Tương lai những vụ án nhằm vào ông Trump

Cuộc trở lại Nhà Trắng một cách phi thường của ông Trump chắc chắn sẽ tác động đến bốn vụ án hình sự đang nhằm vào ông.

Ông Trump ra trình diện tại tòa án quận Manhattan, bang New York vào ngày 2/10/2023. Ảnh: TTXVN phát

Ông Trump ra trình diện tại tòa án quận Manhattan, bang New York vào ngày 2/10/2023. Ảnh: TTXVN phát

Chiến thắng vang dội của ứng cử viên Donald Trump, người sẽ một lần nữa đảm nhiệm chức tổng thống trong một cuộc trở lại có lẽ là phi thường nhất trong lịch sử chính trường Mỹ, với nhiều tiền lệ bị phá vỡ vào sáng 6/11. Đã hơn một thế kỷ trôi qua kể từ khi một tổng thống giành lại Nhà Trắng sau một kỳ bầu cử thất bại, và chưa bao giờ một người bị kết án là có tội lại được bầu làm nhà lãnh đạo quốc gia hùng mạnh nhất thế giới.

Chiến thắng của ông Trump cũng mang lại sự tập trung quyền lực chưa từng có trong tay ông. Đảng Cộng hòa đã giành được quyền kiểm soát Thượng viện và đang trên đường tiếp quản Hạ viện, sau khi các phiếu bầu cuối cùng được kiểm, một quá trình vẫn có thể mất vài ngày. Ngoài ra, Tòa án Tối cao hiện có đa số siêu bảo thủ với 6 thẩm phán, điều chưa từng thấy kể từ những năm 1930, trong đó có 3 thẩm phán do chính ông Trump bổ nhiệm. Sự củng cố quyền lực này trên khắp các nhánh hành pháp, lập pháp và tư pháp vẽ nên bức tranh ấn tượng về một nhà lãnh đạo có ảnh hưởng ở cả ba cơ quan quyền lực tại Washington.

Trong khi đó, sự không chắc chắn lớn đầu tiên về vị tổng thống Mỹ nhiệm kỳ tới liên quan đến tương lai pháp lý của ông và cách sự tập trung quyền lực như đã nói ở trên có thể ảnh hưởng đến các vụ án chống lại ông. Ngoài bản án liên quan đến các khoản chi mua sự im lặng của nữ diễn viên phim người lớn Stormy Daniels, ông Trump còn phải đối mặt với ba phiên tòa hình sự lớn khác. Một vụ ở Florida, liên quan đến việc xử lý các tài liệu mật tại Mar-a-Lago, mà ông đã mang đi dù không được phép sau khi rời Nhà Trắng. Một vụ án khác là ở Atlanta, nơi ông đang bị xét xử vì tội phá hoại bầu cử ở bang Georgia vào năm 2020. Vụ án thứ ba là ở Washington, D.C., liên quan đến vai trò của ông trong các sự kiện dẫn đến cuộc nổi loạn ngày 6/1/2021.

Tương lai nào đang chờ đợi ông Trump ở New York?

Lịch trình đầu tiên trong phiên tòa xét xử ông Trump hậu bầu cử được ấn định vào ngày 26/11, khi tòa đọc bản án. Phiên tòa này đã bị hoãn lại hai lần, một phần là nhờ vào chiến thuật trì hoãn thông minh của nhóm luật sư bào chữa. Juan Merchan, thẩm phán giám sát vụ án, có thời hạn đến 13/11 để quyết định có hủy bỏ hoàn toàn bản án hay không, dựa trên phán quyết của Tòa án Tối cao vào đầu tháng 7, theo đó trao cho ông Trump, và bất cứ ai ở vị trí tương tự, quyền miễn trừ một phần đối với các nghĩa vụ chính thức. Nếu thẩm phán Merchan xác định rằng phán quyết này áp dụng cho vụ án hiện tại, bị cáo sẽ không phải đối mặt với bản án.

Ông Trump ngồi cùng nhóm luật sư khi trình diện tại Tòa án New York ngày 4/4/2023, trở thành cựu tổng thống Mỹ đầu tiên bị truy tố hình sự. Ảnh: TTXVN phát

Ông Trump ngồi cùng nhóm luật sư khi trình diện tại Tòa án New York ngày 4/4/2023, trở thành cựu tổng thống Mỹ đầu tiên bị truy tố hình sự. Ảnh: TTXVN phát

Tuy nhiên, nếu thẩm phán quyết định khác, luật sư của ông Trump dự kiến sẽ yêu cầu hoãn phiên tòa để nộp đơn kháng cáo, mà Merchan có khả năng sẽ chấp thuận. Sau khi tất cả các đơn kháng cáo đã được giải quyết, vụ án này có thể sẽ lại nằm lại Tòa án Tối cao, với đa số thân ông Trump. Sự chậm trễ tiềm ẩn này đặt ra một thách thức độc đáo, đó là khi đó, vấn đề không còn là tuyên án một ứng cử viên nữa mà là một tổng thống đương nhiệm - một tình huống chưa từng có tiền lệ. Với những sự phức tạp này, thẩm phán Merchan có một lựa chọn khác: áp dụng mức án thấp hơn mức án tối đa 4 năm đối với một trường hợp như trường hợp của ông Trump, chẳng hạn như quản chế, quản thúc tại gia, phục vụ cộng đồng hoặc phạt tiền.

Và ba vụ án còn lại thì sao?

Không giống như vụ án hình sự ở Manhattan, ba vụ kiện khác chống lại ông Trump liên quan đến tội phạm liên bang. Hai trong số những vụ này — một ở Florida và một ở Washington — có một điểm chung: cả hai đều bị truy tố bởi công tố viên đặc biệt Jack Smith, đối thủ chính của ông Trump và là cái tên đứng đầu trong "danh sách kẻ thù" của ông - theo lời ứng cử viên đảng Dân chủ Kamala Harris.

Ông Trump đã thề sẽ loại bỏ Smith: "Tôi sẽ sa thải ông ta trong vòng hai giây". Một sự sa thải như vậy sẽ cho phép ông Trump, sau khi giành lại quyền kiểm soát Bộ Tư pháp (nơi công tố viên Smith phục vụ), bãi bỏ những cáo buộc đó.

Bình luận của ông Trump về việc sa thải công tố viên Smith đặt ra một câu hỏi khác: công tố viên đặc biệt - một nhân vật có truyền thống lâu đời trong lịch sử tổng thống Mỹ, từ Richard Nixon đến Bill Clinton - định xử lý như thế nào về vấn đề này? Điều đó phụ thuộc vào việc liệu địa vị của tổng thống đắc cử có được coi là tương đương với vị trí của một tổng thống đương nhiệm hay không. Nếu họ được coi là như nhau, thì ngày tại nhiệm của Smith có thể sẽ được đếm. Tuy nhiên, nếu không, ông Smith sẽ có thời gian cho đến ngày 20/1 - ngày ông Trump tuyên thệ nhậm chức nhiệm kỳ thứ hai - để tiếp tục nỗ lực của mình.

Trong khi đó, vụ án ở Washington đã thúc đẩy phán quyết của Tòa án Tối cao cấp quyền miễn trừ cho một số hành động nhất định được một vị tổng thống thực hiện khi đương chức. Câu hỏi quan trọng hiện nay là phán quyết này sẽ ảnh hưởng như thế nào đến vụ án của ông Trump.

Còn trong vụ án tài liệu ở Mar-a-Lago, ông Trump có một đồng minh trung thành là thẩm phán giám sát vấn đề này, Aileen Cannon. Vào tháng 7, Cannon đã bác bỏ vụ án, hai ngày sau vụ ám sát đầu tiên nhằm vào ông Trump, với lý do rằng vai trò của một công tố viên đặc biệt là vi hiến. Nhưng quyết định đó đã bị kháng cáo.

Với vụ án ở Atlanta, đây là một rắc rối pháp lý khác mà đội ngũ bào chữa của ông Trump đã tìm cách trì hoãn. Kết quả có thể phụ thuộc vào việc liệu Biện lý Quận Fulton Fani Willis có bị loại do có báo cáo về mối quan hệ lãng mạn với một công tố viên đặc biệt hay không. Câu hỏi đó dự kiến sẽ không được giải quyết cho đến năm 2025. Có vẻ như nếu Willis bị loại khỏi vụ án, sẽ không ai muốn hoàn thành những gì bà đã bắt đầu, khi ông Trump đã trở lại Phòng Bầu dục.

Liệu ông Trump có thể tự ân xá cho mình không?

Ông có thể làm điều đó, ngoại trừ một trường hợp: vụ án ở New York. 34 cáo buộc mà ông bị kết án là các tội cấp tiểu bang và quyền lực liên bang của một tổng thống không mở rộng đến các vấn đề của tiểu bang.

Liệu ông Trump có thể trở thành tổng thống trong trường hợp rất khó xảy ra là ông bị đưa vào tù không?

Câu trả lời ngắn gọn là "Có". Mặc dù có vẻ như các vấn đề pháp lý của ông có thể khiến cử tri không muốn bỏ phiếu cho ông, nhưng rõ ràng là điều đó đã không xảy ra.

Hiến pháp Mỹ không chỉ cho phép ông Trump ra tranh cử - ngay cả khi ông bị kết tội trọng tội - mà còn không cấm một người bị kết tội trở thành tổng thống, ngay cả khi họ bị giam giữ!

Ngoại lệ duy nhất là đối với bản án về một tội rất cụ thể: nổi loạn. Mặc dù người ta có thể tranh luận liệu vai trò của ông Trump trong vụ tấn công Điện Capitol vào ngày 6/1/2021 có phù hợp với định nghĩa đó hay không, nhưng điều đáng chú ý là không có cáo buộc nào trong số 91 cáo buộc mà ông phải đối mặt trong bốn vụ án chống lại ông là về tội nổi loạn.

Thu Hằng/Báo Tin tức (Theo New York Times)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-gioi/tuong-lai-nhung-vu-an-nham-vao-ong-trump-20241107102858374.htm