Tương lai nào cho Khối thịnh vượng chung thời hậu nữ hoàng Elizabeth II?
Một trong những lý do mà Khối thịnh vượng chung vẫn tồn tại đến giờ là tình cảm yêu mến, ngưỡng mộ dành cho Nữ hoàng Elizabeth II.
Nữ hoàng Elizabeth II qua đời đánh dấu sự khởi đầu triều đại của Vua Charles III. Đây là giai đoạn tế nhị và chắc chắn cũng sẽ là khởi đầu cho những đổi thay đổi mạnh mẽ hơn trong Khối thịnh vượng chung (The Commonwealth), vốn vẫn coi Quốc vương là Nguyên thủ Quốc gia.
Một trong những lý do mà Khối thịnh vượng chung vẫn tồn tại đến giờ là tình cảm dành cho Nữ hoàng Elizabeth II. Cùng với sự ra đi mãi mãi của bà, tương lai của khối này trở nên bất định.
Khối thịnh vượng chung vốn là một nhóm gồm 56 quốc gia thành viên, phần lớn trong số đó là thuộc địa cũ của Anh, chủ yếu ở châu Phi, châu Á, châu Mỹ và Thái Bình Dương. Ba quốc gia châu Âu là một phần của Khối thịnh vượng chung gồm Síp, Malta, và tất nhiên là chính bản thân Vương quốc Anh.
Theo dòng chảy thời gian, 36 quốc gia đã trở thành các nền Cộng hòa, bao gồm Ấn Độ, Pakistan, Bangladesh và Sri Lanka. Năm nước còn lại - Brunei Darussalam, Lesotho, Malaysia, Eswatini (trước đây là Swaziland) và Tonga - có Quốc vương của riêng họ.
Tính đến ngày 8/9/2022 - ngày Nữ hoàng Elizabeth II băng hà, Quốc vương vẫn là Nguyên thủ Quốc gia của 15 quốc gia trong Khối thịnh vượng chung, bao gồm cả Vương quốc Anh, gọi là “Vương quốc Thịnh vượng chung” (Commonwealth realm).
14 Vương quốc Thịnh vượng chung còn lại bao gồm Australia, Canada, New Zealand, Antigua và Barbuda, Bahamas, Belize, Grenada, Jamaica, Papua New Guinea, Saint Kitts và Nevis, Saint Lucia, Saint Vincent và Grenadines, Quần đảo Solomon và Tuvalu.
Rục rịch ly khai
Sau sự ra đi của Nữ hoàng Elizabeth II - vị quân chủ được yêu mến, nhiều câu hỏi được đặt ra về việc quốc gia nào trong số các Vương quốc Thịnh vượng chung sẽ quyết cắt đứt hoàn toàn quan hệ với Hoàng gia Anh và tiến lên nền Cộng hòa của riêng họ.
“Ngày càng có nhiều dấu hiệu bất mãn trong Khối thịnh vượng chung nơi Nữ vương/Quốc vương là Nguyên thủ Quốc gia”, nhà sử học Alastair Bellany của Đại học Rutgers (Mỹ) nói với tờ Rutgers Today. “Nếu không có tình cảm và sự ngưỡng mộ cá nhân dành cho Nữ hoàng Elizabeth II, bao nhiêu quốc gia trong số này bây giờ sẽ chọn tách mình khỏi chế độ quân chủ và trở thành các nước Cộng hòa”?
Thậm chí, ngay cả trước khi Nữ hoàng qua đời, một số quốc gia, bao gồm Jamaica, Belize và Bahamas, đã lên kế hoạch từ bỏ chế độ quân chủ.
Trong chuyến công du của Hoàng gia tới vùng biển Caribe hồi tháng 3, Thủ tướng Jamaica Andrew Holness đã gợi ý với Hoàng tử William và Công nương Kate, rằng đất nước ông đang “tiến lên” và có ý định “thực hiện tham vọng và vận mệnh thực sự của chúng tôi với tư cách là một quốc gia độc lập, phát triển và thịnh vượng”.
Hoàng tử William, nay đã trở thành người đứng đầu hàng kế vị ngai vàng, cũng nói với đám đông trong chuyến dừng chân ở Bahamas rằng Hoàng gia sẽ ủng hộ bất kỳ quyết định nào mà đảo quốc này đưa ra về việc từ bỏ chế độ quân chủ.
Ở Belize - nơi chuyến thăm của Hoàng gia Anh có vẻ không được hoan nghênh lắm, Bộ trưởng Cải cách Hiến pháp và Chính trị của đảo quốc Caribe, Henry Charles Usher, đã nói với Quốc hội nước ông: “Có lẽ đã đến lúc Belize phải thực hiện bước tiếp theo trong việc thực sự sở hữu nền độc lập của chúng ta. Nhưng đó là vấn đề mà người dân Belize phải quyết định”.
Australia đã có một số cuộc tranh luận về vấn đề này, và lần cuối cùng nước này tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý để cân nhắc việc trở thành một nước cộng hòa vào năm 1999. Vào thời điểm đó, 54,9% người Australia đã bỏ phiếu ủng hộ Nữ hoàng tiếp tục làm Nguyên thủ Quốc gia của họ.
Tuy nhiên, “xứ sở Kangaroo” đã chứng kiến một nỗ lực mới về ly khai Hoàng gia Anh sau khi ông Anthony Albanese nhậm chức Thủ tướng hồi tháng 5. Là một người ủng hộ nền cộng hòa, Thủ tướng Albanese đã đề cử một chức vụ mới, gọi là “Trợ lý cho các vấn đề của nền Cộng hòa”.
Đã đến lúc tàn canh?
Thực ra, dấu chân của chế độ quân chủ đã bị thu hẹp đáng kể từ khi Nữ hoàng Elizabeth II lên ngôi cách đây 70 năm.
Ngay trong thời gian Nữ hoàng trị vì, 17 quốc gia đã chọn Tổng thống làm Nguyên thủ Quốc gia của họ thay thế bà.
Tổng cộng, Nữ hoàng Elizabeth II đã là Nguyên thủ của 32 quốc gia khác nhau ở nhiều thời điểm khác nhau.
Gần đây nhất, tháng 11/2021, Barbados đã rời bỏ chế độ quân chủ sau 30 năm dưới quyền trị vì của Nữ hoàng Elizabeth.
Trước đó, Mauritius trở thành một nước Cộng hòa vào năm 1992, còn Fiji ly khai Hoàng gia Anh vào năm 1987.
Nguyên thủ Quốc gia trong chế độ quân chủ chỉ thực hiện quyền hành theo nghi lễ, có nghĩa là về cơ bản họ không nắm giữ quyền lực chính thức thực sự.
Nếu bất kỳ quốc gia nào trong số 15 quốc gia còn lại quyết định thay thế Vua Charles III bằng Nguyên thủ Quốc gia của riêng họ, họ vẫn có thể vẫn là một phần của Khối thịnh vượng chung vốn gồm 56 quốc gia, một hiệp hội tự nguyện của các quốc gia có từ thời Đế chế Anh.
Mục tiêu của Khối thịnh vượng chung là giúp các quốc gia “hợp tác cùng nhau để theo đuổi các mục tiêu chung nhằm thúc đẩy phát triển, dân chủ và hòa bình”, theo trang web của khối.
Barbados, Mauritius và Fiji nằm trong số các quốc gia hiện là nước Cộng hòa nhưng vẫn được kết nối với Khối thịnh vượng chung.
Ông Bellany, nhà sử học tại Đại học Rutgers, dự đoán cũng có thể có một “tính toán chính trị” trong chính Vương quốc Anh khi Vua Charles III đăng quang.
“Chế độ quân chủ hiện đại là một biểu tượng quốc gia, mặc dù không phải lúc nào cũng phản ánh chính xác những thực tế phức tạp hơn của quốc gia”, ông nói.
Nhà sử học đặt ra câu hỏi rằng vào thời điểm khủng hoảng kinh tế và xã hội sâu sắc ở Anh, liệu việc “làm mới” sự chú ý vào chế độ quân chủ có giúp làm phân tâm hoặc chệch hướng công chúng khỏi các vấn đề thực tại, hay liệu bản thân chế độ quân chủ có đang tự cảm thấy mình như một “chủ nghĩa lạc hậu chói tai”?
Minh Đức (Theo New York Post, Indian Express)