Tương lai nào đang chờ đợi ông Trump?
Vụ bạo loạn hôm 6/1 tại Điện Capitol đã khiến tương lai hậu Nhà Trắng của ông Trump tiềm ẩn nhiều thách thức cả về chính trị, kinh doanh cho tới pháp lý.
Sau khi rời nhiệm sở, đa phần các cựu tổng thống Mỹ sẽ dành phần lớn thời gian chơi golf, quản lý thư viện cá nhân, ra tự truyện, đi thuyết giảng tại các công ty hoặc trường đại học, và trên hết giữ im lặng về cách người kế nhiệm điều hành đất nước.
Nhưng, ngoài thú vui chơi golf, con đường phía trước của Tổng thống Donald Trump sẽ rất khác so với những người tiền nhiệm.
Tương lai chính trị bỏ ngỏ
Trước vụ bạo loạn ở Điện Capitol hôm 6/1, đa phần giới quan sát nhận định ông Trump sẽ tiếp tục là người nắm giữ các tiêu chuẩn và duy trì ảnh hưởng lớn trong nội bộ đảng Cộng hòa, bất kể ông có ra mặt chạy đua tái tranh cử năm 2024 hay không.
Ông Trump cũng được dự đoán sẽ trả thù các chính trị gia Cộng hòa được cho là không "ngoan ngoãn" phục tùng nguyện vọng của ông, như Thống đốc Georgia Brian Kemp, người từ chối lật ngược kết quả bầu cử ở tiểu bang này.
Nhưng sự kiện hôm 6/1 đã thay đổi tất cả.
"Khi nói về nhiệm kỳ của Tổng thống Trump, dù là trong tương lai gần hay xa, người ta sẽ luôn bắt đầu và kết thúc với vụ nổi loạn", Scott Jennings, cựu trợ lý Nhà Trắng dưới thời Tổng thống Bush "con", nhận định.
Theo cuộc khảo sát do Pew Reseach tiến hành công bố hôm 15/1, chỉ 29% ý kiến ủng hộ Tổng thống Trump, trong khi 68% người được hỏi cho biết họ không muốn ông Trump tiếp tục là một thế lực chính trị lớn trong tương lai.
Vụ bạo loạn cũng hé lộ chia rẽ trong nội bộ đảng Cộng hòa. 10 hạ nghị sĩ Cộng hòa đã bỏ phiếu ủng hộ luận tội ông Trump. Mới đây nhất, Thượng nghị sĩ Mitch McConnell, thủ lĩnh phe Cộng hòa tại Thượng viện, cũng đổ lỗi cho bài phát biểu của Tổng thống Trump kích động cuộc nổi loạn.
Hàng chục tập đoàn, nhà tài trợ chống lưng cho đảng Cộng hòa đã công khai tuyên bố dừng đóng góp cho các cá nhân ủng hộ nỗ lực thách thức kết quả bầu cử từ phía ông Trump.
Nhưng ông Trump nhiều khả năng vẫn sẽ có tiếng nói đối với phe dân túy trong đảng Cộng hòa. Bằng chứng là Ủy ban Quốc gia đảng Cộng hòa đã tái bổ nhiệm hai đồng minh của ông Trump, gồm Ronna Romney McDaniel và Tommy Hicks, vào vị trí chủ tịch và phó chủ tịch.
Tại quốc hội, phần lớn hạ nghị sĩ Cộng hòa đã bỏ phiếu phản đối xác nhận chiến thắng của ông Biden bất kể vụ bạo loạn xảy ra.
Mới đây, thăm dò dư luận cho thấy phần lớn cử tri Cộng hòa vẫn ủng hộ ông Trump và không đổ lỗi cho đương kim tổng thống về vụ bạo loạn tại Điện Capitol.
"Ông ấy sẽ không bị hắt hủi chỉ sau một đêm. Thứ quyền lực mà ông ấy sở hữu, mối liên hệ với những tiếng nói mãnh liệt nhất trong phong trào ủng hộ, là thật và vẫn hiện hữu", Kevin Madden, cố vấn cấp cao của Thượng nghị sĩ Mitt Romney trong cuộc chạy đua tranh cử năm 2012, bình luận.
Câu hỏi mạng xã hội
Nếu trỗi dậy một lần nữa trên vũ đài chính trị, ông Trump sẽ cần tìm ra phương thức để tập hợp người ủng hộ. Nhưng những gì xảy ra trong hai tuần qua cho thấy ông Trump đã bị các mạng xã hội "bịt miệng" ở mức khó có thể miêu tả.
Tài khoản Twitter @realDonaldTrump với hơn 88 triệu người theo dõi của ông Trump bị khóa vô thời hạn từ ngày 8/1.
Facebook cũng theo chân Twitter khóa tài khoản với 30 triệu người theo dõi của ông Trump. Mặc dù vậy, hôm 15/1, Facebook đã mở lại tài khoản này.
Sau khi rời nhiệm sở, ông Trump vẫn có nhiều cách để giao tiếp với cử tri trung thành.
Theo công ty tư vấn truyền thông Apptopia Nu Wexler, ứng dụng điện thoại Official Trump 2020 có thể là một lựa chọn. Đây là ứng dụng được sử dụng để đăng ký tham dự các cuộc vận động và nhận tin nhắn trực tiếp từ chiến dịch tranh cử của ông Trump.
Trong năm ngoái, ứng dụng này đã được tải về 2,6 triệu lượt. Người sử dụng cung cấp số điện thoại và đồng ý được liên hệ trực tiếp từ công ty điều hành.
"Ông ấy có hàng triệu số điện thoại và email các nhà tài trợ, nhiều hơn tất cả những người còn lại trong đảng. Ông ấy sẽ không gặp bất cứ vấn đề gì trong liên lạc trực tiếp với người ủng hộ", Wexler nhận xét.
Ông Trump cũng có thể sử dụng các mạng xã hội nhỏ hơn được cử tri bảo thủ theo dõi như Gab và Parler.
Mặc dù vậy, Wexler cho biết không nền tảng giao tiếp nào có độ phủ sóng rộng như Twitter, mạng xã hội đã cấm cửa ông Trump. Những ứng dụng này cũng có nguy cơ bị các công ty công nghệ hoặc nhà cung cấp dịch vụ viễn thông ngăn chặn hoạt động, như cách Amazon, Google và Apple từng làm với Parler.
Gây quỹ trực tuyến cũng có thể là một vấn đề nan giải cho ông Trump trong tương lai. Sau vụ bạo loạn ở Điện Capitol, một số công ty cung cấp dịch vụ thanh toán như PayPal, Square và Stripe đã đóng băng hoạt động của những tài khoản có liên hệ với ông Trump.
Tập đoàn Trump bị liên lụy
Tổng thống Trump đã sử dụng các bất động sản mà ông sở hữu làm nơi tổ chức nhiều sự kiện đáng chú ý trong thời gian hoạt động chính trị ngắn ngủi, như cách ông từng tiếp đón các nguyên thủ quốc gia ở khu nghỉ dưỡng Mar-a-Lago.
Nay, với nhiệm kỳ để lại nhiều tai tiếng và tranh cãi, đế chế khách sạn, bất động sản, sân golf của ông Trump không khỏi bị liên lụy, trong đó không ít địa điểm nằm ở New York và các bang thiên về đảng Dân chủ.
Sau vụ bạo loạn ở Điện Capitol, Hiệp hội Golf chuyên nghiệp Mỹ đã hủy bỏ giải golf PGA Championship 2022 trước đó dự kiến tổ chức tại sân golf Bedminster thuộc sở hữu của ông Trump. Hiệp hội cho biết việc tổ chức giải đấu tại sân golf của ông Trump sẽ làm "ô uế" thương hiệu PGA Championship.
Đế chế kinh doanh bất động sản của ông Trump đang lao đao vì sự quay lưng của các đối tác. Nhiều khách sạn, tòa nhà chung cư, đã hủy bỏ hợp đồng với tập đoàn Trump. Đại dịch Covid-19 cũng giáng một đòn chí mạng vào hoạt động kinh doanh của tập đoàn ông Trump sở hữu.
Tập đoàn Trump hiện gánh khoản nợ 1 tỷ USD. Dù tài sản của ông Trump thừa đủ để trang trải khoản vay, tai tiếng sau vụ bạo loạn ở Điện Capitol sẽ khiến tập đoàn Trump gặp khó nếu muốn huy động vốn.
Deutsche Bank, ngân hàng nắm giữ phần lớn khoản nợ của tập đoàn Trump, là ngân hàng lớn hiếm hoi sẵn sàng làm ăn với ông Trump. Nhưng nay, Deutsche Bank tuyên bố sẽ không tiếp tục cho ông Trump vay tiền.
Một ngân hàng nhỏ khác là Signature Bank thậm chí còn tuyên bố không chào đón làm ăn với gia đình Trump và đóng các tài khoản của ông.
Không dừng ở đó, việc bán đi các tài sản hiện có để thu về tiền mặt cũng sẽ là một trở ngại, sau khi các gã khổng lồ môi giới như Cushman&Wakefield và JLL cắt đứt quan hệ hợp tác với ông Trump.
Mặc dù vậy, danh tiếng của Tổng thống Trump giúp ông có nhiều cơ hội làm ăn ở nước ngoài, đặc biệt tại các thị trường nơi ông được yêu mến như Brazil, Thổ Nhĩ Kỳ, Philippines, Ấn Độ hay các nước đồng minh của Mỹ ở Trung Đông.
Hussain Sajwani, chủ tịch tập đoàn bất động sản DAMAC Properties trụ sở tại Dubai, cho biết ông hoan nghênh cơ hội mở rộng làm ăn với tập đoàn Trump.
"Chúng tôi có quan hệ tuyệt vời với tập đoàn Trump, và đương nhiên, chúng tôi hoàn toàn không có ý định hủy bỏ các thỏa thuận", ông Sajwani nói.
Sức hút truyền thông
Trước đây, từng có những tin đồn việc ông Trump xem xét hồi sinh chương trình truyền hình "Apprentice", hợp tác cùng nhà sản xuất Mark Burnett.
Tháng 11/2019, ông Trump phủ nhận việc thảo luận với Burnett về "Apprentice". Tuy nhiên, xét tới tình hình tài chính hiện nay, sẽ không bất ngờ nếu ông Trump hồi sinh chương trình đình đám nêu trên.
Trong quá khứ, "Apprentice" từng mang về lợi nhuận 427 triệu USD. Nếu thu về khoản tiền này, các mảng kinh doanh khác của ông Trump sẽ được hồi phục.
"Donald Trump là gương mặt hái ra tiền trên sóng truyền thông. Sẽ luôn có chỗ cho ông ấy. Ông Trump luôn có một lượng khán giả khổng lồ. Ngay cả những người căm ghét ông ấy cũng sẽ theo dõi", cựu cố vấn chiến dịch tranh cử Sam Nunberrg nói.
Sau bất đồng với Fox News, kênh truyền hình bảo thủ lớn nhất tại Mỹ, Tổng thống Trump đã kêu gọi cử tri ủng hộ chuyển sang theo dõi các kênh bảo thủ ít danh tiếng hơn như Newsmax và One America News Network.
Theo một bài báo của Wall Street Journal, công ty đầu tư Equity Partners có liên hệ với Phó chủ tịch Ủy ban Quốc gia đảng Cộng hòa Tommy Hicks đang cố gắng gây quỹ để lập ra một hãng truyền thông cánh hữu nhằm cạnh tranh với Fox News.
Mặc dù vậy, nhiều ý kiến hoài nghi khả năng ông Trump, khi đã rời nhiệm sở, có thể quyên góp đủ tiền để lập ra một kênh truyền hình đủ khả năng thay thế Fox.
Xuất bản tự truyện cũng là một lựa chọn để ông Trump duy trì danh tiếng và kiếm thêm thu nhập. Tuy nhiên, vị tỷ phú ít khả năng sẽ thu về được số tiền có thể so sánh với các tổng thống tiền nhiệm.
Cựu Tổng thống Barack Obama và phu nhân Michelle kiếm được khoảng 60 triệu USD nhờ bán bản quyền tự truyện.
Theo Politico, những người trong giới xuất bản dự đoán một nhà xuất bản có thể mua bản quyền tự truyện của ông Trump với giá tương tự của cựu Tổng thống George W. Bush, khoảng trên dưới 10 triệu USD.
Dự đoán này là có cơ sở, bởi những cuốn sách chỉ trích Tổng thống Trump do John Bolton, Bob Woodward, hay Mary Trump viết ra đều bán chạy hơn hẳn so với những cuốn sách ca ngợi ông.
Mới đây, nhà xuất bản Simon & Schuter đã hủy bỏ việc phát hành cuốn sách của Thượng nghị sĩ Josh Hawley, người ủng hộ thách thức chiến thắng của ông Biden.
Đối mặt thách thức pháp lý
Tất cả câu chuyện nêu trên đều trở nên vô nghĩa nếu ông Trump bị kết án tù.
Ông Trump trong quá khứ từng đối mặt nhiều thách thức pháp lý, trong đó không ít vụ việc xảy ra vào thời điểm trước nhiệm kỳ tổng thống.
Cuộc điều tra của Công tố viên đặc biệt Robert Mueller đã phát hiện một số dấu vết cho thấy ông Trump có thể đã cản trở công lý hoặc liên quan tới các vụ vi phạm quy định tài chính. Một trong các vụ việc như thế đã khiến cựu luật sư cá nhân của ông Trump là Michael Cohen nhận án tù 3 năm.
Trên cương vị tổng thống đương nhiệm, ông Trump được miễn truy tố đối với mọi tội danh. Mặc dù vậy, quyền miễn trừ sẽ hết hiệu lực kể từ ngày 20/1. Ông Trump tới nay vẫn chưa tự ân xá cho bản thân.
Bài báo hồi tháng 10/2020 của New York Times về thuế thu nhập cá nhân của ông Trump có thể châm ngòi cho một cuộc điều tra mới đối với câu hỏi liệu ông Trump có trốn thuế hay không.
Nhà chức trách tiểu bang New York cũng đang để mắt tới gia đình Trump. Hiện nay, cơ quan công tố đang điều tra một số hợp đồng làm ăn của tập đoàn Trump, kết quả có thể dẫn tới truy cứu hình sự. Tập đoàn Trump cũng đang bị điều tra vì nghi vấn thổi phồng giá trị tài sản.
Cá nhân ông Trump đang gặp rắc rối trong một số vụ việc dân sự. Ông Trump có thể bị khởi kiện với cáo buộc phỉ báng, sau khi ông nói hai phụ nữ từng cáo buộc ông tấn công tình dục là kẻ dối trá.
Việc Tổng thống Trump thúc ép Tổng thư ký tiểu bang Georgia Brad Raffensperger "tìm" đủ số phiếu để giúp lật ngược chiến thắng của đối thủ Biden cũng có thể khiến ông gặp rắc rối do vi phạm quy định về chống gian lận bầu cử.
Mới đây nhất, vụ nổi loạn ở Điện Capitol càng đẩy Tổng thống Trump vào rắc rối. Bài phát biểu của Tổng thống Trump sáng 6/1 bị cho là đã "kích động" vụ nổi loạn.
Một số chuyên gia pháp lý cho rằng bài phát biểu nói trên quá mơ hồ để được coi là cơ sở buộc tội ông Trump "kích động nổi loạn". Mặc dù vậy, nếu xuất hiện bằng chứng có sự cấu kết giữa Nhà Trắng với các nhóm đã xông vào Điện Capitol, câu chuyện sẽ hoàn toàn khác.
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/tuong-lai-nao-dang-cho-doi-ong-trump-post1175332.html