Tương lai mờ mịt của phụ nữ Afghanistan
Tháng 7/2023, chính quyền Taliban đã yêu cầu các thẩm mỹ viện phải đóng cửa. Đây là động thái mới nhất nhằm hạn chế phụ nữ đến các địa điểm công cộng. Tương lai của phụ nữ Afghanistan đang mờ mịt hơn bao giờ hết sau hàng loạt lệnh cấm hà khắc của chính quyền Taliban suốt 2 năm qua.
Những số phận "bị nhốt trong lồng"
Khushi (19 tuổi) từng tham gia các lớp học về luật và khoa học chính trị tại trường Đại học tỉnh Balkh phía Bắc. Cô rơi vào trầm cảm kể từ khi Taliban đóng cửa các cơ sở giáo dục đại học đối với phụ nữ. "Tôi lúc nào cũng thấy chán nản, cảm giác như con chim bị nhốt trong lồng, mất hết hạnh phúc", cô tâm sự.
Giống Khushi, nhiều phụ nữ Afghanistan đang phải vật lộn với cảm giác tuyệt vọng. Các tổ chức y tế ước tính, một nửa trong số 40 triệu dân Afghanistan đã phải chịu đựng tâm lý căng thẳng sau nhiều thập kỷ chiến tranh và bất ổn.
Kể từ khi lên nắm quyền điều hành đất nước vào tháng 8/2021, Taliban đã áp đặt cách diễn giải hà khắc nhất giáo lý của đạo Hồi, đưa ra nhiều quy định hạn chế đối với phụ nữ và trẻ em gái. Trong 2 năm qua, chính quyền Taliban đã tước quyền của phụ nữ và trẻ em gái đối với giáo dục, công việc, đi lại và hội họp.
Tháng 12 năm ngoái, Taliban ban hành sắc lệnh cấm phụ nữ làm việc trong các tổ chức phi chính phủ trong và ngoài nước. Phụ nữ Afghanistan cũng bị cấm đi học đại học, trong khi phần lớn nữ sinh trung học không được đến trường. Nữ giới tại Afghanistan không được phép lui tới công viên, vườn hoa và không được đi du lịch nếu không có người thân là nam giới đi cùng.
Tháng 7/2023, chính quyền Taliban đã yêu cầu các thẩm mỹ viện phải đóng cửa. Đây là động thái mới nhất nhằm hạn chế phụ nữ đến các địa điểm công cộng. Khoảng 12.000 thẩm mỹ viện bị đóng cửa khiến hơn 60.000 phụ nữ trong ngành làm đẹp mất việc làm, gây thêm căng thẳng trong nền kinh tế vốn đã khủng hoảng.
Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres khẳng định: "Đây là hành vi vi phạm các quyền con người cơ bản, không thể thay đổi của phụ nữ. Quyết định này cũng vi phạm các nghĩa vụ của Afghanistan theo Luật nhân quyền quốc tế và vi phạm nguyên tắc không phân biệt đối xử - nguyên tắc cốt lõi làm nền tảng cho Hiến chương Liên hợp quốc".
Còn ông Gordon Brown, Đặc phái viên của Liên hợp quốc về giáo dục toàn cầu, nhấn mạnh: "Đàn áp giới tính là một tội ác chống lại loài người, mà các thành viên Taliban có thể phải chịu trách nhiệm truy tố theo "quy chế Rome" của Tòa án hình sự quốc tế (ICC).
Những vi phạm bắt đầu từ việc quốc gia này không tuân thủ Công ước về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ (CEDAW). Chế độ này cũng đang vi phạm các nghĩa vụ của Afghanistan theo Công ước quốc tế về các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa cũng như Công ước về quyền trẻ em".
Khủng hoảng nhân đạo
Afghanistan đang chìm trong khủng hoảng nhân đạo khi có tới 28,3 triệu người (tương đương 2/3 dân số nước này) cần được hỗ trợ khẩn cấp để tồn tại. 4 triệu người bị suy dinh dưỡng cấp tính, trong đó có 3,2 triệu trẻ em dưới 5 tuổi.
Cuộc khủng hoảng đã gây tổn hại lớn đến phụ nữ và trẻ em gái, những người vốn đã gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận thực phẩm, chăm sóc sức khỏe và nhà ở.
Gần 1/4 số hộ gia đình ở Afghanistan có chủ hộ là nữ giới. Việc chính quyền tước bỏ quyền được tiếp cận giáo dục và tham gia đời sống kinh tế-xã hội của phụ nữ và trẻ em gái sẽ gây ra vết thương ngày càng lớn và khó lành cho chính đất nước này.
Cùng với nhiều thập kỷ chiến tranh, những hạn chế khắc nghiệt đối với quyền của phụ nữ và trẻ em gái đã khiến nhiều người bị mất việc làm, đặc biệt là việc sa thải lao động nữ.
Fereshta Abbasi, nhà nghiên cứu thuộc Tổ chức Theo dõi Nhân quyền, cho biết: "Người dân Afghanistan đang sống trong cơn ác mộng nhân đạo và nhân quyền dưới sự cai trị của Taliban. Phản ứng của Taliban đối với cuộc khủng hoảng nhân đạo quá lớn ở Afghanistan là tiếp tục bóp chết quyền của phụ nữ và bất kỳ sự bất đồng chính kiến nào.
Các chính phủ hợp tác với Taliban nên thúc ép họ khẩn trương khôi phục tất cả các quyền cơ bản của người Afghanistan, đồng thời cung cấp hỗ trợ quan trọng cho người dân Afghanistan".
Ông Filipe Ribeiro, đại diện của tổ chức Medecins Sans Frontieres (MSF) tại Afghanistan, cho hay các nữ sinh viên y khoa sắp ra trường bị cấm tham gia kỳ thi cuối kỳ. Các nữ bác sĩ cũng bị cấm theo học các lớp bồi dưỡng chuyên sâu.
Lệnh cấm giáo dục bậc trung học đối với nữ sinh khiến các trường đào tạo y tá và hộ sinh sớm không còn học viên. Điều này sẽ dẫn tới "thảm họa" đối với lĩnh vực chăm sóc sức khỏe trong tương lai. Afghanistan là một trong những quốc gia có tỷ lệ tử vong ở bà mẹ và trẻ sơ sinh cao nhất thế giới. Theo thống kê, cứ 2 giờ lại có một phụ nữ tử vong khi đang mang thai hoặc sinh con.
Theo ông Gordon Brown, giáo dục không thể chờ đợi. Tổ chức Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) và các tổ chức khác nên cung cấp các nguồn lực để đẩy mạnh cơ hội giáo dục cho trẻ em gái Afghanistan.
Nguồn: HRW, Guardian