Cựu tướng Abdul Rashid Dostum và các thủ lĩnh vùng trong đó có Atta Mohammad Noor dự kiến tập hợp lực lượng để đàm phán với Taliban nhằm thành lập chính phủ chia sẻ quyền lực mới.
Theo Khalid Noor, con trai Atta Mohammad Noor, người từng làm thống đốc tỉnh Balkh, liên minh sắp hình thành sẽ có tướng Abdul Rashid Dostum, thủ lĩnh kỳ cựu của cộng đồng người Uzbek tại Afghanistan, cùng một số chính trị gia kỳ cựu phản đối Taliban.
"Chúng tôi ưu tiêm đàm phán tập thể, bởi không ai trong chúng tôi đủ khả năng đơn độc giải quyết vấn đề Afghanistan. Toàn bộ cộng đồng chính trị đất nước cần được tham gia, đặc biệt là những thủ lĩnh truyền thống có quyền lực và sự ủng hộ đại chúng", Khalid Noor nói từ vị trí bí mật.
Khalid Noor, 27 tuổi, cũng từng là thành viên trẻ tuổi nhất trong đoàn đàm phán giữa chính phủ Afghanistan cũ và Taliban tại Qatar.
Tướng Abdul Rashid Dostum, cựu thủ lĩnh khét tiếng của Liên minh phương Bắc nổi tiếng chống Taliban, sau đó tiếp tục giữ các vị trí trong chính phủ Afghanistan hậu Taliban, vì thế ông có sức ảnh hưởng lớn ở nước này.
Tướng Dostum cũng từng được Tổng thống Hamid Karzai mời làm Phó tổng thống Afghanistan nhằm ổn định tình hình đất nước.
Tuy là một tướng tài và là một thủ lĩnh nổi tiếng tại Afghanistan, nhưng Dostum cũng dính không ít cáo buộc, trong đó có việc tố cáo ông phạm tội ác chiến tranh khi tàn sát hàng binh.
Ngoài ra ông cũng từng bị cáo buộc dùng vũ lực và tra tấn để trấn áp đối thủ chính trị.
Abdul Rashid Dostum sinh năm 1954, ở vùng Shibergan, miền Bắc Afghanistan. Ông từng được đào tạo quân sự trong một thời gian dài ở Liên Xô.
Sau đó Dostum về nước và phục vụ dưới trướng một tướng lĩnh quân đội trong chính quyền của Tổng thống Mohammad Najibullah, thân Liên Xô.
Tướng Dostum từng bước trưởng thành trong hàng ngũ quân đội Afghanistan sau khi các lực lượng Liên Xô can thiệp vào Afghanistan vào năm 1979.
Dostum từng là đồng minh của Liên Xô trong cuộc chiến tranh 1979 – 1989, tuy nhiên sau đó ông đổi chiều gia nhập hàng ngũ những người Mujahideen chống Liên Xô, khi nhận thấy chính quyền Mohammad Najibullah thân Moscow sắp sụp đổ.
Dostum đã từng giao tranh với lực lượng Hồi giáo của thủ lĩnh nổi tiếng Ahmad Masood thời gian đầu khi Liên Xô rút quân.
Tuy nhiên sau đó một lần nữa Dostum lại quay chiều khi liên kết với Ahmad Masood để thành lập Liên minh Phương Bắc cùng chống Taliban (1996-2001).
Sau chiến thắng trước lực lượng Taliban vào năm 2001, ông đã trở mặt tranh giành quyền lực với chính phủ ở Kabul và các lực lượng cát cứ khác.
Lý do là nhóm của ông không được đối xử công bằng khi ông yêu cầu để người của mình nắm giữ Bộ Ngoại giao thay vì Bộ Nông nghiệp và Khai thác mỏ.
Không được như ý, Dostum tuyên bố sẽ không cho phép các quan chức trong chính phủ mới đến khu vực phía Bắc, nơi có nguồn tài nguyên dầu khí của Afghanistan mà ông đang kiểm soát.
Các cuộc tranh giành quyền lực tiếp tục diễn tiến các năm sau đó, thậm chí có lúc biến thành xung đột đổ máu. Đỉnh điểm vào năm 2008, Dostum bị tố cáo phạm tội ác chiến tranh và bị các lực lượng đối lập công kích, ông phải lưu vong sang Thổ Nhĩ Kỳ.
Đến năm 2009, trong cuộc bầu cử Tổng thống ở Afganistan, ông được tổng thống đương nhiệm là Hamid Karzai mời về tham chính với vai trò Phó Tổng thống. Lúc này mọi tranh chấp quyền lực mới chấm dứt.
Đến thời Tổng thống Afghanistan Ashraf Ghani, tuy không còn giữ chức vụ Phó Tổng thống, nhưng Dostum vẫn nắm trong tay hàng ngàn quân và lùi về sống tại thành phố Mazar-i-Sharif, tỉnh Balkh, căn cứ địa của ông ở miền Bắc Afghanistan.
Trong khi đó Ata Mohammad Noor - đồng minh của Dostum - là cựu tư lệnh liên minh và là tỉnh trưởng Balkh từ năm 2004 - 2018.
Tuy nhiên cả Dostum và Noor đều phải bỏ trốn sau khi Taliban tiến vào thành phố Mazzar-i Sharif tháng 8-2021 vừa qua. Giờ đây nhận thấy Taliban đang chuẩn bị thành lập chính quyền, bộ đôi này muốn Taliban chia sẻ quyền lực.
Việc thành lập liên minh đàm phán với Taliban cho thấy các thủ lĩnh địa phương nhiều quyền lực đang tìm cách tái xuất trên chính trường Afghanistan.
Với đất nước gồm nhiều sắc tộc như Afghanistan, một tổ chức chính trị đơn độc khó cầm quyền trong dài hạn nếu không giành được đồng thuận xã hội rộng rãi.
Taliban có lẽ đã thay đổi tư duy khi trở lại Kabul lần này. Họ đã lôi kéo hỗ trợ từ người Tajik, Uzbek và một số cộng đồng thiểu số khác khi chuẩn bị tổng tiến công, không còn chỉ phụ thuộc vào người Pashtun, lực lượng ủng hộ truyền thống của họ.
Ahmad Massoud, một trong các thủ lĩnh kháng chiến chống Taliban đang cố thủ tại thung lũng Panjshir, cũng kỳ vọng Taliban chấp nhận đàm phán xây dựng chính phủ nhiều thành phần.
"Taliban có thể còn kiêu ngạo với chiến thắng quân sự vừa qua. Tuy nhiên, chúng tôi dự đoán họ ý thức được rủi ro với cách cầm quyền cũ", Noor nhận định.
Đại diện liên minh đàm phán thừa nhận đối thoại có khả năng thất bại. Trong trường hợp đó, nhóm thủ lĩnh đối lập sẵn sàng tiến hành phong trào phản kháng vũ trang. Noor nhấn mạnh nhóm không chấp nhận đầu hàng.
"Lịch sử đã chứng tỏ không ai có thể thống lĩnh Afghanistan bằng vũ lực. Đó là nhiệm vụ bất khả thi. Dẫu họ được quốc tế ủng hộ chăng nữa, họ sẽ thất bại", Noor kết luận.
Việt Hùng