Tương lai nào đang chờ đợi Boeing?
Nhà sản xuất máy bay nổi tiếng toàn cầu Boeing đang ngày càng lún sâu vào một cuộc khủng hoảng toàn diện.
Tiếp nối các sự cố xảy ra với dòng máy bay 737 Max 10, ngày 9/4, Boeing một lần nữa rơi vào rắc rối khi bị cáo buộc thường xuyên phớt lờ những phàn nàn liên quan tới quy trình sản xuất được cho là có nhiều sai sót nghiêm trọng đối với dòng máy bay 787 Dreamliner của hãng này.
Người tố cáo, một kỹ sư làm việc tại Boeing, đã nói rằng ông phát hiện ra có nhiều vấn đề hơn so với những gì đã công bố, liên quan tới máy bay 787 Dreamliner. Đáp lại, Boeing phủ nhận mạnh mẽ cáo buộc và khẳng định các máy bay của hãng là an toàn.
Tuy nhiên, Cục Hàng không Liên bang Mỹ (FAA) mới đây cho biết sẽ điều tra – bổ sung vào danh sách ngày càng nhiều các cuộc điều tra liên bang, nhắm vào một trong hai nhà sản xuất máy bay lớn nhất thế giới, bao gồm cả một cuộc điều tra hình sự. Tuần tới, một tiểu ban thuộc Thượng viện Mỹ sẽ xem xét về vụ việc của Boeing, bao gồm cả việc triệu tập người tố cáo. Động thái này có khả năng khiến một số hành vi vi phạm mới của hãng sẽ bị vạch trần công khai.
Những cáo buộc liên tiếp về các tiêu chuẩn an toàn lỏng lẻo của Boeing đã gây thêm tổn hại cho hình ảnh của hãng này trước công chúng: Một công ty có thành tích kém về an toàn, được lãnh đạo bởi các giám đốc điều hành được trả lương cao nhưng bất cẩn về tiêu chuẩn chất lượng.
Đáng tiếc là các tin xấu của Boeing dường như chưa kết thúc.
Những lời buộc tội
Người tố cáo mới nhất, ông Sam Salehpour, là kỹ sư việc tại Boeing. Ông Salehpour đã công khai cáo buộc Boeing “đi đường tắt” khi sản xuất máy bay phản lực 777 và 787 Dreamliner – bỏ qua các bước an toàn quan trọng, có thể dẫn đến hỏng hóc bất thường trong quá trình sử dụng, đặc biệt là ở giai đoạn máy bay trở nên cũ hơn.
Việc rút ngắn thời gian kiểm tra an toàn có thể làm giảm đáng kể tuổi thọ dự kiến của máy bay, lên tới 50 năm hoạt động. The New York Times (Mỹ) là tờ báo đầu tiên đưa tin về tuyên bố của người tố giác.
Theo The New York Times, khiếu nại của ông Salehpour được gửi cho FAA vào tháng Một và được công bố công khai ngày 9/4. Tuy nhiên, khiếu nại này không phải là một vấn đề hoàn toàn mới. FAA vốn dĩ đã điều tra về những lo ngại liên quan tới quá trình sản xuất máy bay 787 Dreamlines và yêu cầm tạm dừng việc giao hàng máy bay mới loại này.
Nhưng khiếu nại của ông Salehpour đã làm sáng tỏ việc các đội lắp ráp máy bay Boeing 787 Dreamlines dường như đã không lắp khít các bộ phận của máy bay, được sản xuất riêng biệt, dẫn đến một số khoảng trống nhỏ giữa các bộ phận trên thân vỏ của khoảng 1.000 chiếc máy bay. Ông Salehpour cho biết, điều đó có thể gây thêm áp lực lên các khớp nối của máy bay, một điều khó có thể xác định được khi kiểm tra.
Ông cáo buộc các nhà quản lý của Boeing đã biết về những lỗi này nhưng phớt lờ chúng. Họ thậm chí còn khuyến khích đẩy nhanh quá trình lắp ráp, nhằm giảm bớt tình trạng tắc nghẽn trong chuỗi sản xuất.
Boeing cho biết các máy bay 787 Dreamlines là an toàn để vận hành và, trước khi buộc tạm dừng giao hàng loại máy bay này, FAA đã xem xét kỹ lưỡng toàn bộ quy trình sản xuất của Boeing, bao gồm cả những gì mà ông Salehpour đã đề cập đến. Vào tháng 3/2023, FAA cuối cùng đã chấp thuận cho Boeing được giao hàng cho các hãng hàng không sau khi “hài lòng” rằng Boeing đã khắc phục các vấn đề.
Trong một tuyên bố ngày 9/4, Boeing nhấn mạnh: “Các cáo buộc về tính toàn vẹn cấu trúc của dòng máy bay 787 là không chính xác và không thể hiện đầy đủ toàn bộ các công việc mà Boeing đã thực hiện để đảm bảo chất lượng và sự an toàn lâu dài của máy bay”.
Tuy nhiên, ông Salehpour, hiện đã bị điều chuyển sang bộ phận sản xuất máy bay dòng 777 Dreamliner, cho biết, trong vai trò mới này ông tiếp tục phát hiện ra một số sai phạm nữa; đó là các đội thợ máy đã căn chỉnh sai một số bộ phận trên thân máy bay, nhưng Boeing gây áp lực buộc các kỹ sư phải phê duyệt công việc mà họ chưa kiểm tra.
Trong một tuyên bố đưa ra ngày 10/4, Boeing nói: “Chúng tôi hoàn toàn tự tin về tiêu chuẩn an toàn và độ bền của dòng máy bay 777. Những cáo buộc này là không chính xác”.
Tình thế khó khăn
Những cáo buộc mới nhất đã “đổ thêm xăng vào đám lửa đang thiêu đốt Boeing”. Các nhà chỉ trích cho rằng danh tiếng an toàn hàng đầu của Boeing đã bị hoen ố, sau vụ sáp nhập thiếu sáng suốt vào năm 1977 giữa tập đoàn này và công ty McDonnell Bouglas.
Mọi chuyện đã xuống dốc kể từ đó. Đỉnh điểm là hai vụ tai nạn máy bay Boeing 737 Max nghiêm trọng vào năm 2018 và 2019. Boeing đã thừa nhận phải chịu một phần trách nhiệm về hai sự cố nói trên, và chúng là do lỗi thiết kế. Tuy nhiên, sau hai năm ngừng hoạt động, dòng máy bay 737 Max đã được khắc phục sự cố và trở lại “thương trường”.
Chuỗi tin xấu không ngừng nghỉ gần đây bắt đầu vào tuần cuối cùng của năm 2023, khi một hãng hàng không phát hiện ra sự cố tiềm ẩn với một bộ phận quan trọng trên hai máy bay phản lực 737 Max.
Sau đó, vào cuối tuần đầu tiên của năm 2024, một bộ phận bên hông của chiếc máy bay 737 Max thuộc hãng hàng không Alaska Airlines bất ngờ phát nổ ngay sau khi chiếc máy bay này vừa cất cánh và Boeing đã rơi vào tình trạng khủng hoảng kể từ đó.
Một cuộc điều tra sơ bộ của Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia Mỹ cho thấy Boeing có thể đã không lắp các bu lông (các con ốc vít khóa khớp nối giữa các bộ phận) vào cái gọi là nút chặn cửa, vốn được thiết kế để ngăn bộ phận này văng ra khỏi máy bay. Boeing chưa thừa nhận những cáo buộc cụ thể trong báo cáo của Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia, mặc dù Giám đốc điều hành của Boeing Dave Calhoun xác nhận công ty đã phạm sai lầm và trả lời cuộc điều tra rằng Boeing sẽ phải chịu trách nhiệm cho sự cố này.
Kết quả là một số máy bay dòng 737 Max đã bị đình chỉ hoạt động tạm thời trên toàn nước Mỹ, đi kèm với đó là các phiên điều trần trước quốc hội, hoạt động sản xuất và giao hàng bị chậm trễ, nhiều cuộc điều tra liên bang - bao gồm cả điều tra hình sự - đã được thực hiện và giá cổ phiếu của Boeing giảm khoảng 30% kể từ đầu năm nay, khiến gần 50 tỷ USD giá trị vốn hóa của công ty chính thức “bốc hơi”.
Nhưng tin xấu chưa dừng ở đó, Vào tháng Hai, các phi công trên chiếc máy bay 737 Max của hãng hàng không United Airlines đã báo cáo rằng bộ điều khiển máy bay bị kẹt khi chiếc máy bay đang hạ cánh ở Newark thuộc bang New Jersey. Một tháng trước, FAA cảnh báo về các vấn đề an toàn với thiết bị làm tan băng trên máy bay dòng 737 Max và 787 Dreamlines có khả năng khiến động cơ mất lực đẩy. Tuy nhiên, FAA vẫn cho phép các máy bay tiếp tục hoạt động và Boeing khẳng định vấn đề này không gây ra rủi ro an toàn ngay lập tức.
Tuy nhiên, sau khi xem xét quy trình và tiêu chuẩn sản xuất của Boeing, nhà quản lý của FAA, ông Mike Whitaker, vào tháng trước, cho biết rằng FAA đã phát hiện ra các vấn đề “thực sự quan trọng” liên quan tới dây chuyền sản xuất và lắp ráp của Boeing, đồng thời đặt thời hạn muộn nhất là cuối tháng Năm, công ty phải trình bản kế hoạch khắc phục các vấn đề trong sản xuất.
Boeing cho biết họ đang giải quyết một số vấn đề mà ông Whitaker đã xác định.
Tương lai nào đang chờ đợi Boeing?
Tác động từ cuộc khủng hoảng của Boeing đã lan tới cấp độ lãnh đạo cao nhất. Công ty mới đây đã sa thải một số giám đốc điều hành, bao gồm cả các nhà giám sát hoạt động sản xuất máy bay thương mại và một giám đốc điều hành lâu năm, phụ trách đơn vị sản xuất máy bay 737 Max. Giám đốc điều hành cao nhất của Boeing, Dave Calhoun, đã tuyên bố sẽ từ chức vào cuối năm nay – sau khi được trả lương 32,8 triệu USD vào năm ngoái và sẽ nhận một khoản tiền 45 triệu USD khi về hưu.
Những vấn đề mới nhất của Boeing đã khiến hãng này phải “trả giá đắt”: Vào tháng Một, các hãng hàng không trên toàn cầu đã ngừng đặt hàng máy bay của Boeing và những chiếc máy bay 737 Max duy nhất mà họ đã đặt mua vào tháng trước là các phiên bản chưa được phép bay – đặc biệt là chiếc máy bay Max 10 có diện tích lớn hơn – liên quan tới vấn đề của bộ phận làm tan băng. Boeing có thể sẽ phải chịu những khoản tiền phạt nặng nề và những vụ kiện tụng nặng nề không kém.
Công ty đã trả cho Alaska Airlines hơn 150 triệu USD tiền bồi thường cho việc các máy bay của hãng này buộc phải tạm dừng hoạt động sau vụ nổ chốt cửa máy bay.
Boeing đã không có lãi trong các năm gần đây và sự cố của hãng hàng không Alaska Airlines sẽ dập tắt hy vọng “kiếm tiền” của Boeing trong năm nay.
Tuy nhiên, may mắn là công ty không phải đối mặt với bất kỳ một mối đe dọa hiện hữu nào. Boeing chỉ có một đối thủ cạnh tranh ngang hàng duy nhất trong lĩnh vực sản xuất máy bay thương mại trên toàn cầu. Đó là Airbus. Các hãng hàng không không thể dễ dàng chuyển đổi giữa các nhà sản xuất máy bay. Điều này giúp cho Boeing không bị ảnh hưởng bởi các lực lượng thị trường, như hành khách sẽ chọn một nhà sản xuất khác. Mặc dù có một số bằng chứng cho thấy đã có những hành khách ưu tiên lựa chọn chuyến bay khai thác bằng máy bay Airbus thay vì Boeing, nhưng việc lựa chọn chuyến bay đó có thể không thực tế hoặc không thể thực hiện được, tùy thuộc vào nơi họ muốn đi du lịch.
Mặc dù vậy, các cổ đông, cơ quan quản lý và khách hàng của Boeing đang ngày càng trở nên bất bình hơn. Danh tiếng vốn đã bị tổn hại của Boeing đồng nghĩa với việc công ty sẽ rất khó khăn để có thể lấy lại niềm tin của các hãng hàng không - chưa nói đến niềm tin của các cơ quan quản lý. Những tin tức xấu xuất hiện nhỏ giọt nhưng liên tục khiến cho việc thay đổi tình hình càng trở nên khó khăn hơn.
Với một đội ngũ lãnh đạo mới xuất hiện, tương lai của Boeing sẽ phụ thuộc rất nhiều vào những gì mà họ sẽ thực hiện. Và con mắt của thế giới sẽ đổ dồn vào họ.
Nguồn Bnews: https://bnews.vn/tuong-lai-nao-dang-cho-doi-boeing/330073.html