Tương lai nào cho nhóm xe sedan bình dân tại Việt Nam?
Tình hình ảm đạm doanh số khiến nhiều mẫu SUV cỡ B đang được điều chỉnh giá bán theo hướng giảm, tiếp cận khoảng giá dưới 600 triệu đồng.
Các báo cáo bán hàng cho thấy thị trường ôtô Việt Nam đang phải trải qua một giai đoạn tương đối khó khăn. Theo Hiệp hội các Nhà sản xuất Ôtô Việt Nam (VAMA), tổng lượng tiêu thụ ôtô của toàn thị trường xe Việt đạt 30.876 xe, giảm 23% so với cùng kỳ của năm 2023. Trong số này, doanh số ôtô du lịch giảm 26%, đạt 22.844 xe sau 2 tháng.
Sedan bình dân bán chậm
Giữa tình hình khó khăn chung của thị trường, phân khúc sedan bình dân với những đầu tàu Toyota Vios, Hyundai Accent và Honda City cũng không thể sở hữu doanh số khả quan.
Sau 2 tháng đầu năm, tổng doanh số của 7 mẫu xe thuộc phân khúc này đạt 4.128 xe, trong đó tháng giữa quý II chỉ ghi nhận lượng tiêu thụ chung 1.511 xe của phân khúc sedan cỡ B.
Năm ngoái, Hyundai Accent từng là điểm sáng hiếm hoi khi duy trì được thành tích bán hàng trên 1.000 xe/tháng trong gần như toàn bộ nửa đầu năm 2023. Tuy nhiên, doanh số của Accent trong 2 tháng đầu năm nay cũng đang cho thấy dấu hiệu suy yếu cùng với sức mua chậm của toàn thị trường xe Việt.
Toyota Vios cũng đang có một khởi đầu khá chậm chạp khi doanh số tạm thời dừng lại ở 822 xe sau 2 tháng. Ở chiều hướng ngược lại, Honda City tiếp tục có những tháng đầu năm tương đối khả quan khi trở thành sedan cỡ B bán chạy nhất Việt Nam trong tháng 2. Tuy nhiên, doanh số 1.122 xe từ đầu năm là chưa đủ để giúp Honda City vượt qua Hyundai Accent về lượng tiêu thụ tích lũy.
Xét trong cả phân khúc sedan cỡ B, chỉ duy nhất Honda City ghi nhận đà tăng trưởng về doanh số trong tháng 2. Suzuki Ciaz có lần đầu tiên trong năm trắng doanh số, còn mức giảm doanh số của Hyundai Accent và Toyota Vios cũng lần lượt đạt 60,2% và 74% ở kỳ báo cáo giữa quý.
Mazda2 tận dụng đà giảm doanh số của Toyota Vios để leo lên vị trí thứ ba trong danh sách sedan cỡ B bán chạy nhất tháng 2 tại Việt Nam. Doanh số của mẫu xe nhập Thái đạt 250 xe, cao hơn Toyota Vios (170 xe), Mitsubishi Attrage (67 xe) và Kia Soluto với 19 xe.
Sức bán chậm khiến tổng doanh số của phân khúc sedan bình dân ghi nhận mức sụt giảm 42,3% so với kỳ báo cáo đầu năm. Từ lượng tiêu thụ 2.617 xe ở tháng 1, sức mua sedan cỡ B tại thị trường Việt giảm xuống còn 1.511 xe trong tháng giữa quý đầu tiên của năm 2024.
Khó khăn chờ đón
Ba cái tên dẫn đầu phân khúc sedan cỡ B trong năm ngoái là Hyundai Accent, Toyota Vios và Honda City đều là ôtô lắp ráp trong nước, bên cạnh Kia Soluto của thương hiệu xe Hàn Quốc.
Yếu tố nội địa này có thể là một phần nguyên nhân giúp doanh số của bộ 3 Accent, Vios và City tăng trưởng ở giai đoạn nửa cuối năm ngoái, thời điểm chính sách ưu đãi phí trước bạ được áp dụng cho ôtô lắp ráp trong nước.
Vì vậy, khi chính sách ưu đãi nói trên kết thúc từ đầu năm 2024, doanh số của 3 cái tên dẫn đầu không thể duy trì ở mức cao, bất chấp các hãng xe và đại lý vẫn nỗ lực tung ra các chương trình khuyến mại với giá trị tương đương.
Trong số này, Hyundai Accent được áp dụng ưu đãi 23-36 triệu đồng tùy phiên bản, Honda City có ưu đãi tương đương đối đa 100% phí trước bạ còn Toyota Vios được hãng xe Nhật Bản giảm giá niêm yết xuống còn 458-545 triệu đồng.
Tình hình khó khăn chung cũng khiến sức mua ôtô nói chung tại Việt Nam có dấu hiệu đi xuống. Như đã đề cập, đà suy giảm về doanh số diễn ra không chỉ ở phân khúc sedan cỡ B mà còn trên toàn thị trường, cả ở những phân khúc lân cận như MPV bình dân hay SUV đô thị.
Không chỉ phải đối diện với doanh số ảm đạm ngay trong phân khúc, nhóm sedan cỡ B còn đang chịu thêm sức ép đến từ các mẫu xe thuộc phân khúc SUV đô thị.
Từ đầu năm đến nay, hàng loạt mẫu xe trong phân khúc SUV cỡ B tại thị trường Việt Nam được hãng điều chỉnh giá bán hoặc tung ưu đãi trị giá hàng trăm triệu đồng, đưa giá bán khởi điểm của nhiều mẫu xe về dưới 600 triệu đồng.
Hyundai Creta, “tân binh” Mitsubishi Xforce và cả Kia Seltos 2024 là những cái tên như vậy, khi phiên bản tiêu chuẩn của những mẫu SUV đô thị này vừa có giá bán mới, ở mức 599 triệu đồng tại thị trường xe Việt.
Phân khúc giá dưới 600 triệu đồng vốn thường được xem là cuộc cạnh tranh của MPV bình dân, sedan cỡ B và SUV cỡ A thì nay phải chứng kiến thêm sự gia nhập đường đua doanh số của những Hyundai Creta, Kia Seltos, Mitsubishi Xforce hay Mazda CX-3. Dù đồng hạng, các mẫu SUV đô thị vẫn được xem là có lợi thế hơn nhóm sedan bình dân bởi sở hữu khoảng sáng gầm tốt cùng thiết kế thể thao.
Toyota Yaris Cross dù vẫn sở hữu khoảng giá trội hơn sau điều chỉnh (650-765 triệu đồng) nhưng vẫn là một lựa chọn đáng cân nhắc bởi sự chênh lệch về giá bán với nhóm sedan cỡ B chỉ tầm 100 triệu đồng.
Nhìn chung, phân khúc sedan cỡ B có thể phải đối diện thêm nhiều khó khăn trong phần còn lại của năm 2024. Dù các hãng xe đã nỗ lực làm mới bằng các bản nâng cấp dành cho Honda City và Toyota Vios, sức mua sedan cỡ nhỏ dường như đang phần nào chịu ảnh hưởng không tốt từ trào lưu SUV.
Với tình hình doanh số như hiện tại, thật khó để Toyota Vios hay Hyundai Accent và Honda City có thể trở thành đối trọng đủ lớn của Mitsubishi Xpander, Mazda CX-5 hay Ford Ranger trên đường đua doanh số. Tuy nhiên, sự bất ngờ và khó đoán luôn là yếu tố làm nên tính hấp dẫn cho thị trường.
Cùng chờ xem phân khúc sedan cỡ B có thể vực dậy doanh số, hoặc ít nhất là sở hữu một cái tên đủ sức đua tranh cho ngôi đầu doanh số toàn thị trường xe Việt trong năm 2024 hay không.