Tương lai nào cho du lịch thám hiểm xác tàu Titanic sau vụ nổ Titan?
Từ khi Titanic giăng buồm băng qua Đại Tây Dương ngày 10/4/1912, mọi người khắp thế giới bị thảm kịch khủng khiếp của con tàu mê hoặc. Vụ tàu Titan nổ khiến 5 người thiệt mạng đặt ra câu hỏi cho tương lai của du lịch thám hiểm xác tàu Titanic.
Theo Reuters, lịch sử của con tàu chìm Titanic truyền cảm hứng tạo nên bộ phim bom tấn. Ngành du lịch liên quan đến con tàu chìm năm 1912 phát triển mạnh ở Anh, Mỹ, Canada.
Ngành công nghiệp thu hút hàng triệu du khách đến các viện bảo tàng và đài tưởng niệm trên toàn thế giới, giới siêu giàu lại sẵn sàng trả 250.000 USD đi xuống đáy đại dương sâu 3.800 m để một lần nhìn thấy xác tàu.
Giờ đây, cái chết của 5 người trên tàu lặn Titan làm gia tăng những lo ngại về đạo đức và an toàn đối với ngành thăm dò Titanic, đồng thời có thể gây cản trở, thậm chí khép lại vĩnh viễn các chuyến đi tới xác tàu đắm trong tương lai.
Chuyến đi rủi ro
Hậu duệ của những người trên chiếc tàu viễn dương từ lâu buộc tội du khách tham quan, hứng thú với tàu Titanic biến thảm kịch thành "bộ môn thám hiểm" hái ra tiền.
"Nếu mọi người muốn tỏ lòng thành kính với Titanic và những người đã thiệt mạng, điều đó tốt thôi. Nhưng quan điểm của tôi là Titanic nên yên bình. Con tàu nên là nơi an nghỉ cho linh hồn đã khuất", Jean Legg nói.
Cha của Legg, Sidney Daniels, là tiếp viên hạng ba trên tàu Titanic. Vào đêm con tàu chìm xuống biển, Daniels sống sót nhờ nhảy xuống nước và bơi đến xuồng cứu sinh. Lúc đó, Daniels 18 tuổi và được cho là thành viên phi hành đoàn cuối cùng còn sống, đến khi ông qua đời năm 1983.
Hiện, một số người so sánh "sự ngạo mạn" của con tàu Titanic - thời điểm đó được quảng bá là "không thể chìm" - với thảm kịch gần đây trên con tàu Titan. Sau khi tàu phụ mất liên lạc vào tuần trước, có cáo buộc cho rằng công ty điều hành chuyến đi, OceanGate, không tuân thủ tiêu chuẩn thiết kế và điều hành.
Charlie Haas - chủ tịch của tổ chức lịch sử Hiệp hội Quốc tế Titanic - cho biết: "Giống như Titanic đã dạy cho thế giới những bài học về an toàn, sự mất mát của Titan cũng vậy".
OceanGate không phải đơn vị đầu tiên xuống thám hiểm xác tàu Titanic. Deep Ocean Expeditions bắt đầu thực hiện các chuyến đi vào năm 1998, giá 32.500 USD/hành khách.
Sau đó, các công ty như Bluefish, RMS Titanic Inc và Blue Marble Private (thông qua quan hệ đối tác với OceanGate) thực hiện các chuyến đi riêng họ. Tuy nhiên, Deep Ocean Expeditions và Bluefish không thực hiện chuyến lặn kể từ năm 2012 và đã hơn một thập kỷ kể từ khi RMS Titanic Inc thực hiện chuyến đi cuối cùng.
Vì tàu lặn hoạt động trong vùng biển quốc tế nên không có cơ quan quản lý nào giám sát tiêu chuẩn an toàn và tàu. Nhưng nhiều công ty cho rằng tàu của họ đạt tiêu chuẩn lặn xuống biển sâu.
Theo Will Kohnen, chủ tịch ủy ban tàu ngầm của Hiệp hội Công nghệ Hàng hải, chỉ có 10 tàu biển có khả năng đạt tới độ sâu ngang mức Titanic. "Tất cả chúng đều được chứng nhận ngoại trừ Titan," ông nói với Reuters.
Không có công ty nào lao vào thăm dò Titanic giống như OceanGate, công ty đứng sau tàu Titan. Công ty được đồng sáng lập vào năm 2009 do Stockton Rush, người đã chết trên tàu ngầm. OceanGate lặn xuống đáy đại dương được 18 chuyến. Họ cho rằng các nỗ lực xuống đáy biển ghi lại tình trạng hiện tại của xác tàu Titanic.
Tuy nhiên, Stockton Rush bị cho là phớt lờ lời khuyên về an toàn để theo đuổi đổi mới công nghệ. Năm 2018, Hiệp hội Công nghệ Hàng hải gửi thư cáo buộc OceanGate quảng cáo sai sự thật về Titan. Tàu không hề được DNV (tổ chức kiểm định toàn cầu có trụ sở tại Na Uy) phê duyệt.
Trong thư do New York Times có được, Hiệp hội Công nghệ Hàng hải cáo buộc các phương pháp của công ty là "thử nghiệm" và "có thể dẫn đến kết quả tiêu cực (từ nhỏ đến thảm khốc) gây hậu quả nghiêm trọng cho mọi người trong ngành".
Tương lai của ngành công nghiệp khám phá xác tàu Titanic
Trước thảm họa gần đây, nhiều người kêu gọi giám sát chặt chẽ hơn ngành công nghiệp tàu lặn và thận trọng với bất kỳ chuyến đi nào tới xác tàu Titanic trong tương lai.
Tim Maltin - chuyên gia Titanic - nói rằng khách du lịch nên tạm dừng việc lặn xuống xác tàu cho đến khi có thêm thông tin về những gì đã xảy ra với tàu ngầm Titan.
“Chúng tôi cần đảm bảo rằng bất kỳ tàu nào chở hành khách xuống dưới phải chứng nhận có khả năng lặn được sâu hơn so với độ sâu đang có xác tàu Titanic", Maltin nói.
Caroline Heaven, thành viên của Hiệp hội Titanic Anh, đồng ý với điều này. "Tôi thấy chẳng ích gì khi tham gia hành trình đầy nguy hiểm tới xác tàu đắm. Những mối nguy hiểm liên quan đến tàu quá lớn, điều kiện chật chội, tầm nhìn bị hạn chế khi tiếp cận xác tàu", bà nói.
Tuy nhiên, một số người nói rằng lịch sử sẽ mất nếu các chuyến thám hiểm tàu Titanic vĩnh viễn dừng lại. Lowell Lytle, một tác giả 91 tuổi và là người đến thăm xác tàu Titanic năm 2000 cho biết trải nghiệm này "tuyệt vời".
"Tôi tôn trọng những người nghĩ rằng chúng ta nên bỏ tham quan xác tàu. Nhưng thế hệ sau sẽ không bao giờ nhìn thấy món đồ trên tàu Titanic", Lowell Lytle nói.
Trên toàn cầu, sự quan tâm đến thám hiểm biển sâu tạo ra ngành công nghiệp xoay quanh du lịch tàu lặn và tàu ngầm. Ở Australia, mọi người có thể đi bộ dưới đáy đại dương, đội mũ bảo hiểm và mặc đồ bảo hộ.
Một khách sạn tàu ngầm sang trọng ở St Lucia có tên là Lovers Deep đưa các cặp tình nhân khám phá hành trình dưới đáy đại dương có giá khởi điểm 150.000 USD/đêm. Nhiều người trên những chuyến đi kiểu này được mô tả là "nhà khoa học công dân", thu thập hình ảnh và dữ liệu cho mục đích nghiên cứu.
Alan Whitefield - Giám đốc của Silvercrest Submarines, công ty bán vé tàu lặn ở Anh - cho biết những gì đã xảy ra trên tàu Titan chắc chắn khiến mọi người suy sụp. Ông nói rằng công chúng giật mình nhưng ngành công nghiệp lặn sớm phục hồi.
"Nó giống như ngành hàng không. Nếu có tin máy bay rơi, mọi người lo lắng trong vài tuần, nhưng mọi người chắc chắn sẽ quên điều đó và tiếp tục bay sau vài tháng", Alan Whitefield, nói.