Tương lai mịt mờ của người thiểu số Yazidi ở Iraq

Một thập kỷ sau cuộc nổi dậy của nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng, các thành viên của cộng đồng Yazidi đã dần trở về nhà của họ ở Sinjar, tỉnh Nineveh, miền Bắc Iraq. Nhưng nhiều người không thấy tương lai ở đó. Họ không có tiền để xây dựng lại những ngôi nhà bị phá hủy. Mạng lưới nước, cơ sở y tế và trường học, thậm chí cả các đền thờ tôn giáo vẫn chưa được xây dựng lại.

Một người Yazidi đứng trước ngôi nhà đã bị phá hủy từ 10 năm trước ở làng Dugure, Sinjar, Iraq

Một người Yazidi đứng trước ngôi nhà đã bị phá hủy từ 10 năm trước ở làng Dugure, Sinjar, Iraq

Khi cô Rihan Ismail trở về nhà cũ ở trung tâm cộng đồng Yazidi của Iraq, cô tin mình sẽ không đi đâu nữa vì đó là niềm khao khát trong suốt nhiều năm bị giam cầm. Khi mới ở tuổi thiếu niên, Ismail bị những chiến binh IS bắt cóc ở Sinjar, Iraq. Trong lúc hàng nghìn người thuộc nhóm tôn giáo thiểu số Yazidi bị giết hại và bắt làm nô lệ, Ismail được đưa từ Iraq đến Syria, rồi đến Thổ Nhĩ Kỳ. Cuối cùng, cô cũng được giải cứu về trở về làng từ năm ngoái, khi đã 24 tuổi.

Rihan Ismail đang sống trong ngôi nhà cùng anh trai (hiện làm cảnh sát), cùng vợ và một con nhỏ của người anh này. Nó nằm trong ngôi trường ở cuối phố, tạm thời thành nơi ở của những gia đình không còn nơi nào khác để đi. Cha và em gái Ismail vẫn mất tích. Trong một nghĩa trang ở rìa làng, 3 người anh trai của cô được chôn cất trong một ngôi mộ tập thể cùng với 13 người khác bị IS giết.

Sinjar có vị trí chiến lược ở phía Tây Bắc Iraq gần biên giới Syria và là quê hương của người Yazidi trong nhiều thế kỷ. “Sinjar là vùng đất thiêng của người Yazidi. Nếu không có Sinjar, người dân Yazidi sẽ giống như một bệnh nhân ung thư đang hấp hối”, ông HadiBabasheikh, quản lý văn phòng của cố lãnh đạo tinh thần Yazidi trong hàng chục năm qua cho biết.

Cảnh quan nơi đây vẫn ám ảnh bởi những ký ức kinh hoàng. Vào tháng 8-2014, các chiến binh IS đã tấn công cộng đồng Yazidi ở Sinjar, quyết tâm xóa sổ nhóm tôn giáo nhỏ bé, biệt lập mà chúng coi là dị giáo. Chúng giết đàn ông và bé trai, bán phụ nữ làm nô lệ tình dục hoặc buộc họ phải cải đạo và kết hôn với các chiến binh. Đã 7 năm trôi qua kể từ khi IS bị đánh bại ở Iraq, nhưng tính đến tháng 4-2024, chỉ có 43% trong số hơn 300.000 người phải di tản khỏi Sinjar đã trở về, theo Tổ chức Di cư Quốc tế.

Không chỉ vậy, nhiều nhóm vũ trang đang chia cắt khu vực này. Chính quyền Trung ương ở Baghdad và chính quyền ở khu vực người Kurd bán tự trị phía Bắc đã đấu tranh giành Sinjar. Đầu năm nay, chính quyền Baghdad đã ra lệnh đóng cửa các trại tị nạn do người Kurd kiểm soát trước ngày 30-7 và đề nghị trợ cấp 4 triệu dinar (khoảng 3.000 USD) cho những người dân rời đi. Tuy vậy, chính quyền người Kurd cho biết, họ sẽ không trục xuất những người dân trong trại. Bởi vậy, nhiều người Yazidi phải cân nhắc xem nên ở lại hay rời đi.

Vào ngày 24-6, gia đình gồm 9 người của ông Barakat Khalil đã theo một đoàn xe tải chất đầy nệm, chăn và đồ gia dụng, rời khỏi thị trấn Dohuk, Iraq - nơi họ đi sơ tán trong gần một thập kỷ để trở lại cố hương. Hiện họ sống trong một ngôi nhà nhỏ cho thuê ở thị trấn Sinjar. Ngôi nhà cũ của họ ở một ngôi làng gần đó đã bị phá hủy. Ngôi nhà ấy, ông Khalil đã mất 7 năm dành dụm mới đủ tiền xây, nhưng gia đình họ mới ở được 2 tháng thì bị quân IS xông vào, cho nổ tung. “Bây giờ cuộc sống hoàn toàn mới, chúng tôi không quen biết ai ở đây”, Haifa Barakat, con gái 25 tuổi của ông Khalil cho biết. Cô là thành viên duy nhất trong gia đình đang làm việc tại hiệu thuốc của bệnh viện địa phương.

Chưa hết, căng thẳng giữa các lực lượng dân quân khác nhau ở Sinjar làm dấy lên mối lo ngại về an ninh của khu vực này. Nổi bật trong số đó là Đơn vị kháng chiến Sinjar hay YBS, một lực lượng dân quân Yazidi chủ yếu là tín đồ Hồi giáo dòng Shiite. Thổ Nhĩ Kỳ thường xuyên không kích nhằm vào các thành viên của YBS vì họ liên kết với Đảng Công nhân người Kurd, một nhóm ly khai người Kurd đã tiến hành một cuộc nổi loạn ở Thổ Nhĩ Kỳ. Tháng này, hội đồng tỉnh Nineveh cuối cùng đã bỏ phiếu bổ nhiệm một Thị trưởng duy nhất cho Sinjar, nhưng các tranh chấp đã trì hoãn việc bổ nhiệm này.

Bởi lẽ đó, nhiều người đã trở về cho biết họ đang nghĩ đến việc rời đi một lần nữa. Rihan Ismail giờ đây đặt hy vọng vào việc đoàn tụ với người mẹ đã định cư ở Canada. “Ngay cả khi bạn đi nơi khác, bạn cũng không thể quên những gì đã xảy ra, nhưng bạn phải tìm cách để sống và không phải chứng kiến ngôi làng của mình bị phá hủy như thế này”, cô nói.

Theo AP

Yên Vũ

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/tuong-lai-mit-mo-cua-nguoi-thieu-so-yazidi-o-iraq-post584547.antd