Tương lai mới cho di sản địa chất

Hội nghị quốc tế lần thứ tám của Mạng lưới Công viên địa chất UNESCO khu vực châu Á - Thái Bình Dương (APGN-8) cho thấy quyết tâm bảo tồn di sản của hành tinh, cũng như cùng nhau thúc đẩy sự phát triển bền vững thông qua các công viên địa chất toàn cầu UNESCO.

Các đại biểu tham dự Hội nghị APGN-8 tại Cao Bằng. (Ảnh: Tuấn Việt)

Các đại biểu tham dự Hội nghị APGN-8 tại Cao Bằng. (Ảnh: Tuấn Việt)

Lần đầu tiên được tổ chức tại tỉnh Cao Bằng, Hội nghị APGN-8 đã tìm ra nhiều giải pháp, kinh nghiệm hữu ích trong công tác xây dựng và phát triển danh hiệu Công viên địa chất (CVĐC) theo các tiêu chí của UNESCO.

Hơn 800 đại biểu từ 19 quốc gia, 6 phiên hội thảo chuyên đề khoa học với hơn 160 tham luận. Những con số đã nói lên tầm vóc, ý nghĩa và giá trị của một Hội nghị quốc tế tại một tỉnh miền núi được xem là chiếc nôi văn hóa của khu vực phía Bắc Việt Nam.

“Lấy nhân dân làm trung tâm”

Thành công của Hội nghị càng có ý nghĩa hơn và cũng nhiều xúc cảm hơn, khi diễn ra trong những ngày mà địa phương đăng cai cũng như toàn bộ miền Bắc của Việt Nam đang gồng mình khắc phục những thiệt hại và mất mát vô cùng nặng nề từ hậu quả của cơn bão Yagi.

Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, trong phát biểu khai mạc hôm 12/9 đã khẳng định, việc Hội nghị vượt qua những trở ngại của bão lũ, thu hút đông đảo đại biểu tham dự là minh chứng rõ nét cho sự đoàn kết, nỗ lực hợp tác của các thành viên thuộc Mạng lưới CVĐC toàn cầu UNESCO.

Khi phát biểu tổng kết Hội nghị ngày 15/9, ông Jin Xiaochi, Phó Chủ tịch Ban điều hành Mạng lưới CVĐC toàn cầu UNESCO bày tỏ cảm ơn chân thành tới Chính phủ Việt Nam và chính quyền, người dân tỉnh Cao Bằng, cũng như Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam vì những nỗ lực “gấp bội phần”, tổ chức Hội nghị chu đáo, đúng theo kế hoạch. Nhiều thông tin, tư liệu quý, kinh nghiệm xoay quanh các chủ đề đa dạng từ giá trị di sản địa chất, bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa vật thể, phi vật thể; các hoạt động giáo dục về CVĐC, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu; ký kết hợp tác giữa các CVĐC toàn cầu trong khu vực...

Đặc biệt, Hội nghị đã thông qua Tuyên bố Cao Bằng với những nội dung trọng tâm là: Nhấn mạnh tinh thần “lấy nhân dân làm trung tâm” trong các hoạt động của mạng lưới CVĐC toàn cầu; nâng cao hiểu biết chung và toàn diện về tầm quan trọng của CVĐC toàn cầu đối với các quốc gia, dân tộc.

Tuyên bố kêu gọi nỗ lực ở các cấp địa phương, khu vực và quốc tế nhằm tăng cường hợp tác trong phạm vi các Mạng lưới CVĐC toàn cầu và khu vực, hướng tới thiết lập một khuôn khổ toàn diện cho công tác bảo tồn, phát triển bền vững, đồng thời xây dựng tầm nhìn dài hạn cho Mạng lưới CVĐC toàn cầu.

Thêm nữa, tuyên bố nhấn mạnh quyết tâm tăng cường trao đổi tri thức, khuyến nghị chính sách; thúc đẩy các chương trình quản lý rủi ro và giảm thiểu thiên tai trong CVĐC; tập trung giáo dục, xây dựng năng lực để trao quyền cho thanh niên bảo tồn CVĐC trong tương lai.

Điểm nhấn đặc biệt trong khuôn khổ Hội nghị APGN-8 là chương trình kỷ niệm 20 năm thành lập Mạng lưới CVĐC toàn cầu, mang đến cho các thành viên những khoảnh khắc tự hào, tăng thêm sự gắn kết, hợp tác vì mục tiêu phát triển bền vững của nhân loại.

Đoàn đại biểu quốc tế tham dự Hội nghị lần thứ tám Mạng lưới Công viên địa chất UNESCO tham quan thác Bản Giốc, Cao Bằng. (Ảnh: Tuấn Việt)

Đoàn đại biểu quốc tế tham dự Hội nghị lần thứ tám Mạng lưới Công viên địa chất UNESCO tham quan thác Bản Giốc, Cao Bằng. (Ảnh: Tuấn Việt)

Cơ hội tuyệt vời cho địa phương

Non nước Cao Bằng vinh dự là địa phương thứ hai tại Việt Nam chính thức trở thành thành viên của Mạng lưới CVĐC toàn cầu UNESCO và Mạng lưới khu vực châu Á - Thái Bình Dương từ tháng 4/2018.

Đăng cai Hội nghị APGN-8 cho thấy sự tham gia tích cực, có trách nhiệm của CVĐC Non nước Cao Bằng vào các hoạt động của Mạng lưới, thể hiện quyết tâm của địa phương trong phát huy danh hiệu hướng tới mục tiêu phát triển bền vững. Việc tiếp đón đoàn công tác của UNESCO đến dự Hội nghị dịp này, nói như Bí thư Tỉnh ủy Cao Bằng Trần Hồng Minh, có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với địa phương, tăng cường tình đoàn kết, hữu nghị, đồng thời, góp phần làm sâu sắc thêm quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và UNESCO nói chung.

Đánh giá về việc xây dựng và phát triển danh hiệu CVĐC toàn cầu UNESCO tại địa phương, Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng Hoàng Xuân Ánh khẳng định đây là con đường đúng của tỉnh, phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội địa phương. Ngành du lịch đã có nhiều thay đổi ngoạn mục sau khi triển khai và xây dựng thương hiệu CVĐC toàn cầu Non nước Cao Bằng, góp phần cải thiện sinh kế của người dân, nâng cao nhận thức cộng đồng trong bảo tồn và phát huy giá trị của tài nguyên, di sản địa chất và văn hóa bản địa.

Tại các cuộc tiếp xúc với lãnh đạo địa phương, Trợ lý Tổng giám đốc UNESCO về Khoa học tự nhiên Lidia Brito luôn nhấn mạnh Cao Bằng là một mô hình CVĐC toàn cầu phát triển rất mạnh mẽ trong ứng dụng kinh nghiệm của UNESCO vào phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, cũng như nâng cao đời sống cho người dân.

Nhận định CVĐC toàn cầu là theo mô hình “mở”, Thứ trưởng Ngoại giao Hà Kim Ngọc, Chủ tịch Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam đưa ra thực tế là danh hiệu CVĐC toàn cầu giúp Cao Bằng và nhiều địa phương khác trong cả nước gìn giữ văn hóa, phát triển kinh tế bền vững, nâng cao giáo dục cho người dân trong việc vừa thụ hưởng vừa tham gia vào quản lý, vận hành.

Bộ Ngoại giao, Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam luôn tích cực đồng hành và hỗ trợ Cao Bằng nói riêng, các địa phương nói chung trên chặng đường bảo tồn và phát huy giá trị của danh hiệu được UNESCO công nhận.

Mạng lưới CDĐC toàn cầu được thành lập vào năm 2004, vốn là một đối tác dưới sự bảo trợ của UNESCO và đến năm 2014, trở thành đối tác chính thức của UNESCO trong quá trình quản lý và phát triển các công viên địa chất toàn của UNESCO. Hiện nay, Mạng lưới CVĐC toàn cầu gồm 5 mạng lưới khu vực (châu Á - Thái Bình Dương, châu Âu, Mỹ Latinh và Caribe, châu Phi và Bắc Mỹ) với 213 thành viên ở 48 nước.

Sáng kiến “Ngoại giao khoa học - công nghệ”

Trong chuyến thăm Việt Nam đầu tiên này, Trợ lý Tổng giám đốc UNESCO về Khoa học tự nhiên Lidia Brito cho biết, UNESCO đang thúc đẩy sáng kiến mới “ngoại giao khoa học - công nghệ”, với mục tiêu xây dựng và phát triển cầu nối giữa cộng đồng khoa học và giới hoạch định chính sách, trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Phó Thủ tướng Chính phủ Bùi Thanh Sơn và Trợ lý Tổng giám đốc UNESCO về Khoa học tự nhiên Lidia Brito tại sự kiện. (Ảnh: Tuấn Việt)

Phó Thủ tướng Chính phủ Bùi Thanh Sơn và Trợ lý Tổng giám đốc UNESCO về Khoa học tự nhiên Lidia Brito tại sự kiện. (Ảnh: Tuấn Việt)

Tại cuộc gặp Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn, bà Lidia Brito bày tỏ tin tưởng Việt Nam có thể trở thành một trong những quốc gia đi đầu thực hiện sáng kiến này. Ngoài ra, Việt Nam có thể là nhân tố đóng vai trò quan trọng trong chương trình hợp tác về nguồn nước trong khu vực tiểu vùng sông Mekong mà UNESCO đang thúc đẩy.

Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh vai trò ngày càng quan trọng của UNESCO trong duy trì hòa bình và thúc đẩy phát triển bền vững, thịnh vượng cho các quốc gia và dân tộc trên toàn

thế giới. Đánh giá khu dự trữ sinh quyển và CVĐC của UNESCO đã trở thành mô hình tốt cho phát triển bền vững về kinh tế - xã hội và phúc lợi của cộng đồng địa phương, Phó Thủ tướng khẳng định, Việt Nam sẽ tiếp tục đóng góp thực chất, hiệu quả vào công việc chung của tổ chức và sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm với các quốc gia thành viên.

Nhân dịp này, ông đề nghị bà Lidia Brito và lãnh đạo UNESCO tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trong phát triển và hội nhập quốc tế, bảo tồn và phát huy giá trị các khu di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới, CVĐC toàn cầu, các khu dự trữ sinh quyển.

* * *

Diễn ra trong điều kiện khó khăn của bão, lũ, Hội nghị APGN-8 tại vùng đất của núi non hùng vĩ - Cao Bằng một lần nữa nhấn mạnh biến đổi khí hậu, hiểm họa thiên nhiên không bỏ qua bất cứ ai, vì vậy cần nỗ lực chung để bảo tồn di sản thiên nhiên, ứng phó với các thách thức toàn cầu thông qua phát triển giá trị CVĐC toàn cầu. Sự vào cuộc tích cực, chủ động của CVĐC Non nước Cao Bằng được thể hiện rõ tại Hội nghị lần này góp phần củng cố niềm tin Mạng lưới CVĐC toàn cầu UNESCO khu vực châu Á - Thái Bình Dương, cũng như Mạng lưới CVĐC toàn cầu UNESCO sẽ tiếp tục hành trình phát triển và gặt hái nhiều thành tựu trong tương lai.

VIỆT AN

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/tuong-lai-moi-cho-di-san-dia-chat-286853.html