến những nỗ lực tuyệt vọng cuối cùng của quân Pháp trên chiến trường. Jean Pouget vốn là sĩ quan tùy tùng kiêm thư ký riêng của tướng Navarre trong tác phẩm Tướng Navarre với trận Điện Biên Phủ (Nous étions à Dien Biên Phu) đã miêu tả lại ngày 7/5/1954, tương ứng với ngày thứ Sáu, và có lẽ, đó là một trong những “ngày thứ Sáu đen tối” của nước Pháp.
Vào sáng ngày hôm ấy, Eliane 4 (theo cách gọi của Pháp, tức đồi C2 theo cách gọi của ta) vốn đã bị pháo kích suốt đêm, đến 5h sáng lại bị bộ binh Việt Minh tấn công. Jules Roy trong La Bataille de Dien Bien Phu (Trận Điện Phủ dưới con mắt người Pháp) đã miêu tả sinh động trận chiến nơi quanh đồi C.
Lúc 9h, trên các điểm cao quanh đồi C, bộ đội ta ùn ùn tiến lên “những con người bé nhỏ có vũ trang, mặc quân phục vải xanh lá cây xấu xí, đi dép cắt từ lốp xe, đội mũ tre đan lấp lánh ngôi sao đỏ, mang khẩu trang bằng ga”. Đội quân xuất phát từ nhiều thành phần nhưng chung lòng yêu nước ấy, đang kết thúc 55 ngày đêm bằng chiến thắng trước địch quân phương Tây.
Vẫn lời Jules Roy ghi “Họ leo lên các đỉnh cao đồi C, tiếng reo hò lượn theo gió mỗi đợt họ lên đến đỉnh. Trên triền núi và đỉnh đèo của đồi C, họ reo hò chiến thắng và giơ cao vũ khí lên, phấn khởi, khi họ trông thấy dòng sông vàng đục uốn lượn và khu doanh trại của tập đoàn cứ điểm bị cày xới”.
Trước sức mạnh của Việt Minh, pháo của tập đoàn cứ điểm dẫu còn 30 quả đạn 105 ly và 10 quả 120 ly nhưng cũng đành câm lặng. Máy bay tiêm kích trút bom, vãi đạn nhưng cũng chỉ gây rối loạn được trong mười phút lại bay đi. Đến 9h40, nơi đây thất thủ hoàn toàn.
Trưa ngày 7/5, quân ta tiến tới bờ Đông sông Nậm Rốm. Trong Điện Biên Phủ 170 ngày đêm bị vây hãm (Les 170 jours de Dien Bien Phu), Erwan Bergot (vốn là trung úy tham chiến tại Điện Biên Phủ) cho biết “từ 11h sáng, không còn một vị trí nào ở phía Đông sông Nậm Rốm có thể giữ được. Tất cả các đồn bốt đều bị quân địch tràn ngập”.
Chiều hôm ấy, 17h lệnh ngừng bắn được thực hiện ở trận địa Điện Biên Phủ với thắng lợi thuộc về Việt Minh, quân Pháp đầu hàng. Một vài nơi vẫn còn sự chống cự như Isabelle (phân khu Nam, gồm 5 cứ điểm, ta gọi là Hồng Cúm).
Với hơn 1 vạn quân bị bắt và tiêu diệt, từng đoàn dài hàng binh dưới sự áp giải của bộ đội lũ lượt kéo đi. Cảnh tượng này cùng thái độ của bên chiến thắng gây thiện cảm tốt với kẻ chiến bại khi nhiều người trong số họ thừa nhận qua lời Jules Roy: “quân Việt cư xử đúng mực và không hận thù khi họ bảo các anh: “Chiến tranh đã chấm dứt”.
Ở Pháp, lúc 17h ngày 7/5 (ở Việt Nam là 1h sáng ngày 8/5), Tổng thống Laniel báo cáo trước Quốc hội Pháp sự thất thủ ở Điện Biên Phủ.
Hình ảnh tướng De Castries trước khi ra khỏi hầm
Tướng De Castries đêm trước đó như lời Jean Pouget cho biết, đã “đề nghị tiếp tế gấp đạn súng cối tất cả các cỡ. Bốn mươi hai tấn hàng đã thả xuống nhưng không thu nhặt được một kiện hàng nào”.
Trong mười đêm liền, viên tướng này thức trắng. Thế nên lúc 10h khi gọi điện cho tướng Cogny ở đại bản doanh tại Hà Nội, giọng De Castries đã yếu đi. De Castries “đề nghị cố thực hiện một cuộc hành quân rút chạy”. Theo kế hoạch, lương thực ăn đường bằng đồ hộp nhẹ với bánh bích quy, chocolate bổ dưỡng cùng đồng bạc trắng người Mông sẽ được phát cho lính dù và lính lê dương để thực hiện cuộc rút chạy.
Cuộc điện đàm giữa Cogny và De Castries thực hiện trong điều kiện thời tiết xấu, đã giải mật và Jules Roy thuật lại chi tiết. Theo đó De Castries cung cấp thông tin hiện tình quân Pháp cùng quyết tâm cố gắng trong khả năng tối đa. Còn Cogny thì đưa ra đề xuất sự yểm trợ của không quân để ngăn bước tiến của Việt Minh. Nhưng cả hai đều biết tình hình gần như vô phương.
Với những thất bại liên tiếp và cố gắng cầm cự vô nghĩa, lúc 15h30 cuộc họp giữa những chỉ huy cấp cao của quân Pháp tại Điện Biên Phủ kết thúc với sự tham gia của De Castries cùng Langlais, Bigeard và Pazzis. De Castries sau đó nói chuyện điện thoại với tướng Bodet ở Tổng hành dinh và ra lệnh ngừng bắn lúc 17h.
Những giờ phút cuối cùng của viên chỉ huy De Castries được thể hiện qua Điện Biên Phủ 170 ngày đêm bị vây hãm khá bi đát. Trong hầm chỉ huy trung tâm, các sĩ quan trong ban chỉ huy cảm thấy cay đắng vì thua trận. Còn tướng De Castries thì sao?
“De Castries che đậy nỗi bối rối bằng cách chỉnh đốn trang phục, thắt lại chiếc khăn quàng nổi tiếng của kỵ binh”. Đại tá Langlais thì tỏ ra bực bội dẫu im lặng. Trong khi đó chỉ huy pháo binh Allioux cho bắn hết những quả đạn cối cuối cùng. Trong lúc gần như là chờ đợi sự xuất hiện của bộ đội ta, theo lời Jules Roy, Langlais đốt thư từ, sổ tay riêng… Các sĩ quan phụ tá đốt giấy tờ của ban chỉ huy và hủy máy đánh chữ.
Vào lúc những bộ đội đầu tiên của Việt Minh xông đến hầm chỉ huy (đoàn 5 người do Đại đội trưởng Tạ Quốc Luật dẫn đầu), người Pháp tỏ ra lo sợ khi “từ lính cơ quan phục vụ đến các đơn vị chiến đấu, lính pháo, lái xe, lái máy bay, thông tin, đã cảm thấy cái chết trong tâm hồn”, miêu tả của Erwan Bergot.
Riêng De Castries, trong Trận Điện Phủ dưới con mắt người Pháp cho biết khi bộ đội xuống hầm, De Castries tay áo xắn lên, trang phục mang huân chương “Trung sĩ lính dù Paseerat de Silans thuộc phòng 3 của Langlais cảm động là khi tiểu liên chĩa vào người, Castries đã kêu lên: “Đừng bắn tôi!”. Câu ấy không đúng giọng điệu của Castries, có thể để làm dịu thái độ đe dọa của tổ lính Việt Minh, ông đã bảo: “Các ông không định bắn đấy chứ?”.
Mặt De Castries lúc bị dẫn lên đường hào tái xám dưới chiếc mũ ca lô đỏ, môi ngậm điếu thuốc lá và bị chói mắt vì ánh nắng. Sau đó viên tướng Pháp được áp giải lên chiếc xe Jeep. Còn Langlais thì mặt lầm lì, câm lặng; Bigeard đầu cúi gằm dưới chiếc mũ bê rê… trong thân phận tù binh.