Tương lai của điện Mặt Trời tại Indonesia
Đặc thù khí hậu nhiệt đới, quanh năm nắng nóng là thế mạnh giúp Indonesia tạo ra nguồn năng lượng Mặt Trời dồi dào.
Trang mạng The Conversation mới đây đăng tải bài viết “Sử dụng năng lượng Mặt Trời thay thế các nguồn năng lượng khác – điều hoàn toàn có thể tại Indonesia”.
Bài viết đã chỉ ra tính ưu việt của nguồn điện năng được tạo ra từ năng lượng Mặt Trời; Indonesia là quốc gia có nhiều tiềm năng và hoàn toàn có thể làm chủ được nguồn điện sạch này để đáp ứng 100% nhu cầu sử dụng điện trong nước.
Nếu biết cách khai thác, mỗi năm Indonesia có thể tạo ra khoảng 640.000 Terawatt-hour (TWh). Sản lượng điện này sẽ cao gấp 2.300 lần sản lượng điện mà Indonesia phải huy động tất cả các nguồn thủy điện, nhiệt điện… để sản xuất trong năm 2019.
Mặc dù tiềm năng của nguồn năng lượng Mặt Trời rất lớn nhưng đến nay, Indonesia vẫn chưa có chiến lược phát triển thỏa đáng, vốn đầu của Indonesia và việc phát triển xây dựng lĩnh vực này rất thấp nếu không muốn nói là hạn chế. Do đó, năng lượng Mặt Trời tại Indonesia chỉ đóng góp 1,7% tổng sản lượng điện quốc gia trong năm 2019.
Theo đánh giá của các chuyên gia, năm 2019, Indonesia - nền kinh tế lớn nhất khu vực Đông Nam Á đã sản xuất được 275 TWh điện từ các nhà máy nhiệt điện sử dụng công nghệ đốt dầu diesel với tổng công suất là 69,1 gigawatt (GW).
Các nhà máy sản xuất điện theo phương pháp truyền thống này của Indonesia đang cung cấp khoảng 90% nhu cầu điện năng của quốc gia với 270 triệu dân này.
Chỉ khoảng 10% nhu cầu điện năng còn lại là được cung cấp bởi các nhà máy điện sử dụng năng lượng tái tạo như thủy điện, điện gió, địa nhiệt, năng lượng Mặt Trời và nhiên liệu sinh học.
Việc Indonesia chưa bắt kịp với công nghệ sản xuất điện từ năng lượng Mặt Trời cũng có nguyên nhân từ vấn đề ràng buộc giữa Chính phủ với Tập đoàn điện lực quốc gia (PLN). PLN hiện đang sở hữu và điều hành các nhà máy phát điện trên phạm vi toàn lãnh thổ Indonesia và là nhà cung cấp điện duy nhất tại quốc gia này với các hợp đồng đã ký kết có thời hạn tối thiểu 20 năm.
Trước đó, Chính phủ Indonesia cũng chỉ dự tính đến năm 2025, quốc gia này sẽ chỉ sử dụng khoảng 10% điện Mặt Trời trong tổng sản lượng điện quốc gia để phục vụ lĩnh vực sản xuất của đất nước.
Giới phân tích cho rằng, thật đáng tiếc và rất lãng phí tài nguyên thiên nhiên nếu Chính phủ Indonesia tiếp tục thực hiện chính sách sử dụng năng lượng như hiện nay trong dài hạn.
Thế mạnh địa lý được hưởng những ngày nắng nhiều hơn các quốc gia khác trên hầu hết toàn lãnh thổ, Indonesia có thể tận dụng nguồn năng lượng vô tận này để biến năng lượng Mặt Trời thành nguồn điện năng quốc gia đáp ứng 100% nhu cầu sử dụng điện trong nước tại Indonesia hiện nay. Đây là điều vô cùng quý giá mà không phải quốc gia nào cũng có được.
Dưới đây là ba lý do giải thích tại sao Indonesia là quốc gia có tiềm năng lớn trong việc tạo ra điện Mặt Trời đáp ứng 100% nhu cầu sử dụng trong nước:
Thứ nhất, mức tiêu thụ điện trung bình của Indonesia là 1 megawatt giờ (MWh)/người trong năm 2019. Mức này chỉ bằng 11% mức tiêu thụ điện của người dân Singapore. Theo dự tính trong kế hoạch phát triển điện quốc gia của Indonesia, nhu cầu điện của quốc gia này sẽ đạt 1.000 TWh, tương đương 3,3 MWh/người vào năm 2038.
Giả sử xu hướng này tiếp diễn, nhu cầu sử dụng trung bình của mỗi người dân Indonesia sẽ đạt mức 2.600 TWh, tương đương 7,7 MWh vào năm 2050. Như vậy, để đáp ứng nhu cầu sử dụng điện của người dân Indonesia vào năm 2050, các nhà máy quang điện Mặt Trời (PV) của Indonesia cần hoạt động với tổng công suất 1.500 GW.
Các PV này hoạt động để chuyển đổi ánh nắng Mặt Trời thành điện năng bằng cách sử dụng các mô-đun quang điện và chúng sẽ cung cấp khoảng 230 MW nếu một số PV được được lắp đặt trong năm nay.
Việc sản xuất và cung cấp cho người dân Indonesia trung bình 2.600 TWh điện để phục vụ sinh hoạt hàng ngày sẽ không phải là vấn đề lớn do nguồn năng lượng Mặt Trời mà thiên nhiên ban tặng Indonesia luôn được duy trì và sẽ không bao giờ cạn kiệt. Do vậy, Indonesia có thể hoàn toàn chủ động vào nguồn cung này và vấn đề chủ yếu là nên đẩy nhanh quá trình xây dựng các PV trên phạm vi toàn lãnh thổ.
Indonesia là quốc gia có nhiều diện tích thích hợp trong việc việc xây dựng các PV. Để xây dựng đủ số lượng PV đáp ứng mục tiêu sản xuất điện cung cấp đủ cho nhu cầu sử dụng của quốc gia vào năm 2050, Indonesia cần khoảng 8.000 km2, tương đương khoảng 0,4% diện tích đất liền của quốc gia này.
Như vậy diện tích để xây dựng các PV rất nhỏ so với một quốc gia rộng lớn như Indonesia. Hơn nữa, nếu trong trường hợp các nhà đầu tư phải đền bù giải phóng mặt bằng với giá cao, họ có thể lựa chọn mặt biển để lắp đặt các tấm pin năng lượng Mặt Trời.
Diện tích biển của Indonesia chiếm 84% tổng diện tích lãnh thổ của Indonesia và những tấm pin năng lượng này có thể dễ dàng lắp đặt trên các phao nổi trên mặt nước và chúng phát huy tác dụng như nhau.
Thứ hai, Indonesia cần phải nhận thấy rằng, chi phí đầu tư cho việc lắp đặt hệ thống pin năng lượng Mặt Trời trên thị trường quốc tế ngày giảm. Chỉ trong khoảng thời gian từ năm 2010 đến năm 2018 chi phí đầu tư này đã giảm tới 77%. Đây là mức giảm rất lớn chỉ trong khoảng thời gian không dài.
Giới chuyên gia cũng cho rằng, thời gian tới chi phí đầu tư xây dựng PV sẽ tiếp tục giảm do khoa học công nghệ ngày càng phát triển và hoàn thiện, hơn nữa hiện nay rất nhiều quốc gia đã nắm bắt được công nghệ và đi vào sản xuất đại trà nên giá thành sản phẩm phục vụ cho các PV sẽ rất rẻ trong tương lai gần.
Tại Australia, chi phí cho các dự án năng lượng Mặt Trời quy mô lớn đã giảm từ mức 85 USD/MWh năm 2015 xuống 39 USD/MWh hoặc thậm chí là 28 USD/MWh vào cuối năm 2020. Mức giá này thấp hơn nhiều so với mức 79 USD mà Tập đoàn điện lực quốc gia Indonesia chi phí để sản xuất ra 1 MWh.
Để đáp ứng nhu cầu sử dụng điện vào 2050, mỗi năm Chính phủ Indonesia phải tạo ra 50 GW từ năng lượng Mặt Trời, bắt đầu từ năm 2021 và kết nối nguồn điện lưới quốc gia. Điều này hoàn toàn có thể đạt được, vì thời gian xây dựng các PV nhanh hơn rất nhiều so với các nhà máy điện truyền thống. Trung bình chỉ cần khoảng thời gian 24 tháng, có thể xây dựng hoàn chỉnh một PV.
Để giải quyết bài toán cung cấp năng lượng điện vào ban đêm khi không có ánh nắng Mặt Trời, Indonesia có thể sử dụng hệ thống pin tích điện rất phổ biến của các PV trên thế giới hiện nay.
Giá cả của hệ thống pin này cũng đã giảm hơn 87% so với trước đây và hiện đang ở mức 156 USD/kWh và dự kiến sẽ tiếp tục giảm xuống mức 61 USD/kWh vào năm 2030. Do giá thành của hệ thống pin tích trữ điện khá rẻ nên Indonesia cũng có thể sử dụng hệ thống pin này để tích trữ các nguồn điện năng khác như thủy điện, điện gió… trong khi chờ đợi hoàn thiện các PV của quốc gia.
Thứ ba, Indonesia là quốc gia cam kết sẽ giảm khoảng 29% đến 41% lượng khí thải vào năm 2030. Do vậy việc phát triển nguồn điện Mặt Trời cũng sẽ giải quyết được những khó khăn lớn về vấn đề bảo vệ môi trường của Indonesia hiện nay.
Sự dồi dào của nguồn năng lượng Mặt Trời tại Indonesia sẽ cho Indonesia cơ hội để sản xuất và cung cấp nguồn điện năng sạch đảm bảo 100% nhu cầu sử dụng trong nước của Indonesia vào năm 2050.
Giá thành của nguồn năng lượng này chắc chắn sẽ rẻ hơn các nguồn điện năng truyền thống trong khi không phát sinh thêm vấn đề ô nhiễm môi trường.
Vì những lý do ưu việt đó, chắc chắn người dân Indonesia sẽ đón nhận một cách tích cực nguồn năng lượng mới tiên tiến. Chính phủ Indonesia cần có chiến lược phát triển dài hạn để thu hút các nhà đầu tư phát triển lĩnh vực này.
Đồng thời cũng cần xây dựng các chính sách khuyến khích khách hàng tăng cường sử dụng nguồn năng lượng rẻ và sạch nhằm thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế đi đôi với bảo vệ môi trường vốn đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng tại Indonesia hiện nay./.
Nguồn Bnews: https://bnews.vn/tuong-lai-cua-dien-mat-troi-tai-indonesia/157407.html