Tương lai nào cho cổ phiếu của 'ông lớn' xây dựng Hòa Bình?
Giữa những lùm xùm về tranh chấp nội bộ quanh chiếc ghế 'người cầm trịch' cùng bức tranh tài chính của CTCP tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (HBC) mang đến dự báo ảm đạm cho giá cổ phiếu của doanh nghiệp.
Mặc dù ghi nhận đà hồi phục trong tháng cuối năm 2022, nhưng so với thời điểm đầu năm, thị giá cổ phiếu HBC đã giảm khoảng 65%, vốn hóa theo đó cũng giảm hàng nghìn tỷ đồng.
Cổ phiếu dự báo kém sáng trong năm 2023
Có thể thấy, sau giai đoạn thăng hoa cuối năm 2021 tới đầu năm 2022, cổ phiếu HBC cùng nhóm bất động sản cũng như xây dựng lần lượt quay đầu điều chỉnh giảm mạnh, gây ảnh hưởng lớn đến thị trường chung. Dù rằng có thời điểm, cổ phiếu HBC đã có dấu hiệu hút tiền và dần hồi phục trở lại trước thông tin giải ngân đầu tư công tiếp tục được thúc đẩy để hỗ trợ tăng trưởng GDP, cũng như nâng cao năng lực cạnh tranh của Việt Nam trong việc thu hút FDI từ quá trình tái cơ cấu chuỗi cung ứng toàn cầu.
Trở lại hiện tại, từ đầu năm 2023, cổ phiếu HBC đang có xu hướng đi xuống trong 2 phiên gần nhất. Đóng cửa phiên cuối tuần (6/1), cổ phiếu HBC tiếp tục giảm 6,3% về mức 8.650 đồng/cp.
Bàn về đà tăng trưởng của nhóm cổ phiếu xây dựng trong năm 2023, trong báo cáo mới công bố gần đây, các chuyên gia của Chứng khoán VCBS cho rằng, năm 2023 ngành xây dựng sẽ có nhiều cơ hội, song cũng nhấn mạnh sẽ phân hóa mạnh giữa các nhóm doanh nghiệp.
Trong đó, nhóm xây dựng dân dụng (bao gồm Hòa Bình) chủ yếu thi công các công trình chung cư, khu đô thị, tòa văn phòng, trung tâm thương mại, năm 2023 sẽ là một năm tương đối khó khăn. Trong năm 2023, hoạt động triển khai các dự án nhà ở và khối lượng thi công của các doanh nghiệp xây dựng dân dụng dự báo vẫn ở mức thấp khi số dự án được cấp phép ở mức thấp, thị trường bất động sản đi vào giai đoạn trầm lắng cộng thêm nguồn vốn phát triển dự án của các chủ đầu tư bị thu hẹp do môi trường tín dụng thắt chặt và việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp khó khăn hơn.
Theo VCBS, trong năm 2023, một lượng đáng kể trái phiếu doanh nghiệp sẽ bắt đầu đáo hạn và sẽ tạo áp lực lớn cho các doanh nghiệp bất động sản. Nhiều chủ đầu tư có thể thiếu hụt nghiêm trọng về dòng tiền khi áp lực trích dự phòng phải thu dần mạnh mẽ từ giữa năm 2023, ảnh hưởng đến khả năng và tiến độ thanh toán cho các nhà thầu.
Cho nên, doanh nghiệp có cơ cấu tài chính khỏe mạnh, nguồn tiền mặt lớn sẽ có khả năng chống chịu tốt trong giai đoạn thị trường khó khăn. Ngoài ra, yếu tố quan trọng mang tính quyết định là việc sở hữu nhiều lợi thế trong việc gia nhập thị trường xây dựng công nghiệp và giành các gói thầu lớn từ khối doanh nghiệp FDI nhờ gần gũi về văn hóa và quy trình hoạt động được chuẩn hóa quốc tế.
Nhìn về Hòa Bình, hiện doanh nghiệp này đang là một trong những đại gia giàu danh tiếng trong ngành xây dựng. Quy mô doanh thu của Hòa Bình còn vượt xa cả các đại gia như Vinaconex (VCG) hay Coteccons (CTD).
Kinh doanh sụt giảm giữa lùm xùm thượng tầng
Tuy nhiên, con số đáng quan tâm về kết quả kinh doanh của doanh nghiệp là lợi nhuận thì lại ghi nhận sự sụt giảm. Cụ thể, lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp của Hòa Bình trong 9 tháng đầu năm 2022 chỉ đạt 6,2 tỷ đồng, giảm 57%.
Tính đến ngày 30/9, tài sản của Hòa Bình đạt 18.683 tỷ đồng, tăng hơn 2.000 tỷ đồng so với đầu năm, chủ yếu đến từ các khoản phải thu ngắn hạn với phải thu ngắn hạn của khách hàng tăng từ 5.355 tỷ đồng lên 6.164 tỷ đồng, phải thu theo tiến độ khách hàng hợp đồng xây dựng tăng từ 4.735 tỷ đồng lên 5.116 tỷ đồng.
Chính vì vậy, dòng tiền từ hoạt động kinh doanh của Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình ghi nhận âm 1.331 tỷ đồng trong 9 tháng đầu năm, trong khi cùng kỳ dương 896 tỷ đồng. Dòng tiền từ hoạt động đầu tư cũng âm 319 tỷ đồng so với cùng kỳ âm 22 tỷ đồng.
Mặt khác, ngay trong ngày đầu năm 2023, Hòa Bình còn gây chú ý với các nhà đầu tư và thị trường bởi lùm xùm xung quanh chiếc ghế Chủ tịch HĐQT chưa có hồi kết.
Cụ thể, theo thông cáo báo chí ngày 31/12/2022 của Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình khẳng định, ông Lê Viết Hải tiếp tục giữ chức vụ Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình. Thế nhưng, chỉ 1 ngày sau đó (1/1/2023), ông Nguyễn Công Phú (người vừa được bổ nhiệm Chủ tịch HĐQT theo Nghị quyết số 51/2022/NQ-HĐQT HBC ngày 14/12/2022) đã có đơn gửi đến các cơ quan có thẩm quyền để nhờ bảo vệ lợi ích vì cho rằng, việc ông Lê Viết Hải và ông Nguyễn Văn Tịnh (Người phụ trách Quản trị công ty) ban hành Nghị quyết HĐQT số 53/2022/NQ-HĐQT.HBC ngày 31/12/2022 là không có căn cứ và cơ sở pháp lý để thực hiện.
Đáng chú ý, mới đây nhóm ông Nguyễn Công Phú - những người đang đấu tranh quyết liệt sau cú "quay xe" hoãn từ nhiệm của ông Chủ tịch Lê Viết Hải lại tiếp tục tung ra nhiều thông tin về tình hình quản trị và tài chính của Hòa Bình.
"Hiện nay trong các tài khoản của Hòa Bình chỉ còn 23 tỷ đồng khả dụng. Một nơi mà một năm làm khoảng 15.000 tỷ mà chỉ còn 23 tỷ khả dụng là một chuyện kinh khủng, lúc đó HĐQT phải cùng với ban Tổng giám đốc đi kiểm định xem 23 tỷ khả dụng là như thế nào. Nghĩa là không trả được lương”, ông Nguyễn Công Phú tiết lộ.
Dù rằng những thông tin này chưa được kiểm chứng, nhưng trên thực tế, Báo cáo tài chính nêu trên của Hòa Bình ít nhiều đã thể hiện những vấn đề trong dòng tiền.
Như vậy, những lục đục nơi “thượng tầng” của Hòa Bình chưa biết sẽ đi đến đâu và ai sẽ là người chiến thắng, nhưng dù kết quả ra sao và cùng với kết quả kinh doanh không mấy tươi sáng của doanh nghiệp này dự báo là những yếu tố chính gây ảnh hưởng đến đà tăng trưởng của cổ phiếu.