Tương lai nào đang chờ đợi tân CEO của Twitter?

Tỷ phú Elon Musk đang tìm kiếm ứng cử viên đảm nhận vị trí CEO Twitter, sau khi kết quả một cuộc thăm dò cho thấy phần đông ý kiến không đồng tình với việc ông tiếp tục là CEO của công ty này.

Tỷ phú Musk và biểu tượng của mạng truyền thông xã hội Twitter. Ảnh: AFP

Tỷ phú Musk và biểu tượng của mạng truyền thông xã hội Twitter. Ảnh: AFP

Cụ thể, trong tổng số 17,5 triệu người dùng bỏ phiếu trên mạng Twitter, có hơn 10 triệu người đồng tình với việc ông Elon Musk nên từ chức CEO của Twitter. Con số này chiếm 57,5% số người tham gia cuộc thăm dò do chính tỷ phú Musk đưa ra ngày 17-18/12.

* Hoàn cảnh hiện tại của Twitter

Trong bài phân tích được đăng tải trên tờ Sydney Morning Herald, chuyên gia Stephen Bartholomeusz nhận định có lẽ không phải người dùng mạng Twitter là người duy nhất "thúc giục" ông Musk từ bỏ vai trò nhà lãnh đạo Twitter.

Các cổ đông của Tesla – mảng kinh doanh chính và là nơi tỷ phú Musk đảm nhiệm chức Giám đốc điều hành – cũng đang rất phấn khích với thông tin này. Cổ phiếu của Tesla đã giảm tới 64%, khiến giá trị của công ty sụt giảm 772 tỷ USD, kể từ khi ông Musk tuyên bố quan tâm tới việc mua lại Twitter.

Một vài cổ đông thậm chí đã thúc giục Hội đồng quản trị xem xét sa thải ông Musk để thay thế bằng một CEO "bình thường" hơn. Trên thực tế, hội đồng quản trị của Tesla có rất ít khả năng kiểm soát vị CEO sở hữu tính cách hay thay đổi này.

Kể từ khi hoàn thành thương vị mua lại Twitter, trị giá 44 tỷ USD, sự chú ý của tỷ phú Musk đã bị chi phối hoàn toàn bởi kế hoạch tái cấu trúc của một trong những nền tảng truyền thông xã hội lớn nhất thế giới, mà theo lý giải của ông Musk là đang trên con đường phá sản.

Với việc Tesla đang phải vật lộn để đạt được các mục tiêu sản xuất trong năm nay, bao gồm tìm kiếm giải pháp nhằm hạ chi phí sản xuất ở Trung Quốc và đưa ra các ưu đãi tài chính đáng kể ở Mỹ nhằm tạo ra doanh số bán hàng, trong khi phải đối mặt với sự cạnh tranh ngày càng tăng từ các công ty lớn hơn rất nhiều trong lĩnh vực xe điện, hành động "vắng mặt" của CEO đương nhiệm đã khiến Tesla càng trở nên khó khăn hơn.

Tỷ phú Musk gần như "bỏ mặc" Tesla. Ông đầu tư 24 tỷ USD, kêu gọi 7 tỷ USD vốn cổ phần khác từ các bên thứ ba và vay nợ ngân hàng 13 tỷ USD, để mua lại Twitter.

Trong năm 2022, ông Musk đã bán khoảng 23 tỷ USD giá trị cổ phiếu Tesla do ông nắm giữ và cố gắng lôi kéo các nhà đầu tư mới tham gia Twitter bằng cách mua lại cổ phiếu công ty với mức giá ở "chế độ riêng tư".

Điều đó cho thấy ông Musk đang muốn thay thế một số khoản nợ (mà các ngân hàng không thể hợp vốn và do đó khiến ông đang phải đối mặt với những khoản lỗ trên giấy tờ đáng kể) bằng nguồn vốn chủ sở hữu lớn hơn những gì mà nhà tỷ phú này đang có.

Tuyên bố của ông Musk tại sự kiện "Twitter Spaces" vào đầu tuần này đã tiết lộ về mức độ căng thẳng tài chính mà Twitter đang đối mặt. Tuy nhiên, một số, hay có thể nói là phần lớn, căng thẳng là do chính vị CEO "bất thường" này gây ra. Những căng thẳng này khiến cho bất kỳ ai đảm nhiệm vị trí CEO của Twitter sắp tới đều phải lo lắng.

Năm ngoái, trước khi tỷ phú Musk tiếp quản, Twitter đã lỗ 220 triệu USD trên mức doanh thu chỉ hơn 5 tỷ USD, khoảng 90% (4,5 tỷ USD) trong số đó được tạo ra từ quảng cáo.

Năm nay, theo CEO Musk, Twitter đang trên đà phát sinh dòng tiền âm 3 tỷ USD. Ông nói: "Vào tháng trước, công ty đã mất 4 triệu USD mỗi ngày và đó là lý tại sao tôi đã dành 5 tuần qua để cắt giảm chi phí một cách điên cuồng. Những việc tôi làm đôi khi trông có vẻ kỳ quặc, song cũng là để chuẩn bị trước những kịch bản xấu nhất. Về cơ bản, Twitter giống như một chiếc máy bay đang lao thẳng xuống mặt đất trong khi hệ thống điều khiển không hoạt động". Tỷ phú Musk đã sa thải khoảng 5.000 trong tổng số 7.500 nhân viên của Twitter.

Biểu tượng mạng xã hội Twitter. Ảnh: AFP/TTXVN

Biểu tượng mạng xã hội Twitter. Ảnh: AFP/TTXVN

* Những chữ "nếu"

Với những thay đổi được thực hiện gần đây, bao gồm nỗ lực cắt giảm chi phí và tăng doanh thu từ lượng người theo dõi, CEO Musk hy vọng công ty sẽ có thể gần đạt hòa vốn vào năm tới.

Ông cho biết, Twitter đã có kế hoạch phát sinh chi phí khoảng 5 tỷ USD vào năm tới. Điều này có nghĩa là công ty sẽ chỉ gần hòa vốn nếu có thể duy trì doanh thu hiện tại.

Ông cũng chia sẻ về kỳ vọng Twitter sẽ tạo ra doanh thu khoảng 3 tỷ USD trong năm nay, điều đó có nghĩa là hơn 1,5 tỷ USD doanh thu quảng cáo bị bốc hơi. Việc mất doanh thu và tiền lãi từ khoản nợ mua lại khiến Twitter ước tính có dòng tiền âm 3 tỷ USD vào năm tới, nếu không cắt giảm chi phí.

Để ngăn chặn kịch bản này, ông Musk cho biết bản thân đang nỗ lực giữ chân các nhà quảng cáo trên nền tảng Twitter sau cuộc "đại di cư" hồi tháng trước, đơn cử như việc thuyết phục họ và đưa ra những yêu cầu hợp lý. Ông nói nhiều người muốn thấy các kế hoạch hoàn vốn đầu tư mạnh mẽ.

Một giải pháp thay thế khác sẽ bao gồm việc tìm kiếm các nguồn thu mới. Twitter đang mời chào dịch vụ đăng ký hàng tháng kèm tiện ích, bao gồm dấu tích xanh với giá 8 USD/tháng. Bên cạnh đó, CEO Musk cũng yêu cầu nhân viên cố gắng hồi sinh Vine – một ứng dụng video dạng ngắn, vốn đã bị khai tử từ năm 2016 - để có thêm cơ hội quảng cáo.

Tuy nhiên, dựa trên ước tính có khoảng 140.000 người đăng ký hiện nay (trong số gần 240 triệu "người dùng có thể kiếm tiền" của nền tảng), doanh thu dịch vụ đăng ký sẽ chỉ mang lại khoảng 13,5 triệu USD. Trong khi, Twitter sẽ cần gấp 10 lần con số đó để thay thế phần doanh thu quảng cáo bị mất.

Về lâu dài, có lẽ – và nếu Twitter có thể duy trì hoạt động trong thời gian chờ đợi – tỷ phú Musk đang cân nhắc biến nền tảng này thành một ứng dụng "mọi thứ", giống như WeChat của Trung Quốc, kết hợp giữa mạng xã hội, nhắn tin, thanh toán và mua sắm trực tuyến, tất cả những gì có thể mang lại nguồn doanh thu tăng thêm.

Việc tỷ phú Musk đang làm tốt hay không vai trò CEO tại Twitter vẫn đang là dấu hỏi. Nếu ông có thể sử dụng số tiền mặt huy động được từ đợt bán cổ phiếu Tesla mới nhất và "kiếm" được các nhà đầu tư mới sẵn sàng chi trả mức giá 54,2 USD/cổ phiếu Twitter, thì công ty có thể giảm gánh nặng nợ nần và chi phí lãi vay hiện có.

Chỉ riêng tiền của tỷ phú Musk sẽ giúp cắt giảm các khoản vay của Twitter xuống còn khoảng 10 tỷ USD và chi phí lãi vay rơi xuống mức 430 triệu USD/năm.

Tuy nhiên, tác giả cho rằng có rất nhiều chữ "nếu" cần được giải quyết một cách thuận lợi để ngăn chặn tình trạng phá sản và khoản lỗ 23 tỷ USD mà Twitter đang phải gánh chịu.

Điều này một lần nữa nhấn mạnh những khó khăn mà bất kỳ nhà lãnh đạo mới nào của Twitter cũng sẽ phải đối mặt khi đồng ý tiếp quản vị trí CEO từ tỷ phú Musk./.

Diệu Linh (P/v TTXVN tại Sydney)

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/tuong-lai-nao-dang-cho-doi-tan-ceo-cua-twitter/273126.html