Tương lai nào cho 2 siêu dự án nhiệt điện tỷ đô của EVN tại Cần Thơ?

Sau quá trình dài nằm yên chờ đợi, dự án nhiệt điện Ô Môn 3 và 4 vừa có những bước tiến mới dù còn nhiều trở ngại EVN phải vượt qua.

Với đích hẹn 2025-2027, việc xử lý nốt các khâu còn lại theo đúng thời hạn tiến độ dự báo sẽ còn không ít chông gai, bởi tính chất phức tạp của cụm dự án này.

Với đích hẹn 2025-2027, việc xử lý nốt các khâu còn lại theo đúng thời hạn tiến độ dự báo sẽ còn không ít chông gai, bởi tính chất phức tạp của cụm dự án này.

LTS: Giữ vai trò đặc biệt quan trọng và chiếm tỷ trọng khá lớn trong cơ cấu nguồn cung điện quốc gia, nhưng những dự án nguồn điện trọng điểm trong tay các tập đoàn nhà nước như EVN, PVN lại chậm trễ nhiều năm. Trước nhu cầu tiêu thụ ngày càng lớn cũng như việc chưa thể huy động các nguồn điện năng lượng tái tạo mới, tiến độ các dự án này sẽ ảnh hưởng đến đảm bảo an ninh năng lượng cũng như đáp ứng nhu cầu sử dụng điện trong sản xuất – sinh hoạt. TheLEADER khởi đăng chuyên đề “Những quả đấm thép trong ngành điện” nhằm thông tin tới bạn đọc về bức tranh phát triển các dự án nguồn điện lớn thuộc trách nhiệm đầu tư của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước.

Bài 4: Tương lai nào cho 2 siêu dự án nhiệt điện tỷ đô của EVN tại Cần Thơ?

Theo quy hoạch, Trung tâm Điện lực Ô Môn (tại TP. Cần Thơ) gồm các nhà máy: Nhiệt điện Ô Môn I (công suất 660MW thuộc Tổng công ty Phát điện 2 và đã phát điện từ năm 2015); nhiệt điện Ô Môn 2 (khoảng 1.050MW do liên danh Vietracimex - Marubeni (Nhật Bản) đầu tư, chưa khởi công); nhiệt điện Ô Môn 3 (khoảng 1.050MW) và nhiệt điện Ô Môn 4 (khoảng 1.050MW) do EVN làm chủ đầu tư.

Trung tâm Điện lực Ô Môn khi hoàn thành sẽ gồm 4 nhà máy nhiệt điện với tổng công suất phê duyệt 2.910MW; nhiên liệu vận hành chủ yếu là nguồn khí đốt thiên nhiên vận chuyển từ vùng biển Tây Nam của Đồng bằng sông Cửu Long.

Việc đầu tư các dự án nguồn điện tại Trung tâm điện lực Ô Môn sử dụng khí Lô B cho phát điện nhằm giảm bớt phụ thuộc vào nhiên liệu nhập khẩu, ổn định nguồn điện quốc gia, hạn chế nguy cơ thiếu điện trong giai đoạn tới, đặc biệt là khu vực miền Nam.

Trong bối cảnh đó, khoảng 3 năm qua, nhiều thông tin cảnh báo nguy cơ thiếu điện tại khu vực miền Nam đã được Bộ Công thương và EVN phát đi, trong đó có liên quan tới việc chậm, lùi tiến độ vận hành của hai dự án Ô Môn 3 và 4 đặt trong chuỗi khí – điện lô B.

Việc thu xếp vốn đầu tư của các Tập đoàn và các chủ đầu tư trong nước rất khó khăn do Chính phủ tạm dừng chủ trương bảo lãnh vay vốn. Trong khi đó, các nguồn vốn ODA vốn vay ưu đãi nước ngoài để đầu tư các dự án điện rất hạn chế, thậm chí một số khoản vay đã có cam kết của các ngân hàng, tổ chức tài chính quốc tế nhưng không được các cơ quan quản lý nhà nước chấp thuận.

Việc thu xếp các nguồn vốn trong nước rất khó khăn, hiện hầu hết các ngân hàng trong nước đã vượt hạn mức tín dụng đối với chủ đầu tư và các đơn vị liên quan.

Giữa năm 2019, một trong những giải pháp nhằm đảm bảo cung cấp điện được Bộ Công thương đề ra là: Đôn đốc và có cơ chế để đảm bảo tiến độ đưa khí lô B vào bờ và cung cấp ổn định cho các nhà máy nhiệt điện khí Ô Môn 3,4 vận hành từ năm 2023.

Theo tiến độ tại Quy hoạch điện VII điều chỉnh, nhiệt điện TBKHH Ô Môn 3,4 (2x750MW) đều đã chậm 5-7 năm (đồng bộ tiến độ khí lô B). Riêng Ô Môn 3 được sử dụng cơ cấu vay vốn ODA.

Với nhiệt điện Ô Môn 3, sau quá trình chậm kéo dài nhiều năm, dự án đã được chấp thuận chủ trương đầu tư (tháng 8/2022) với tổng mức đầu tư khoảng 27.600 tỷ đồng (vốn EVN là 9.900 tỷ đồng, còn lại là huy động), khởi công quý I/2025, phát điện thương mại quý IV/2027.

Sự kiện này được coi là tín hiệu tích cực cho hoạt động triển khai, gỡ vướng cho Nhiệt điện Ô Môn 4 mà EVN theo đuổi nhiều năm qua. Lý do, hai dự án Ô Môn 3 và 4 có mối quan hệ cộng sinh, đồng bộ với các dự án cấp khí lô B phần thượng nguồn (sử dụng khí từ lô B).

Theo đó, từ việc được UBND tỉnh Cần Thơ chấp thuận chủ trương đầu tư, Ô Môn 3 (cùng Ô Môn 4) đã có thể hướng tới việc ký hợp đồng mua bán khí với PVN.

Tuy nhiên, khó khăn phía trước của EVN còn nhiều khi phải chờ đợi phê duyệt đề xuất Ô Môn 3 dùng vốn ODA. Đồng thời, là vấn đề bao tiêu khí cho nhà máy (phụ thuộc vào các dự án thượng nguồn khai thác mỏ khí và đường ống dẫn khí lô B – Ô Môn).

Theo Bộ Công thương, cụm nhiệt điện khí Ô Môn là các dự án rất quan trọng cho cấp điện tại miền Nam tới năm 2025. Việc sử dụng khí LNG để phát điện sau năm 2023 là không thể tránh khỏi. Do đó, cần nâng cao hiệu suất của các nhà máy nhiệt điện Ô Môn 3 và 4 (EVN làm chủ đầu tư) để giảm giá thành điện năng.

Trước khi Ô Môn 3 được chấp thuận chủ trương đầu tư khoảng 1 tháng, những vấn đề còn tồn tại của chuỗi dự án khí điện lô B - Ô Môn đã được nêu ra tại buổi làm việc giữa Chủ tịch Ủy ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp và EVN, PVN.

Nhóm các vấn đề tồn tại gồm: cơ chế đảm bảo khả năng vận hành và tiêu thụ hết lượng khí Lô B cam kết của các nhà máy, gia hạn thời hạn của các PSC Lô B&48/95 và Lô 52/97 đảm bảo cung cấp khí ổn định cho các nhà máy điện trong khoảng thời gian 23 năm, cơ chế tài chính cho khoản vay của dự án nhà máy nhiệt điện Ô môn 3…

Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp yêu cầu PVN và EVN tiếp tục cụ thể hóa, hoàn tất các thủ tục thỏa thuận về cung cấp và tiêu thụ khí giữa các doanh nghiệp, báo cáo cấp có thẩm quyền những nội dung cần quy định, phê duyệt; giao Vụ Năng lượng làm đầu mối, phối hợp với PVN và EVN thống nhất các nội dung báo cáo Thủ tướng về tổng thể chuỗi dự án, các khó khăn, vướng mắc và các giải pháp để đẩy nhanh tiến độ chuỗi dự án.

Như vậy, có thể thấy EVN mới chỉ đạt được nửa chặng đường (thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư) tại 2 dự án Ô Môn 3 và 4. Với đích hẹn 2025-2027 vận hành, việc xử lý nốt các khâu còn lại theo đúng thời hạn tiến độ dự báo sẽ còn không ít khó khăn, bởi tính chất phức tạp của cụm dự án này.

Được biết, tháng 6/2016, PVN trở thành nhà điều hành chính thức của dự án đường ống dẫn khí Lô B - Ô Môn. Chi nhánh của PVN - Công ty điều hành đường ống Tây Nam (SWPOC) là đơn vị đại diện nhà điều hành triển khai thực hiện dự án theo hợp đồng hợp tác kinh doanh (BCC) giữa các bên PVN, Tổng công ty Khí Việt Nam - CTCP (PV GAS), MOECO (Nhật Bản) và PTTEP (Thái Lan).

Trong quá trình đàm phán quyết định đầu tư cuối cùng (FID), PVN đã ký thỏa thuận văn kiện đàm phán bổ sung với MOECO, PTTEP để có cơ sở triển khai một số công việc dự án. Các bên sẽ góp chi phí quản lý theo tỷ lệ góp vốn trong BCC, đối với chi phí đầu tư, PVN sẽ ứng trước chi phí cho MOECO và PTTEP, các chi phí này sẽ được các đối tác hoàn trả khi có FID.

PVN cùng các đối tác nước ngoài đàm phán và hoàn thiện FID, dự kiến sẽ hoàn thành vào quý I/2018. Theo đó, dự kiến first gas (đón dòng khí đầu tiên) sẽ diễn ra vào quý IV/2021.

Nhiệt điện Ô Môn 4 là công trình năng lượng cấp I; công nghệ nhà máy vận hành bằng Turbine khí chu trình hỗn hợp, công suất khoảng 1.050MW±10%; nhiên liệu chính từ khí đốt thiên nhiên từ mỏ khí Lô B với nhu cầu khoảng 1,25 tỷ m3/năm; nhiên liệu dự phòng là dầu DO. Tổng mức đầu tư khoảng 29.900 tỷ đồng, trong đó, 20% vốn chủ sở hữu và 80% vốn vay thương mại; tiến độ phát điện thương mại dự kiến vào quý IV/2023.

Nhà máy nhiệt điện Ô Môn 4 được Chính phủ duyệt chủ trương đầu tư hồi tháng 2/2019. Theo dự kiến cuối 2023 sẽ đưa vào vận hành đồng bộ với khí lô B. Hiện tại, việc khởi công dự án đang được tích cực chuẩn bị để thực hiện vào quý II/2023.

Được biết, một trong những trở ngại lớn nhất của Ô Môn 4 có liên quan tới nhóm khí lô B. Cụ thể, khi triển khai nhóm khí lô B (theo quyết định 182 của Thủ tướng) thì thềm lục địa phía trung nguồn của Việt Nam lại được PVN điều khiển. Do vậy cần sự phối hợp hài hòa giữa 2 bên để tiến độ của dự án điện lực Ô Môn đem lại được hiệu quả cao nhất.

Ủy ban quản lý vốn đã phê duyệt để Hội đồng thành viên EVN quyết định đầu tư dự án này và EVN đã duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi dự án (tháng 9/2019) và xem xét phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu để triển khai các bước tiếp theo. Tiến độ vận hành dự án theo quy hoạch điện VII điều chỉnh là năm 2021.

Nhiệt điện Ô Môn 4 là một trong 4 nhà máy nằm trong Trung tâm Điện lực Ô Môn (TP. Cần Thơ). Nhà máy sử dụng công nghệ turbine khí chu trình hỗn hợp, quy mô công suất khoảng 1.050MW và các hạng mục dùng chung với nhiệt điện Ô Môn 3.

Nhiệt điện Ô Môn 4 có nhiệm vụ cung cấp nguồn điện ổn định cho khu vực miền Nam nói riêng và hệ thống điện quốc gia nói chung, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng và an toàn cung cấp điện. Đồng thời cùng với các nhà máy điện Ô Môn I, II, III trong Trung tâm Điện lực Ô Môn, dự án sẽ thúc đẩy khai thác có hiệu quả tài nguyên quốc gia của chuỗi khí Lô B ở khu vực bờ biển Tây Nam.

Đầu năm 2022, thời gian về đích vận hành của 2 dự án Ô Môn 3 và 4 tiếp tục được đẩy tới giai đoạn 2025-2027 và phụ thuộc vào khí Lô B.

Tại nhiệt điện Ô Môn 4 (dự kiến vận hành quý I/2026), EVN đã cơ bản hoàn tất hồ sơ mời thầu gói thầu EPC, dự kiến phát hành hồ sơ mời thầu sau khi chuẩn xác mốc tiến độ cấp khí Lô B. Về Ô Môn 3 (dự kiến vận hành năm 2027), EVN đã trình Ủy ban quản lý vốn đề xuất dự án vay vốn ODA của Nhật Bản.

Trước thực trạng khó khăn kéo dài tại hai dự án này, EVN mới đây đã kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo PVN phối hợp với các nhà đầu tư nước ngoài thúc đẩy tiến độ dự án khí Lô B để chốt tiến độ cấp khí Lô B cho các dự án nhà máy điện tại Trung tâm điện lực Ô Môn.

Tiếp tục làm việc với các ngân hàng thương mại truyền thống trong nước để huy động vốn cho đầu tư cho các dự án. Đề xuất Chính phủ phê duyệt cơ chế cho vay đặc thù đối với các dự án điện trong trường hợp các ngân hàng này vượt giới hạn tín dụng đối với EVN và các đơn vị thành viên.

Đối với cơ chế, chính sách cho các khoản vay trong nước, EVN kiến nghị sửa đổi quy định về tỷ lệ giới hạn tín dụng quy định tại Luật các tổ chức tín dụng căn cứ theo đặc điểm, tính chất, quy mô của từng hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh cần huy động vốn.

> Đọc các bài viết cùng chuyên đề "Những quả đấm thép trong ngành điện"TẠI ĐÂY

Nguyễn Cảnh

Nguồn Nhà Quản Trị: http://theleader.vn/tuong-lai-nao-cho-2-sieu-du-an-nhiet-dien-ty-do-cua-evn-tai-can-tho-1666284270143.htm