Tương lai quan hệ Mỹ-Syria với sự trở lại của ông Trump
Sự trở lại của ông Donald Trump với vị trí tổng thống Mỹ nhiệm kỳ tới và sự sụp đổ của chính quyền Tổng thống Syria Bashar al-Assad đưa hai nước bước vào giai đoạn mới, liệu tương lai quan hệ Mỹ-Syria sẽ thế nào dưới các chính quyền mới?
Khi nước Mỹ chào đón ông Donald Trump trở lại Nhà Trắng vào ngày 20-1 tới thì ở Trung Đông một chính quyền mới của Syria cũng đang trong quá trình chuyển tiếp sau khi lực lượng đối lập do tổ chức Hayat Tahrir al-Sham (HTS) dẫn đầu lật đổ chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad.
Theo giới phân tích, cách chính quyền mới ở Mỹ và chính quyền mới ở Syria tương tác với nhau không chỉ ảnh hưởng quan hệ hai nước mà còn có ý nghĩa với khu vực Trung Đông.
Quan điểm của các chính quyền
Không lâu sau khi chính quyền ông al-Assad sụp đổ, chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đã thể hiện thiện chí hợp tác với HTS dù Washington vẫn chưa xóa tổ chức này khỏi danh sách tổ chức khủng bố.
12 ngày sau khi ông al-Assad sang Nga, Mỹ đã cử một phái đoàn do bà Barbara Leaf - quan chức cấp cao phụ trách Trung Đông thuộc Bộ Ngoại giao Mỹ - dẫn đầu đến Damascus để đàm phán với lực lượng đối lập ở Syria.
Tại Damascus, bà Leaf nói với lãnh đạo HTS - ông Ahmad al-Sharaa rằng Mỹ đã gỡ việc treo thưởng 10 triệu USD cho ai ám sát được ông này - điều mà Washington đưa ra gần 8 năm trước.
Bà Leaf mô tả cuộc thảo luận với ông al-Sharaa là “tốt” và “chi tiết”, nói thêm rằng bà đã “nghe ông ấy nói về các ưu tiên của ông, vốn rất quan trọng trong việc đưa Syria vào con đường phục hồi kinh tế”.
Theo giới quan sát, dù chính quyền đương nhiệm ở Mỹ tỏ thiện chí với giới lãnh đạo hiện tại ở Syria, nhưng chính quyền sắp tới của ông Trump thì không chắc.
“Quan điểm của ông Trump về Syria, nếu có, thì cũng rất mơ hồ. Ông ấy không thích các nhóm Hồi giáo cực đoan và các cuộc chiến ở Trung Đông, nhưng đồng thời lại muốn tiêu diệt khủng bố và thể hiện sự cứng rắn. Trên thực tế, phần lớn sẽ phụ thuộc vào tình hình khu vực và ý kiến từ đội ngũ trong chính quyền của ông ấy” - chuyên gia Aron Lund, nhà nghiên cứu tại tổ chức Century International (Mỹ), nhận định với tờ The New Arab.
“Rất nhiều điều phụ thuộc vào quan điểm cá nhân của ông Trump và những diễn biến tại Syria. Yếu tố chưa biết này gặp yếu tố chưa biết khác” - chuyên gia Aron Lund.
Chính sách đối ngoại của Mỹ đối với Syria trong nhiệm kỳ đầu của ông Trump cũng bị đánh giá là rời rạc, thiếu nhất quán. Theo chuyên gia Lund, giai đoạn 2017-2021, chính sách của Mỹ ở Syria thường do các quan chức cấp trung, theo đường lối cứng rắn, quyết định mà không có sự giám sát chặt chẽ từ ông Trump.
“Thỉnh thoảng, ông Trump nhận ra rằng chính sách đã đi theo hướng ông không thích, và sau đó ông sẽ làm mọi thứ đảo lộn bằng các mệnh lệnh đột ngột, như rút quân Mỹ về nước hoặc cắt viện trợ” - ông Lund nêu quan điểm.
Về phía giới lãnh đạo mới ở Syria, kể từ khi kiểm soát Damascus, ông al-Sharaa cùng phe đối lập đã thể hiện thiện chí hợp tác quốc tế.
Theo tờ National Interest, ông al-Sharaa những tuần qua tập trung vào việc giành được sự công nhận của người dân Syria và cộng đồng quốc tế cho phong trào của ông. Ông al-Sharaa đã từ bỏ tham vọng thánh chiến, khuyến khích sự hợp tác với phương Tây và tìm kiếm một giải pháp ngoại giao với Israel, tuyên bố cần phải bảo vệ tất cả các nhóm tôn giáo thiểu số.
Nhà lãnh đạo này cũng đã hứa sẽ giải ngũ tất cả các lực lượng dân quân và bãi bỏ chế độ nghĩa vụ quân sự, ủng hộ một đội quân tình nguyện để tất cả vũ khí nằm trong tay nhà nước, và thậm chí còn gợi ý rằng có thể giải tán HTS để ủng hộ việc tái lập các thể chế nhà nước.
Giới quan sát cho rằng thái độ thiện chí của chính quyền mới ở Syria là dễ hiểu vì họ cần sự hỗ trợ kinh tế và kỹ thuật đáng kể từ cộng đồng quốc tế để xây dựng lại cơ sở hạ tầng, nền kinh tế cũng như các thể chế.
Những vấn đề sẽ định hình quan hệ song phương
Dù chưa rõ quan hệ giữa chính quyền mới ở Mỹ và chính quyền mới ở Syria sẽ diễn tiến thế nào, nhưng con đường đi đến việc hàn gắn quan hệ chắc chắn phải vượt qua một loạt vấn đề.
Đầu tiên là tình hình ở đông bắc Syria, nơi có sự hiện diện của quân Mỹ để hỗ trợ lực lượng Dân chủ Syria (SDF) do người Kurd lãnh đạo, cũng như chống lại tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS). Chính quyền do HTS lãnh đạo tại hiện đang đàm phán với SDF về việc đưa các nhóm đối lập vào lực lượng vũ trang quốc gia Syria.
TS Joshua Landis - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Trung Đông tại ĐH Oklahoma (Mỹ) - tin rằng mối quan ngại của Washington về chống khủng bố ở Syria sẽ ảnh hưởng đến quyết định của chính quyền ông Trump về khả năng rút lực lượng Mỹ.
“Lý do Mỹ có mặt ở Syria là để chiến đấu trong cuộc chiến tranh chống khủng bố. Một khi phía ông al-Sharaa có thể đưa ra lời đảm bảo rằng Syria có khả năng chiến đấu với IS, Mỹ sẽ không có tư cách pháp lý nào ở Syria” - TS Landis bày tỏ.
“Mỹ cũng không có lý do gì để giữ các giếng dầu của Syria. Ngoài ra, chính phủ Syria là thực thể duy nhất có thẩm quyền xét xử các tù nhân IS” - ông Landis nói thêm.
Theo giới quan sát, khó để dự đoán chính quyền của ông Trump sẽ đưa ra quyết định thế nào vì trong nhóm của ông Trump hiện chia làm hai phe, một phe theo chủ nghĩa biệt lập muốn rút quân Mỹ khỏi Syria và một phe muốn ở lại để chiến đấu với IS và thể hiện sức mạnh của Mỹ ở vùng Cận Đông.
Rào cản thứ hai là việc Mỹ vẫn còn “niêm yết” HTS như một tổ chức khủng bố. TS Landis cho rằng việc xóa tên HTS khỏi danh sách khủng bố là một bước đi “nhỏ” nhưng vẫn “quan trọng”.
Ngoài ra, quan hệ Mỹ-Syria những năm qua cũng gặp khó do những lệnh trừng phạt của Washington. Trong nhiệm kỳ thứ nhất, ông Trump đã triển khai Đạo luật Caesar Bảo vệ Dân sự Syria năm 2019 gồm một loạt lệnh trừng phạt khắc nghiệt đối với Syria. Mặc dù các biện pháp này nhằm vào chính quyền ông al-Assad, nhưng Washington vẫn chưa dỡ bỏ đạo luật sau khi ông al-Assad bị lật đổ.
Nếu các đạo luật này không được dỡ bỏ, kinh tế Syria sẽ tiếp tục bị bóp nghẹt, và nước này sẽ không có cơ hội tái thiết và phát triển trong thời kỳ hậu ông al-Assad.
Sau cùng, một vấn đề nữa sẽ quyết định tương lai quan hệ Mỹ-Syria chính là cuộc cạnh tranh quyền lực tiềm năng giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Israel tại Syria.
Căng thẳng leo thang giữa Ankara và Tel Aviv về tương lai của Syria có thể là một thách thức lớn mà chính quyền mới ở Damascus sẽ phải giải quyết trong năm nay. Mặc dù căng thẳng như vậy có thể diễn ra chủ yếu theo hướng chính trị và ngoại giao, nhưng không thể loại trừ hoàn toàn nguy cơ xảy ra xung đột quân sự.
Kịch bản đó sẽ tạo nên một cuộc khủng hoảng cho chính quyền sắp tới của ông Trump vì Mỹ sẽ không muốn một thành viên NATO và một đồng minh thân cận xung đột với nhau. Giảm bớt căng thẳng để ngăn chặn leo thang giữa Ankara và Tel Aviv sẽ không phải là nhiệm vụ dễ dàng đối với chính quyền sắp tới của ông Trump.
Những gì Mỹ có thể làm để hỗ trợ chuyển giao quyền lực ở Syria
Trong bối cảnh tình hình Syria và Trung Đông còn nhiều bất ổn, trang Atlantic Council nêu ra các bước Mỹ có thể làm để hỗ trợ quá trình chuyển giao quyền lực ở Damascus, bao gồm:
Hợp tác với các đồng minh khu vực: Mỹ nên làm việc chặt chẽ với Thổ Nhĩ Kỳ, Jordan và các chính phủ Ả Rập để đảm bảo chỉ hỗ trợ các nhóm thúc đẩy hòa bình.
Iran và nhóm vũ trang Hezbollah (Lebanon) có thể sẽ tác động tiến trình chuyển giao quyền lực ở Syria, Mỹ cần theo dõi chặt chẽ các động thái này.
Kiểm soát phân phối viện trợ ở Syria để tránh viện trợ rơi vào tay các nhóm cực đoan.
Thiết lập kênh liên lạc với lãnh đạo mới.
Mỹ cũng cần tham gia cùng đồng minh và Liên Hợp Quốc để thiết kế hệ thống bầu cử giúp Syria hướng tới tương lai hòa bình và ổn định.
Nguồn PLO: https://plo.vn/tuong-lai-quan-he-my-syria-voi-su-tro-lai-cua-ong-trump-post828184.html