Tương lai Nhiệt điện Quỳnh Lập 1 về đâu?
Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp đề nghị Tập đoàn Công nghiệp than - khoáng sản Việt Nam (TKV) tìm kiếm một số đối tác thích hợp, có kinh nghiệm và năng lực tài chính để cùng đầu tư Dự án Nhiệt điện Quỳnh Lập 1 (huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An).
Nhà đầu tư không mặn mà
Theo báo cáo của TKV, khi được Chính phủ đồng ý về nguyên tắc giao làm chủ đầu tư Dự án Nhiệt điện Quỳnh Lập 1, Tập đoàn đã triển khai công tác chuẩn bị Dự án từ năm 2010. Tháng 10/2010, TKV đã ký thỏa thuận chung với Liên danh các nhà thầu gồm Doosan (Hàn Quốc) - Lilama - Narime (đều của Việt Nam) để thực hiện gói thầu EPC theo hướng Doosan là lãnh đạo liên danh, chịu trách nhiệm trước chủ đầu tư trong quá trình triển khai, thực hiện Dự án và hỗ trợ chủ đầu tư thu xếp vốn.
Các bên đã đạt được thỏa thuận về việc Dossan cam kết thu xếp vốn 100% giá trị EPC cho Dự án, trong đó 85% vốn từ K-ECA và 15% vay thương mại. TKV cũng đã làm việc với các tổ chức tài chính Hàn Quốc, trong đó có K-EXIM và K-SURE đã có thư bày tỏ quan tâm, thu xếp vốn cho Dự án.
Tuy nhiên, theo Doosan và các tổ chức tài chính, với nguồn vốn vay nước ngoài khá lớn, khoảng 1,4 tỷ USD, việc thu xếp vốn vay cho Dự án cần phải có bảo lãnh của Chính phủ (GGU).
Dự án được tính toán mang lại hiệu quả tài chính khi tỷ suất hoàn vốn nội bộ (IRR) là 12%, với mức giá điện là 1.566 đồng/kWh, thời gian hoàn vốn có chiết khấu là 23 năm. Dẫu vậy, báo cáo của TKV vào tháng 7/2019 cho hay, do không có điều kiện GGU, nên các đối tác Kospo và Samtan đều đến từ Hàn Quốc đã không tiếp tục tham gia hợp tác đầu tư Dự án như đã cam kết.
TKV đã làm việc với các đối tác trong nước như Geleximco và Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC), nhưng cũng chưa có kết quả. Cụ thể, Geleximco không trả lời hợp tác đầu tư Dự án cùng TKV, còn SCIC đang tiếp tục tìm hiểu và cân nhắc khả năng hợp tác đầu tư.
Bởi vậy, để chủ động trong triển khai Dự án, TKV đã nghiên cứu phương án tự đầu tư 100% vốn trong điều kiện không có GGU. Tổng mức đầu tư sau thuế được TKV tính toán lại là 54.078 tỷ đồng, với IRR là 12%, thì giá điện mới là 2.081 đồng/kWh.
Việc tăng 5.562 tỷ đồng trong tổng mức đầu tư được TKV giải thích là do lãi suất bình quân vay ngoại tệ, các loại phí như bảo hiểm, tỷ lệ vay nội tệ, tỷ giá đều tăng so với cách đây 2 năm. Tính tới nay, TKV đã hoàn thành các công việc chuẩn bị Dự án như lập báo cáo nghiên cứu khả thi, thẩm tra dự án đầu tư, lập báo cáo đánh giá tác động môi trường, lập quy hoạch chi tiết xây dựng 1/500, điều chỉnh quy hoạch địa điểm, đo vẽ bản đồ địa chính phục vụ công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, với tổng chi phí đã làm là 36,4 tỷ đồng.
Chơi vơi
Báo cáo của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp cho hay, việc TKV đề xuất tự thu xếp 100% vốn là không khả thi. Cụ thể, với nguồn vốn chủ sở hữu chiếm 20% vốn của dự án, tương đương khoảng 10.816 tỷ đồng, thì với thời gian đầu tư trong 5 năm, giá trị vốn đối ứng hàng năm là từ 900 đến 2.600 tỷ đồng.
Đề nghị của TKV về tăng vốn điều lệ từ 35.000 tỷ đồng lên khoảng 45.000 tỷ đồng từ các nguồn được Ủy ban cho là không khả thi và không phù hợp với các quy định của luật pháp. Đơn cử, TKV đề nghị dùng toàn bộ lợi nhuận còn lại hàng năm sau khi nộp thuế thu nhập doanh nghiệp và trích lập theo quy định từ năm 2019-2026 (ước tính là 3.000 tỷ đồng) là không khả thi vì thuộc thẩm quyền của Quốc hội.
Việc thoái vốn từ các đơn vị thành viên trong TKV với mong muốn thu được 5.300 tỷ đồng cũng được cho là không khả thi bởi các đơn vị này đang gặp khó khăn. Chưa kể, vốn thu được từ cổ phần hóa theo quy định hiện hành không thể sử dụng để đầu tư cho Dự án.
Với nguồn vốn vay, việc không có GGU sẽ khiến tỷ lệ lãi vay và chi phí vốn tăng cao, chưa kể các tổ chức tài chính quốc tế có xu hướng hạn chế cho vay đối với các dự án nhiệt điện than do vấn đề môi trường.
Nguồn vốn vay trong nước cũng được cho là không khả thi khi chưa có tổ chức tín dụng nào cam kết cho TKV vay để thực hiện Dự án.
Lẽ dĩ nhiên, việc TKV đề xuất Thủ tướng chỉ đạo các ngân hàng thương mại cho vay đủ vốn và được phép cho vay vượt giới hạn tín dụng của TKV cũng được Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp cho là khó khăn, do Dự án không thuộc danh mục cấp bách, nên không đáp ứng được quy định tại Quyết định số 13/2018/QĐ-TTg.
Khó khăn trong thu xếp vốn do không có GGU cũng dẫn tới câu chuyện Dự án khó có hiệu quả. Cụ thể, suất đầu tư khoảng 1.930 USD/kWh, cao hơn so với các công trình điện khác như BOT Nghi Sơn 2 (1.840 USD/kWh) hay BOT Vân Phong 1 (1.728 USD/kWh) - dù các dự án này đều có GGU.
Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp cũng cho rằng, với mức trần IRR là 12%, giá điện ở mức 2.081 đồng/kWh, thời gian hoàn vốn 28 năm là đã vượt khung giá trần năm 2019 (1.677 đồng/kWh) của Bộ Công thương ban hành. Bởi vậy, Ủy ban đã đề nghị Thủ tướng giao HĐTV của TKV tiếp tục tìm đối tác khác để triển khai Dự án, rà soát lại tổng mức đầu tư của Dự án để đánh giá hiệu quả, đồng thời giao các bộ, ngành liên quan hướng dẫn TKV giải quyết các khó khăn mà doanh nghiệp đề xuất.
Tổng mức đầu tư dự kiến của Nhiệt điện Quỳnh Lập 1 hơn 48.000 tỷ đồng
Theo phê duyệt của HĐTV TKV hồi tháng 3/2017, tổng mức đầu tư sau thuế của Dự án Nhiệt điện Quỳnh Lập 1 (1.200 MW) là khoảng 48.516 tỷ đồng (tương đương gần 2,13 tỷ USD, với tỷ giá 22.790 VND/USD), trên cơ sở phương án tài chính do Doosan đề xuất trong trường hợp có GGU. Cơ cấu vốn chủ sở hữu/vốn vay dự kiến là 20/80. Theo đó, nguồn vốn chủ sở hữu cho Dự án khoảng 425 triệu USD và nguồn vốn vay trên 1,7 tỷ USD.
Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/tuong-lai-nhiet-dien-quynh-lap-1-ve-dau-d113096.html