Tương lai khó khăn cho Sri Lanka
Liên tiếp những sự kiện chưa từng có đã xảy ra với đất nước Sri Lanka. Nước này sau khi lún vào khủng hoảng kinh tế giờ lại chìm sâu trong khủng hoảng chính trị.
Tổng thống Sri Lanka Gotabaya Rajapaksa và phu nhân đã lên máy bay của quân đội bỏ trốn sang Maldives. Vài giờ sau đó ông tuyên bố từ chức.
Trước khi ra đi, ông trao quyền cho Thủ tướng Wickremesinghe. Vài giờ sau đó, Văn phòng Thủ tướng ban bố tình trạng khẩn cấp và giới nghiêm nhưng trong bối cảnh hỗn loạn, người biểu tình xông cả vào Văn phòng Thủ tướng đòi ông Wickremesinghe từ chức, ông đã hủy bỏ cả hai lệnh.
Người biểu tình xông vào Đài Truyền hình nhà nước Rupavahini, khiến đài buộc phải ngừng phát sóng. Trước đó, Thủ tướng Wickremesinghe đã tỏ ra cứng rắn. Phát biểu trên truyền hình, ông cho biết: “Tôi đã ra lệnh cho các chỉ huy quân đội và cảnh sát trưởng làm những gì cần thiết để lập lại trật tự”.
“Chúng ta không thể xé bỏ hiến pháp của mình. Chúng ta không thể cho phép phát xít tiếp quản. Chúng ta phải chấm dứt mối đe dọa của phát xít đối với nền dân chủ”, ông nói thêm.
Sau khi biết Tổng thống Rajapaksa chưa có đơn từ chức gửi tới Chủ tịch Quốc hội nước này, người biểu tình tiếp tục xông vào tấn công Văn phòng Quốc hội. Tổng thống Rajapaksa đã khẳng định từ chức bằng một cú điện thoại, nhưng vẫn chưa gửi thư chính thức. Theo Hiến pháp Sri Lanka, việc từ chức của Tổng thống chỉ được coi là chính thức sau khi Chủ tịch Quốc hội nhận được thư từ chức.
Với ông Rajapaksa - người đang phải đối mặt với một số cáo buộc hình sự, trong đó có tham nhũng cấp độ cao và quản lý kém khiến Sri Lanka vỡ nợ - việc ông từ chức là chưa đủ, người dân cũng muốn ông phải bị xử lý về các cáo buộc tham nhũng và quản lý ngân quỹ yếu kém.
Từ nhiều tháng nay, biểu tình trầm trọng đã diễn ra ở quốc đảo Sri Lanka, nơi đang chống chọi với cuộc khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng. 22 triệu người dân nước này phải vật lộn để mua được lương thực cơ bản, thuốc men, xăng dầu.
Sri Lanka vốn là một thiên đường du lịch, nơi thu hút nguồn vốn đầu tư lớn từ Ấn Độ, Trung Quốc.
Nhưng nền kinh tế của quốc đảo đã bị tàn phá bởi đại dịch toàn cầu, dẫn đến việc đóng cửa ngành du lịch. Ngoài ra là chính sách quản lý yếu kém, nạn tham nhũng tràn lan khiến nước này mắc kẹt trong khủng hoảng kinh tế, tài chính, không có tiền để nhập khẩu nhiên liệu, thực phẩm, các mặt hàng thiết yếu.
Lượng kiều hối cạn kiệt, cùng với một loạt các đợt cắt giảm thuế đã khiến Sri Lanka rơi vào cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất kể từ khi kết thúc chế độ thuộc địa vào năm 1948.
Việc tiếp theo của Sri Lanka là phải thành lập được một chính phủ đoàn kết - đó là trách nhiệm của Thủ tướng Wickremesinghe hiện nay, song có được điều đó không dễ dàng bởi lòng tin vào thể chế ở nước này đã suy giảm nghiêm trọng.
Nhiều khả năng Chủ tịch Quốc hội Mahinda Yapa Abeywardena sẽ điều hành đất nước cho đến khi một tổng thống mới được bầu. Cuộc bỏ phiếu sẽ diễn ra vào 20/7.
Chính phủ mới sẽ phải đối phó với cuộc khủng hoảng kinh tế lịch sử của Sri Lanka, nhưng sự ổn định kinh tế sẽ không đến cho đến khi sự ổn định chính trị đạt được - các nhà quan sát cho biết. Con đường phía trước sẽ rất khó khăn, nhưng Sri Lanka cần một chính phủ ổn định mới có thể từng bước thoát khỏi khủng hoảng.
Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/tuong-lai-kho-khan-cho-sri-lanka-post600693.html