Tương lai nào cho hệ thống S-400 của Nga tại Iraq?
Việc Iraq - một trong những quốc gia có mối quan hệ gần gũi với Mỹ - vẫn có ý định mua hệ thống tên lửa phòng không S-400 Triumph của Nga đã đặt ra dấu hỏi rằng liệu Baghdad có thể hiện thực hóa dự án này hay không.
Lý do Iraq theo đuổi hệ thống S-400
Ý định mua hệ thống S-400 của chính phủ Iraq được tiết lộ từ tháng 5-2019 bởi Đại sứ Iraq tại Nga, ông Haidar Mansur Hadi. Đến cuối năm đó, Cơ quan Liên bang Nga về hợp tác kỹ thuật quân sự (FSVTS) đã xác nhận rằng, hai bên đang thảo luận về hợp đồng cung cấp hệ thống S-400.
Gần đây nhất, vào giữa tháng 4 này, Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Iraq đã đệ trình một nghiên cứu chi tiết về thỏa thuận mua hệ thống S-400 và đang chờ sự chấp thuận từ Thủ tướng tạm quyền Adel Abdul-Mahdi.
Ông Karim Elaiwi, một thành viên trong ủy ban trên chia sẻ, Iraq muốn sở hữu hệ thống S-400 do lo ngại Mỹ có thể rút các hỗ trợ cho Iraq cũng như phàn nàn việc Washington chưa giúp Baghdad có được những vũ khí thích hợp.
Kế hoạch này được đưa ra trong bối cảnh Iraq muốn tự chủ giải quyết các vấn đề an ninh, nhất là sau khi căng thẳng giữa Mỹ và Iran ảnh hưởng xấu đến tình hình an ninh tại Iraq bởi quân đội Mỹ ngày 3-1 không kích nhằm vào sân bay quốc tế Baghdad ở Iraq khiến Thiếu tướng Qassem Soleimani, Tư lệnh lực lượng đặc nhiệm Quds thuộc Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran, thiệt mạng.
Sự phẫn nộ về cuộc tấn công đã khiến Quốc hội Iraq thông qua một nghị quyết kêu gọi chính phủ trục xuất quân đội nước ngoài khỏi đất nước và hủy bỏ yêu cầu hỗ trợ từ liên minh do Mỹ đứng đầu để chống lại Tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng. Song, quyết định vẫn chưa được thực hiện.
Bên cạnh đó, sau khi Iran phóng tên lửa đạn đạo vào căn cứ có lính Mỹ trú đóng ở Iraq nhằm trả đũa cho cái chết của vị tướng Qassem Soleimani, Iraq lại càng có cơ sở để tự nâng cao khả năng phòng thủ tên lửa của mình.
Ngoài ra, Iraq còn muốn theo kịp các quốc gia láng giềng nhờ vào hệ thống S-400 cũng như việc những hệ thống như vậy sẽ đảm bảo tốt nhất cho khả năng bảo vệ lãnh thổ và các căn cứ từ những cuộc không kích của đối phương có thể đến trong tương lai.
Mỹ cảnh báo trừng phạt
Tất nhiên, Mỹ sẽ chẳng chịu ngồi yên khi Iraq muốn chi tiền mua vũ khí của đối thủ Nga. Ngay khi có thông tin về ý định của Iraq, chính quyền Washington đã lên tiếng cảnh báo Baghdad về hậu quả mở rộng hợp tác quân sự với Moscow cũng như các thỏa thuận mua vũ khí tiên tiến với nước này, đặc biệt là hệ thống S-400. Không loại trừ khả năng Mỹ sẽ trừng phạt Iraq chiếu theo Đạo luật chống lại các đối thủ của Mỹ thông qua lệnh trừng phạt (CAATSA).
Hơn nữa, có nguồn tin cho hay, Washington đe dọa sẽ từ chối cho chính quyền Baghdad tiếp cận vào tài khoản ngân hàng của họ tại Mỹ mà Iraq cất trữ tiền bán dầu. Chắc chắn nó không phải là con số nhỏ và có thể gây ra thiệt hại nghiêm trọng cho nền kinh tế Iraq.
Một phương pháp khác Mỹ có thể sử dụng đến như việc từ chối gia hạn lệnh miễn trừ đối với các trừng phạt chống Iran. Washington hiện đang cho phép Baghdad nhập khẩu xăng dầu từ Tehran để chạy các máy phát điện, cung cấp phần lớn nguồn năng lượng của nước này.
Vì sao hệ thống S-400 khó xuất hiện ở Iraq?
Lý do đầu tiên chính là áp lực từ những cảnh báo trừng phạt của Mỹ nếu Iraq vẫn khăng khăng kế hoạch trên. Với tiềm lực kinh tế hạn chế cùng vị thế không vững chắc của chính phủ Iraq thời điểm hiện tại, Baghdad có cơ sở để các lựa chọn lên bàn cân.
Thứ hai, từ cuối tháng 3-2020, Lầu Năm Góc đã bắt đầu triển khai hệ thống phòng không PAC-3 Patriot tại các căn cứ quân sự ở Iraq để bảo vệ các lực lượng Mỹ hiệu quả hơn, sau vụ tấn công bằng tên lửa của Iran vừa qua nhằm vào căn cứ có binh sĩ Mỹ đồn trú ở Iraq.
Tư lệnh Bộ tư lệnh Trung tâm của quân đội Mỹ, tướng Kenneth Mackenzie cũng khẳng định rằng các hệ thống phòng không có chức năng phòng thủ chống tên lửa đạn đạo của Mỹ sẽ chịu trách nhiệm bảo vệ đồng minh Iraq trước bất cứ mối nguy hiểm nào từ tên lửa đối phương.
Như vậy, sự xuất hiện của “lá chắn thép” Patriot của Mỹ ở Iraq cho thấy Baghdad sẽ không mua hệ thống S-400 của Nga, bất chấp những cuộc đàm phán đã diễn ra.
Trước đó, Iraq cũng gặp nhiều áp lực từ phương Tây trong việc từ bỏ ký hợp đồng mua vũ khí với các quốc gia khác. Giới chính trị Iraq từng tiết lộ rằng, các công ty vũ khí của Mỹ và Israel đang hối thúc chính phủ nước này kiềm chế không đàm phán mua thiết bị quân sự tinh vi với các quốc gia bên ngoài.
Iraq có thể dùng “tiền lệ” để mua được hệ thống S-400 không?
Quân đội Iraq hiện đang vận hành nhiều mẫu vũ khí của Nga, bao gồm các hệ thống phòng không tầm ngắn-trung như Pantsir-S1 và các hệ thống tên lửa thời Liên Xô. Giữa tháng 1-2020, quân đội Iraq đã nhận được lô đầu tiên xe tăng T-90S và T-90SK do Nga sản xuất này sẽ thay thế vai trò chủ đạo của xe tăng M1 Abrams của Mỹ trong lực lượng tăng thiết giáp của quốc gia Trung Đông này.
Trước đó, Iraq đã mua hàng trăm xe tăng M1 Abrams để thế chỗ các đơn vị xe tăng T-55 và T-72 từ thời Liên Xô. Tuy nhiên, vì chỉ là một phiên bản bị giới hạn giáp siêu cứng Uranium nên gần một nửa số lượng xe tăng Mỹ chuyển giao cho Iraq đã bị thiệt hại trong cuộc chiến chống khủng bố IS gần đây.
Ngoài ra, giới phân tích cho rằng, hệ thống S-400 có sức hấp dẫn với nhiều quốc gia, kể cả những đồng minh chủ chốt của Mỹ. Iraq cũng có thể xem những quốc gia đã và sẽ nhận các hệ thống S-400 của Nga như Trung Quốc, Ấn Độ và Thổ Nhĩ Kỳ là “tấm gương” để noi theo.
Trung Quốc thì sắp sửa nhận đợt bàn giao hệ thống S-400 cuối cùng nhưng Washington lại không trừng phạt Bắc Kinh vì thương vụ này, mặc dù trước đó đã áp nhiều lệnh trừng phạt đối với những nước mua máy bay và tên lửa của Nga.
Thêm vào đó, Mỹ cũng không áp lệnh trừng phạt với Ấn Độ, bất chấp thực tế rằng việc New Delhi sở hữu hệ thống S-400 tạo ra nhiều mối đe dọa với Washington.
Thổ Nhĩ Kỳ, một đồng minh thân cận của Mỹ trong khối NATO, đã chi hơn 2 tỷ USD mua tên lửa S-400 của Nga và nhận bàn giao trong năm 2019. Washington đã phản ứng dữ dội trước sự việc này, không cho Ankara mua tiêm kích tàng hình F-35 dù Thổ Nhĩ Kỳ cũng là một thành viên tham gia tích cực vào dự án này.
PHẠM HUY (tổng hợp)