Tướng Đức vạch chiến lược tấn công Nga: Đánh thẳng vào sân bay, nhà máy vũ khí
Tướng Đức kêu gọi Ukraine tấn công sân bay Nga nhằm làm tê liệt sức mạnh không quân Moscow, thay vì trông chờ vào các hệ thống phòng không đắt đỏ như Patriot.

Máy bay không người lái tự sát và căn cứ không quân Nga sau cuộc không kích của Ukraine. Ảnh: MW.
Thiếu tướng Christian Freuding của Quân đội Đức mới đây kêu gọi Ukraine thực hiện thêm các đòn tấn công vào các sân bay quân sự của Nga, nhấn mạnh rằng điều này có thể đóng vai trò quan trọng trong việc làm suy yếu sức mạnh tấn công của Moscow.
“Bạn có thể tác động gián tiếp đến tiềm năng tấn công của lực lượng không quân Nga trước khi chúng được triển khai”, ông Freuding phát biểu. “Hãy sử dụng các vũ khí tấn công tầm xa để nhắm vào máy bay và sân bay trước khi chúng được sử dụng. Ngoài ra, cần tập trung vào các cơ sở sản xuất vũ khí”.
Ông cũng bày tỏ lo ngại trước việc Nga đạt được những bước tiến lớn trong sản xuất máy bay không người lái (UAV), tên lửa hành trình và tên lửa đạn đạo. Ông Freuding nhấn mạnh sự cần thiết phải đánh giá lại các lệnh trừng phạt để xem liệu phương Tây có thể làm gián đoạn hơn nữa chuỗi sản xuất quân sự của Nga hay không.
Từ giữa năm 2022, ngành công nghiệp quốc phòng Nga đã mở rộng đáng kể năng lực sản xuất drone tấn công. Tạp chí The Economist hồi tháng 5 đưa tin sản lượng UAV tự sát Geran-2 đã tăng hơn gấp 10 lần – từ 300 chiếc mỗi tháng lên hơn 100 chiếc mỗi ngày. Ngành công nghiệp Nga cũng đang trên đà đạt mục tiêu sản xuất tới 500 chiếc mỗi ngày. Bên cạnh đó, sản lượng hàng năm của hệ thống tên lửa đạn đạo Iskander-M và tên lửa hành trình Kh-101 hiện cao gấp nhiều lần so với 3 năm trước.

Cơ sở sản xuất máy bay không người lái Geran-2 của Nga. Ảnh: MW.
Ông Freuding cũng bình luận về việc viện trợ hệ thống phòng không MIM-104 Patriot cho Ukraine, lưu ý rằng hệ thống này rất kém hiệu quả trong việc đối phó với các cuộc tấn công bằng drone.
“Một chiếc drone có giá khoảng 30.000–50.000 euro (tương đương 34.000–58.000 USD), tùy mẫu. Thật lãng phí nếu dùng tên lửa Patriot giá hơn 5 triệu euro để bắn hạ chúng”, ông nói. “Chúng ta cần các biện pháp phòng không có chi phí chỉ khoảng 2.000–4.000 euro, nhất là trong bối cảnh Nga còn đang tiếp tục tăng cường năng lực sản xuất”.
Nhận định này phản ánh mối quan ngại ngày càng tăng từ các chuyên gia phương Tây và Ukraine về hiệu quả thực sự của hệ thống Patriot trên chiến trường.
Từ năm 2022, Đức đã đóng vai trò quân sự ngày càng lớn hơn trong NATO, không chỉ ở Đông Âu mà cả tại Trung Đông và Thái Bình Dương. Đặc biệt, Berlin rất tích cực trong việc hỗ trợ Ukraine về mặt quân sự.
Ngày 22/5, Quân đội Đức chính thức thành lập Lữ đoàn Thiết giáp số 45 đóng quân tại Vilnius, Lithuania – ngay trên lãnh thổ từng thuộc Liên Xô cũ. Lữ đoàn này nằm cách thủ đô Minsk của Belarus chỉ 150 km và cách Moscow chưa đến 800 km, tạo nên năng lực tác chiến cơ giới tiên tiến ở tiền tuyến.
Bất chấp khủng hoảng kinh tế trong nước, Đức vẫn tăng mạnh chi tiêu quốc phòng, điều có thể tạo thêm áp lực lên hệ thống phòng thủ của Nga.

Máy bay ném bom Tu-95MS bốc cháy trong cuộc không kích của Ukraine ngày 1/6. Ảnh: MW.
Quân đội Ukraine đã đạt được một số thành công đáng kể trong việc tập kích sân bay quân sự Nga. Ngày 1/6, Ukraine phát động một đợt tấn công bằng UAV quy mô lớn nhằm vào nhiều căn cứ không quân ở miền Bắc và Tây nước Nga.
Hình ảnh vệ tinh xác nhận việc phá hủy nhiều máy bay ném bom chiến lược Tu-95MS và Tu-22M3 – những thiệt hại được cho là sẽ mất nhiều năm để Nga phục hồi.
Trước đó, Ukraine cũng từng tấn công các căn cứ chứa chiến đấu cơ chiến thuật như Su-34 và MiG-31. Căn cứ Engels – nơi đặt các máy bay ném bom Tu-160 hiện đại nhất của Nga – cũng đã nhiều lần bị tập kích, gây hư hại cho cơ sở hạ tầng và kho nhiên liệu.
Các đợt tấn công này thường dựa vào sự hỗ trợ của nhân sự phương Tây hoạt động bí mật dưới mặt đất, cũng như dữ liệu tình báo từ vệ tinh NATO. Đối với các quốc gia thành viên NATO như Đức, đây là cách hỗ trợ Ukraine làm suy yếu sức mạnh không quân Nga một cách gián tiếp nhưng hiệu quả.