Tương lai 'số 4 Thụy Khuê': Bài diễn văn suông dành tặng 'anh cả đỏ'
Mặc tuổi cao sức yếu, trời mưa phùn lạnh giá, hàng trăm nghệ sĩ, cán bộ, nhân viên nhiều thế hệ của Hãng phim truyện Việt Nam nói riêng và ngành điện ảnh Việt Nam nói chung vẫn về dự buổi gặp mặt do Cục Điện ảnh tổ chức sáng ngày 24/12, tại Hà Nội. Cũng vì, người người ngóng chờ câu trả lời cho tương lai của 'số 4 Thụy Khuê'...
Nghệ sĩ Hãng phim truyện Việt Nam căng băng rôn tại buổi gặp mặt với Cục Điện ảnh, sáng 24/12. Ảnh: Bình Thanh
Mong mãi một câu trả lời thỏa đáng
9 giờ cuộc gặp mặt mới diễn ra nhưng từ 8 giờ, rất đông nghệ sĩ tóc bạc phơ đã đến Trung tâm Chiếu phim quốc gia. Trong câu chuyện, các nghệ sĩ không quên nhắc đến tương lai của “số 4 Thụy Khuê” cùng những ánh nhìn hy vọng...
Ai cũng biết “số 4 Thụy Khuê” là trụ sở của Hãng phim truyện Việt Nam. Nay là Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển phim truyện Việt Nam. Nó luôn được các nghệ sĩ coi là “ngôi nhà thứ hai” của mình trong suốt 60 năm qua. Thế nhưng, từ năm 2017, địa chỉ này trở thành “điểm nóng” khi Hãng được cổ phần hóa, định giá và được Công ty Vận tải thủy Vivaso mua lại với giá 32 tỷ đồng. Cùng với đó, giá trị của Hãng phim trong suốt 60 năm cũng chỉ được định giá 0 đồng.
Ngó đồng hồ liên tục, bà Nguyễn Thị Minh Xuân kêu sốt ruột vì đã quá 9 giờ 30 phút mà cuộc gặp gỡ với Cục Điện ảnh vẫn chưa được bắt đầu. Năm nay, bà Xuân đã ở tuổi 85, thế nên chồng bà - ông Nguyễn Văn Đại (88 tuổi) phải tháp tùng theo. Từ Long Biên, ông bà dắt díu nhau đi xe buýt từ 6 giờ 30 phút sáng, qua 3 trạm và mất 2 tiếng đồng hồ mới sang được tới 87 Láng Hạ, Ba Đình.
Bà Xuân bùi ngùi: “Tôi làm ở Hãng phim từ năm 1959 cho đến khi nghỉ hưu. Ngày xưa nhà cửa của Hãng thế nào thì giờ gần như vẫn thế, không xây thêm và xập xệ lắm. Người ta cứ bảo cổ phần để đầu tư cho sản xuất phim mà nào có thấy gì đâu. Thật chẳng biết thế nào nữa. Mong là hôm nay có câu trả lời”.
Góp thêm câu chuyện, ông Đại kể: “Bà nhà tôi sửa soạn suốt mấy ngày và nêu quyết tâm đi một chuyến để xem “ngôi nhà thứ hai” của mình sẽ được cấp trên giải quyết thế nào”.
Cũng phải thôi, không riêng gì bà Xuân mà có lẽ với hầu hết các nghệ sĩ đều thắc thỏm chờ “tin vui” như lời Cục phó Cục Điện ảnh Nguyễn Thị Thu Hà nói khi dự lễ kỷ niệm 60 năm thành lập Hãng do các nghệ sĩ tự tổ chức vào đầu tháng 12: “Tôi mang đến tin vui, Bộ chuyển lời mời tất cả các nghệ sĩ đến gặp mặt vào ngày 24/12, kết thúc một năm 2019 để nhìn về phía trước tương lai của Hãng phim truyện Việt Nam”.
Cổ phần không phải để xóa sổ điện ảnh cách mạng
Đợi suýt soát đến 10 giờ thì cuộc gặp gỡ cũng được bắt đầu. Mặc sự nóng lòng của nghệ sĩ, kịch mục vẫn cứ phải hát đủ hai bài rồi mới đến phát biểu khai mạc dài hơn chục phút của Thứ trưởng Bộ VH,TT&DL Tạ Quang Đông. Hầu hết thời gian, bài phát biểu tiếp tục nhắc nhớ lại chặng đường 60 năm vẻ vang của Hãng cùng lời khẳng định, Hãng chính là “anh cả đỏ” của điện ảnh cách mạng Việt Nam. Nhắc là thế nhưng còn tương lai của Hãng, “số 4 Thụy Khuê” thì sao?
“Quá trình Cổ phần hóa của Hãng phim truyện Việt Nam đã được các đồng chí lãnh đạo của Đảng, Nhà nước quan tâm, chỉ đạo sát sao. Hiện đang trong giai đoạn hoàn thiện các thủ tục một cách sớm nhất có thể. Các nghệ sĩ của Hãng phim truyện Việt Nam cần có một môi trường sáng tạo có tính đổi mới đột phá. Quá trình đưa Hãng phim đi tiếp chặng đường mới, sẽ có sự ủng hộ hỗ trợ xứng đáng của các phía Bộ, ban ngành, sự quan tâm đặc biệt của Đảng và Chính phủ” - Thứ trưởng Tạ Quang Đông đọc gọn ghẽ trong hơn mười giây.
Rồi lại mấy chục phút chiếu lại bộ phim tài liệu về chặng đường 60 năm của Hãng mà mới đây các nghệ sĩ vừa chiếu trong ngày tự mình tổ chức kỷ niệm. Dẫu là xem lần thứ hai nhưng các nghệ sĩ vẫn không khỏi bùi ngùi để rồi hụt hẫng. “Người nghệ sĩ mong muốn có một câu trả lời rõ ràng, cần những giải pháp thực chất từ phía lãnh đạo Bộ chứ không phải là một bài diễn văn nói suông, nặng tính hình thức; không phải là mấy lời sáo rỗng, mấy lời động viên suông” – nghệ sĩ Nguyễn Xuân Vũ vốn làm việc ở xưởng thiết kế kỹ thuật của Hãng nói trong tiếng thở dài.
Cao trào của sự chờ đợi dường như được đẩy lên đến đỉnh điểm khi Ban tổ chức vẫn tiếp tục những lễ lạt: Tặng hoa, kỷ niệm chương... song nhiều nghệ sĩ dù có mặt nhưng không lên nhận. Không chỉ thế, những người nghệ sĩ đang làm việc tại Hãng phim còn chăng băng rôn, khẩu hiệu giữa khán phòng: “Đề nghị Bộ VH,TT&DL giải quyết vấn đề cổ phần hóa ở VFS”, “Cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam là: Không việc làm - Không lương - Không bảo hiểm”...
“Tổ chức hoành tráng thế này mà không cho nghệ sĩ phát biểu thì tổ chức cho ai? Phải tôn trọng nghệ sĩ chứ?. Chúng tôi không cần Vivaso, chúng tôi cần việc làm, cần Hãng phim phát triển” - Đạo diễn Nguyễn Xuân Thành cùng rất đông nghệ sĩ bức xúc rời buổi gặp mặt giữa chừng mà không kìm được cảm xúc hụt hẫng, nói lớn trước cả phòng chiếu phim rộng hơn 500 chỗ - “Có 2 điều chúng tôi mong muốn: Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định, chúng tôi yêu cầu Vivaso phải thoái vốn, rút khỏi và giao lại số 4 Thụy Khuê cho các anh em nghệ sĩ để chúng tôi làm việc.
Các anh trên Bộ biết, cổ phần này là hoàn toàn sai lầm. Các anh các chị ở trên Bộ đại diện tất cả các ban ngành, các chị thấu hiểu tâm tư của chúng tôi, 60 năm rồi, bây giờ không thể vùi dập Hãng bởi một công ty Vivaso. Cổ phần là để cho điện ảnh phát triển chứ không phải cổ phần để xóa sổ điện ảnh cách mạng Việt Nam”.
* * *
“Chúng ta đã cùng nhau ngồi ở đây, cùng nhau làm nên buổi gặp mặt ngày hôm nay, chúng ta có quyền giữ vững niềm tin, có quyền hy vọng...” - Lời khép lại buổi gặp mặt một cách vội vã của Cục phó Cục Điện ảnh Nguyễn Thị Thu Hà lại là một bài ca viết tiếp niềm tin... đợi đấy!
“Bộ, Cục cần trao đổi với các nghệ sĩ, các anh em để thấy được nguyện vọng của người ta. Nguyện vọng của anh em rất đơn giản, thanh tra Nhà nước đã làm việc và kết luận về việc cổ phần hóa có nhiều sai phạm, trong đó có việc chọn không đúng đối tác - Vivaso. Khi xác định đó là sai lầm thì cần giải quyết sai lầm đó bằng cách như anh em người ta đòi hỏi, kêu gọi, Vivaso phải rút vốn trả lại Hãng phim truyện Việt Nam.
Cùng với đó, theo tôi nghĩ, bản thân anh em nghệ sĩ cũng phải tìm thấy những nhược điểm, yếu kém của mình trong những năm qua. Ở Việt Nam có rất nhiều công ty sản xuất phim, gặp lỗ lãi là chuyện thường tình song họ vẫn tồn tại. Vậy tại sao một Hãng phim có cả thời oanh liệt như thế mà sao không tồn tại được. Một trong những lý do, theo tôi nghĩ, ở đây có cả phần yếu kém của chính bản thân Hãng, mà cái đó cần phải nhìn lại”.
Ông Nguyễn Kim Cương –
Nguyên Giám đốc Hãng phim truyện Việt Nam