Tương lai liên minh gia tộc Marcos - Duterte
Dù là đồng minh trong chiến dịch tranh cử chiến thắng vừa qua, đã có những dấu hiệu cho thấy hai gia tộc Marcos và Duterte sẽ trở mặt thành đối thủ.
Sau 36 năm, gia tộc Marcos đã trở lại Cung điện Malacanang, tức phủ tổng thống Philippines. Con của nhà độc tài Ferdinand Marcos từng lãnh đạo Philippines hơn 20 năm, ông Ferdinand Marcos Jr., tuyên thệ nhậm chức hôm 30/6 tại trụ sở Quốc hội Philippines ở thủ đô Manila.
Đứng cạnh ông Marcos "con" trong lễ tuyên thệ là Phó tổng thống Sara Duterte, con gái cựu Tổng thống Rodrigo Duterte. Suốt buổi lễ, nụ cười luôn nở trên môi cùng những cử chỉ thân tình thể hiện sự đoàn kết mà bà Sarah dành cho tân tổng thống.
"Nhưng phía sau cử chỉ thân thiện ấy là một chính trị gia tham vọng với đầy hoài bão", Nikkei Asia bình luận.
Động thái bất thường
11 ngày trước lễ nhậm chức của ông Marcos, bà Sara đã có buổi tuyên thệ của riêng mình tại thành phố Davao. Điều này bất thường bởi theo hiến pháp Philippines, tổng thống và phó tổng thống phải tuyên thệ nhậm chức cùng ngày.
Bà Sara giải thích việc phá vỡ nguyên tắc tổ chức tuyên thệ bởi muốn cảm ơn người dân ở Davao, những cử tri đã luôn ủng hộ bà suốt 3 năm nhiệm kỳ bà làm thị trưởng. Năm 2016, bà Sara trở thành thị trưởng thành phố, thay thế chính cha mình khi ông Rodrigo Duterte được bầu làm tổng thống.
Với việc tổ chức lễ tuyên thệ sớm, hình ảnh và vị thế độc lập của bà Sara đã được nâng lên một bậc, điều chắc chắn không thể có được nếu lễ tuyên thệ diễn ra cùng ngày với tân Tổng thống Marcos.
Trong cuộc tổng tuyển cử hồi tháng 5, ông Marcos chiến thắng với 31,63 triệu phiếu bầu, tương đương 58,8% tổng số cử tri. Đây là số phiếu cao nhất một ứng viên tổng thống giành được kể từ cuộc cách mạng năm 1986.
Nhưng trong cuộc đua phó tổng thống, bà Duterte thậm chí làm tốt hơn khi giành 32,21% số phiếu, tương đương 61,5% cử tri. Bà chiến thắng với số phiếu cao hơn bất cứ tổng thống hay phó tổng thống nào giành được trong 36 năm qua.
Trái với nhiều quốc gia khác, cuộc bầu cử tổng thống và phó tổng thống ở Philippines diễn ra theo hai quy trình bỏ phiếu độc lập với nhau.
Theo thăm dò cử tri trước cuộc bầu cử tổng thống, bà Duterte là người được cử tri yêu thích hàng đầu, bỏ xa các đối thủ phía sau. Tháng 11/2021, vị thị trưởng Davao bất ngờ tuyên bố chạy đua chức phó tổng thống trong liên danh với ông Marcos.
Động thái trên giúp ông Marcos vươn lên trở thành ứng viên tiềm năng nhất cho chức tổng thống. Ông Marcos sau đó băng băng về đích trong cuộc bỏ phiếu hồi tháng 5.
Tham vọng của Sara Duterte
Bà Duterte đã góp công giúp gia tộc Marcos trở lại chiếc ghế quyền lực ở Manila theo 3 cách.
Thứ nhất, bà sẵn sàng từ bỏ cuộc đua chức danh tổng thống dù nhiều người tin bà có thể chiến thắng.
Thứ hai, bà giúp ông Marcos thu phục nhóm cử tri dao động ở miền Nam Philippines, nơi ông Marcos từng không thể chinh phục trong cuộc bầu cử phó tổng thống năm 2016 và thất bại trước đối thủ Leni Robredo, dù khi đó ông có sự ủng hộ mạnh mẽ ở phía bắc đất nước.
Trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2022, Leni Robredo tiếp tục là đối thủ của ông Marcos. Nhưng với cái tên Sara Duterte là liên danh tranh cử, ông Marcos đã chiến thắng 64 trong tổng số 81 tỉnh của Philippines, nhiều gấp đôi kết quả ông giành được năm 2016.
Cuối cùng, bà Duterte đã giúp làm mới hình ảnh của ông Marcos. Trước đó, ông Marcos bị nhiều cử tri xem là quá mềm yếu, trái ngược hoàn toàn với bà Sara, một chính trị gia nổi tiếng cứng rắn và nhiệt huyết. Thời còn là thị trưởng Davao, phóng viên đã ghi lại cảnh bà Sara đánh một viên chức tòa án khi đó đang tìm cách đuổi những người dân nghèo ra khỏi ngôi nhà của họ.
Việc bà Duterte gia nhập đội ngũ của Marcos giúp ông này giành được thêm lá phiếu từ nhóm cử tri ủng hộ các nhà lãnh đạo cứng rắn.
"Trong khi Marcos cần Sara Duterte, nữ chính trị gia không thực sự cần đồng nghiệp nam. Con gái nhà Duterte có thể chiến thắng cuộc bầu cử tổng thống nhờ sự ủng hộ của cha mình", Nikkei Asia bình luận.
Vậy vì sao bà lại từ bỏ và quay sang ủng hộ ông Marcos?
Nhiều người tin rằng bà Duterte không muốn bị cử tri xem như "con rối" của cha mình.
Khi tiếp quản chức thị trưởng Davao, bà đã sa thải toàn bộ các trợ lý thân cận từng làm việc cho cha mình trước đó.
Là con của người vợ cả của ông Duterte, bà Sara có thể mang sự ác cảm với ông Duterte sau cuộc ly hôn của cha mẹ, bà không muốn bị ông Duterte điều khiển, các chuyên gia nhận định.
Chức danh phó tổng thống mà bà Sara Duterte nắm giữ, dù cũng được người dân bầu trực tiếp, lại gần như mang tính biểu tượng và ít có thực quyền. Trong lịch sử Philippines, chỉ hai chính trị gia từ phó tổng thống trở thành tổng thống.
Tuy nhiên, trong trường hợp bà Sara, chức danh phó tổng thống có thể chỉ là bước đệm cho tính toán lâu dài hơn.
"Dù hầu như chỉ mang tính biểu tượng, nhưng nếu đồng thời nắm một vị trí trong nội các, triển vọng phó tổng thống được bầu làm tổng thống trong cuộc bầu cử sau cao hơn nhiều so với một thị trưởng", Takeshi Kawanaka, trưởng bộ phận nghiên cứu của Viện Phát triển kinh tế Nhật Bản, nhận định.
Đây có thể là lý do bà Sara tuyên bố theo đuổi ghế phó tổng thống chỉ một tháng sau khi công bố ý định chạy đua chức thị trưởng Davao tháng 9/2021.
Cuộc đấu giữa hai gia tộc?
Bà Sara dường như không có ý định đóng vai "lốp dự phòng" trong 6 năm tới, mà lễ nhậm chức tách biệt với ông Marcos vừa qua đã cho thấy một phần. Tổng thống Marcos hiện đã bổ nhiệm bà Sarah làm Bộ trưởng Giáo dục.
Dường như bà Sara muốn tự mình chiến thắng cuộc đua tổng thống, thay vì dựa vào danh tiếng của người cha - cựu Tổng thống Duterte. Nhưng tham vọng này có thể không suôn sẻ như bà muốn, bởi gia tộc Marcos vẫn có khả năng ngáng đường bà.
"Sẽ rất thú vị khi quan sát cách liên minh Marcos - Duterte vận hành đất nước. Liên minh liệu sẽ lâu dài hay sớm tan vỡ?", Marites Vitug, biên tập viên tờ Rappler, nhận định.
Điều này có nghĩa là liệu gia tộc Marcos có sẵn sàng từ bỏ quyền lực mà họ vừa nắm được sau 6 năm nữa hay không, khi nhiệm kỳ hiện nay của ông Marcos kết thúc.
Theo hiến pháp, nhiệm kỳ tổng thống sẽ kết thúc sau 6 năm và không được tái tranh cử. Trong khi Tổng thống Marcos bắt buộc phải về hưu sau nhiệm kỳ, vẫn có khả năng một thành viên khác trong gia tộc chạy đua tranh cử.
Chị gái của ông Marcos, bà Imee Marcos, là một chính trị gia đình đám và hiện là thượng nghị sĩ kiêm thống đốc tỉnh Ilocos Norte. Con trai Tổng thống Marcos, ông Sandro Marcos, cũng vừa chiến thắng một ghế Hạ nghị sĩ hồi tháng 5.
Bà Sara hẳn không ngây thơ tin rằng gia tộc Marcos sẽ dễ dàng từ bỏ quyền lớn. Bà đã đề nghị quân đội thành lập một đơn vị vũ trang riêng bảo vệ phó tổng thống, tách biệt với lực lượng bảo vệ Tổng thống Marcos.
Sau khi đơn vị trên được thành lập hôm 24/6, bà Sara ca ngợi quân đội "có tầm nhìn xa, giải quyết những thách thức có thể phát sinh trong các cuộc bầu cử tương lai, khi tổng thống và phó tổng thống gặp điều không may hoặc có quan hệ không tốt đẹp".
Phát biểu của bà Sara làm công chúng nhớ lại vụ ám sát Thượng nghị sĩ Benigno "Ninoy" Aquino năm 1983, đối thủ của nhà độc tài Marcos. Ông Aquino bị sát hại khi trở về từ Mỹ sau thời gian lưu vong.
"Sự ủng hộ dành cho mọi tổng thống thường lao dốc sau nửa nhiệm kỳ, luôn có khả năng chính quyền vướng vào bê bối", Wataru Kusaka, giáo sư Đại học Nghiên cứu quốc tế Tokyo, nhận định.
Chuyên gia người Nhật cho rằng lúc này bà Sara có thể muốn hòa thuận với nhà Marcos, nhưng vẫn có khả năng xảy ra bất hòa. Kết quả cuộc bầu cử tiếp theo sẽ bị ảnh hưởng rất lớn bởi khoảng thời gian sau khi hết nửa nhiệm kỳ hiện nay.
Hai gia tộc Marcos và Duterte nhận được sự ủng hộ của cử tri vùng nông thông, và cùng thù địch với các gia tộc tinh hoa truyền thống như nhà Aquino.
Dù vậy, gia tộc Aquino hiện bị đánh giá là thiếu vắng các gương mặt đủ tiếng tăm. Người cuối cùng của gia tộc Aquino nắm quyền tại Philippines là cựu Tổng thống Benigno Aquino III, người tiền nhiệm của ông Duterte.
"Với việc đối thủ chính trị chung đã bị gạt ra bên lề, cạnh tranh giữa gia đình Marcos và Duterte sẽ chỉ ngày càng gay gắt", Nikkei Asia bình luận.
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/tuong-lai-lien-minh-gia-toc-marcos-duterte-post1336563.html