Tương lai nào cho bán đảo Triều Tiên?

Tương lai nào cho hòa bình, thống nhất trên bán đảo Triều Tiên? Hợp tác giữa bán đảo Triều Tiên và các nước trong tiểu vùng sông Mê Kông, đặc biệt là với Việt Nam sẽ ra sao?..., là những vấn đề được các chuyên gia thảo luận hết sức sôi nổi.

Toàn cảnh hội thảo

Toàn cảnh hội thảo

Những bước tiến quan trọng trong quan hệ liên Triều

Các tham luận đánh giá cao cuộc gặp thượng đỉnh Triều Tiên-Hàn Quốc, cho rằng đây là cuộc gặp lịch sử, đóng vai trò quyết định tới vận mệnh của bán đảo Triều Tiên. Trong diễn văn khai mạc, ông Kim Jeong In, Chủ tịch Hội đồng tư vấn dân chủ, hòa bình, thống nhất Hàn Quốc khẳng định: “Tôi tin tưởng chắc chắn rằng, giữa lúc cả thế giới đang trong bầu không khí căng thẳng trước những mối nguy hiểm ngàn cân treo sợi tóc của chiến tranh thì việc hai miền Nam Bắc Triều Tiên đối thoại và cùng ký kết, cùng với đó là cuộc gặp thượng đỉnh giữa Bắc Triều Tiên và Mỹ diễn ra trong thời gian sắp tới, sẽ mở ra con đường đầy hoa thơm của hòa bình và phồn vinh trên bán đảo Triều Tiên cũng như trên toàn thế giới”.

Đại sứ Hàn Quốc tại Việt Nam Kim Do Hyon chào mừng hội thảo

Đại sứ Hàn Quốc tại Việt Nam Kim Do Hyon chào mừng hội thảo

Tuy nhiên, quyết định bất ngờ của nhà lãnh đạo Kim Jong-un- từ bỏ “lực lượng vũ trang hạt nhân quốc gia” và thoát khỏi “quốc gia nghèo có vũ khí hạt nhân” để đi theo con đường của “quốc gia đang phát triển không có vũ khí hạt nhân” khiến không ít các chuyên gia ngỡ ngàng. Chỉ mới đây thôi, những tuyên bố của nhà lãnh đạo Kim Jong-un còn hết sức cứng rắn. Nói như Tổng thống nga V.Putin rằng, thà phải ăn cỏ, người Triều Tiên vẫn không từ bỏ vũ khí hạt nhân…

Hàng loạt câu hỏi được đặt ra sau gặp gỡ thượng đỉnh Kim Jong-un- Moon Jae-in: Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều sắp tới sẽ theo kịch bản nào? Quan hệ Bình Nhưỡng-Washington trong tương lai sẽ ra sao? Ô hạt nhân THAAD ở Hàn Quốc có cần thiết không? Sẽ phải đền bù cho việc giải giáp vũ khí hạt nhân ra sao? Công tác kiểm tra, giám sát giải giáp hạt nhân thế nào? Liệu Kim Jong-un có trung thành với tuyên bố của mình tại Bàn Môn Điếm hôm 27/4?

Theo ông Lee Dae Gun - Tổng biên tập báo Kyunghyang (Hàn Quốc), có lập luận cho rằng, câu chuyện giải giáp hạt nhân không phải là mới. Nó đã từng được đề cập trong “Tuyên bố chung phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên” năm 1991, “Tuyên bố chung 19/9” năm 2005 và “tuyên bố chung 4/10” năm 2007. Tuy nhiên, theo ông Lee Dae Gun, tuyên bố lần này hoàn toàn khác về chất, nó thể hiện quyết tâm của các nhà lãnh đạo hai miền Triều Tiên.

Nhìn chung, các chuyên gia đánh giá rằng đây là cơ hội “không thể tốt hơn” trong 73 năm đối đầu giữa hai miền Nam-Bắc Triều Tiên. Chính vì vậy, công tác chuẩn bị cho giai đoạn hậu thống nhất đã phải nghĩ tới. Khi đó, những bài học kinh nghiệm từ Việt Nam là hết sức bổ ích với Triều Tiên. Nói như ông Kim Jeong-in rằng: “Chúng tôi mong muốn được lắng nghe những chia sẻ về kinh nghiệm của Việt Nam trong việc vượt qua lịch sử đất nước chia cắt, thống nhất lãnh thổ và đạt được sự hòa hợp dân tộc cũng như đạt được các thành tựu phát triển của đất nước các bạn”.

Việt Nam và chính sách “phương Nam” của Hàn Quốc

Ngay sau khi ra mắt, chính quyền của Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã công bố chiến lược ngoại giao “Xây dựng cộng đồng cùng chung trách nhiệm Đông Bắc Á+”, đặt Đông Nam Á vào vị trí đối tác chiến lược vì hòa bình và phồn vinh không chỉ của bán đảo Triều Tiên, Đông Bắc Á mà còn cho cả thế giới. Chính sách ngoại giao “Phương Nam” của chính quyền Moon Jae-in thông qua đường lối ngoại giao nhân dân, lấy trọng tâm là con người (People); người dân sống trong một cộng đồng an toàn, hòa bình (Peace) và mọi người cùng chung hạnh phúc trong sự thịnh vượng (Prosperity); giúp tăng cường hợp tác giữa các quốc gia ASEAN với nhau.

 PGS. TS Phạm Hồng Thái, Viện trưởng Viện Đông Bắc Á điều khiển phiên thảo luận

PGS. TS Phạm Hồng Thái, Viện trưởng Viện Đông Bắc Á điều khiển phiên thảo luận

Phía Hàn Quốc cho rằng, Việt Nam là đối tác trọng tâm trong chính sách “Phương Nam” của mình. Chính phủ Hàn Quốc cam kết sẽ tích cực thúc đẩy mối quan hệ hợp tác về thực chất dưới hình thức hỗ trợ qua lại lần nhau, đóng góp vào phồn vinh chung. Vào thời điểm hiện tại, Việt Nam đang đứng số 1 ở ASEAN về kim ngạch thương mại (42,9%); số 1 về tổng vốn đầu tư (42,6%); số 1 về giao lưu nguồn nhân lực (28,7%) và số 1 về quy mô hỗ trợ vốn ODA (44%).

Trong cuộc hội đàm cấp cao Việt Nam-Hàn Quốc mới đây, hai bên đã nhất trí: Nhân dịp kỷ niệm 25 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao, quan hệ giữa hai nước từ “đối tác hợp tác chiến lược” sẽ lên tầm cao mới. Đặc biệt, kim ngạch thương mại giữa hai nước sẽ tăng lên tới 100 tỷ USD vào năm 2020, chiếm một nửa kim ngạch thương mại với ASEAN (200 tỷ USD). Tuy nhiên, theo TS Kwon Yul, nghiên cứu viên cao cấp, Viện Nghiên cứu chính sách đối ngoại Hàn Quốc thì thách thức lớn nhất trong quan hệ Hàn Quốc- ASEAN nói chung và với Việt Nam nói riêng là khoảng cách phát triển giữa các nước trong khu vực. Do đó, việc củng cố nền tảng tăng trưởng cho các quốc gia trong tiểu vùng song Mê- Kông, trong đó có Việt Nam là nhiệm vụ hết sức quan trọng nhằm đẩy mạnh hội nhập kinh tế và thu hẹp khoảng cách phát triển.

Các đại biểu chụp ảnh kỷ niệm bế mạc hội thảo

Các đại biểu chụp ảnh kỷ niệm bế mạc hội thảo

Các chuyên gia Việt Nam cho rằng, trong bối cảnh bị Trung Quốc o ép, thu hẹp thị trường liên quan đến kế hoạch xây dựng hệ thống phòng thủ THAAD của Mỹ, các doanh nghiệp Hàn Quốc không có con đường nào tốt hơn là tràn xuống phương Nam. Tuy nhiên, với các nước tiểu vùng sông Mê Kông, Hàn Quốc là người đến sau so với Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc…, Hàn Quốc sẽ làm gì để khẳng định vị thế của mình? Hàng loạt kiến nghị của các chuyên gia Việt Nam với Chính phủ Hàn Quốc trong chính sách đầu tư, hỗ trợ Việt Nam được đưa ra tại hội thảo này.

Các chuyên gia Hàn Quốc kỳ vọng rằng vào thời kỳ đầu sau khi thống nhất hai miền, Bắc Triều Tiên có khả năng sẽ đi theo con đường “phát triển kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa” của Việt Nam. Chính vì vậy, những kinh nghiệm của Việt Nam sau hơn 30 năm đổi mới sẽ là bài học quý báu cho bán đảo Triều Tiên thống nhất.

Hội thảo kết thúc trong bầu không khí thắm tình hữu nghị giữa hai quốc gia. Tất thảy đều mong muốn rằng hòa bình, thống nhất và thịnh vượng sẽ đến với bán đảo Triều Tiên và hợp tác hữu nghị giữa hai nước sẽ bước lên tầm cao mới.

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/thoi-su/tuong-lai-nao-cho-ban-dao-trieu-tien-3928050-c.html