Tương lai u ám đang chờ TikTok
Kể từ khi ra mắt năm 2017, TikTok đạt được nhiều thành công bên ngoài Trung Quốc. Tuy nhiên, sự nguy hiểm của nó khiến nhiều quốc gia phải dè chừng.
Tháng 4 năm nay, TikTok và Douyin, phiên bản Trung Quốc của nó đã vượt 2 tỷ lượt tải xuống, theo hãng phân tích Sensor Tower.
Thế nhưng, TikTok khó có thể phát triển hơn nữa trước áp lực từ Mỹ. Ngoài ra, xung đột biên giới giữa Trung Quốc và Ấn Độ, cả mối quan ngại về bảo mật dữ liệu, quyền riêng tư leo thang toàn cầu cũng kìm hãm đà tăng trưởng của ứng dụng này.
Ở những thị trường lớn như Mỹ, Ấn Độ, giới chức nghi ngờ TikTok chia sẻ dữ liệu người dùng với chính quyền Trung Quốc. Bên cạnh đó, việc kiểm duyệt kho nội dung ngày càng khổng lồ cũng là gánh nặng đặt lên vai TikTok.
TikTok nhận được quá nhiều lo ngại về an ninh
Ấn Độ, Mỹ là các thị trường lớn số một và thứ ba của TikTok. Hai cường quốc này chiếm lần lượt 27,6 % và 8,2% lượt tải xuống nửa đầu năm nay của TikTok.
Theo The Information, việc Ấn Độ tuyên bố cấm 59 ứng dụng Trung Quốc bao gồm TikTok có thể gây thiệt hại 6 tỷ USD cho ByteDance. Nếu Mỹ cũng chặn TikTok, giới đầu tư dự đoán TikTok sẽ giảm 30% giá trị vốn hóa của công ty mẹ Douyin.
Chỉ bốn tháng trước, Zhang Yiming - người sáng lập kiêm Giám đốc Điều hành ByteDance tỏ ra lạc quan về kế hoạch mở rộng công ty trên thị trường quốc tế. Ông đặt mục tiêu cuối năm nay tăng số nhân viên trên toàn thế giới lên 100.000 người. Mục đích của việc mở rộng quy mô của ByteDance là “hỗ trợ sự phát triển phi thường của công ty trên toàn cầu”.
Trong nỗ lực xoa dịu giới phê bình Mỹ, công ty đã chi 500.000 USD chỉ trong quý II năm nay cho các vận động hành lang, cũng như bổ nhiệm chuyên gia công nghệ nổi tiếng của Mỹ Kevin Mayer và Michael Beckerman vào vị trí quản lý TikTok.
Tuy nhiên, ByteDance vẫn phải cố gắng thuyết phục các cơ quan có thẩm quyền rằng kiểm duyệt và bảo vệ trẻ vị thành niên là vấn đề chung của tất cả ứng dụng mạng xã hội, bao gồm Facebook và Twitter chứ không riêng các ứng dụng Trung Quốc.
Theo tờ South China Morning Post, trong mắt chính quyền Tổng thống Trump, một công ty công nghệ Trung Quốc hoạt động ở Mỹ đồng nghĩa việc công ty này có thể chia sẻ dữ liệu cho Bắc Kinh theo Luật Tình báo Quốc gia Trung Quốc năm 2017.
Người ta không loại trừ khả năng TikTok sẽ được bán lại. Ngày 23/7, các nhà đầu tư Mỹ của ByteDance, gồm General Atlantic và Sequoia Capital đang cân nhắc việc mua cổ phần giành quyền kiểm soát TikTok, dù ông Zhang từ chối đề xuất mua lại công ty.
Đại diện TikTok nhiều lần tuyên bố không bao giờ chia sẻ dữ liệu với chính phủ, đồng thời lưu trữ dữ liệu người dùng Mỹ ngay tại nước này và dự phòng ở Singapore.
Theo chính sách bảo mật của TikTok tại Mỹ, ứng dụng này tự động thu thập những thông tin như địa chỉ IP, dữ liệu liên quan đến định vị địa lý và lịch sử tìm kiếm, quét và phân tích tin nhắn người dùng đã soạn, gửi/nhận dữ liệu trong ứng dụng.
Những dữ liệu này dùng để phát hiện các vụ gian lận và hoạt động phi pháp, cũng như cung cấp quảng cáo nhắm mục tiêu hiệu quả hơn.
Tuy nhiên, theo Patrick Jackson, cựu nghiên cứu viên của Cơ quan An ninh Quốc gia, hiện là Giám đốc công nghệ của công ty bảo mật phần mềm Disconnect, TikTok thu thập lượng lớn thông tin một cách bất thường. Ông cho rằng ứng dụng cố tình thu thập những dữ liệu giúp phân biệt và xác định người dùng ngay cả khi họ tạo tài khoản mới hoặc xóa rồi tải lại ứng dụng.
Tương lai mù mịt của TikTok
Theo một số nhà quan sát, kể cả khi ByteDance không chủ động bàn giao dữ liệu người dùng cho chính phủ Trung Quốc, họ vẫn không có quyền lựa chọn.
Luật An ninh Quốc gia Trung Quốc năm 1993 quy định các cơ quan an ninh nhà nước có thể kiểm tra các thiết bị liên lạc điện tử của tổ chức và cá nhân nếu cần, trong khi Luật Tình báo Quốc gia năm 2017 yêu cầu các tổ chức và công dân hỗ trợ, giúp đỡ, hợp tác với công tác tình báo nhà nước.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia an ninh mạng, điều này không đồng nghĩa việc TikTok thu thập dữ liệu nhiều hơn các mạng xã hội phương Tây khác.
Hoạt động thu thập dữ liệu của Facebook và Google trải dài khắp các trang web, ngay cả khi người dùng không có tài khoản Facebook hay sử dụng dịch vụ của Google, hai công ty này vẫn nắm được thông tin của họ.
Hơn nữa, Trung Quốc không phải là quốc gia duy nhất trên thế giới yêu cầu mạng xã hội cung cấp thông tin người dùng. Báo cáo mới nhất của Facebook cho thấy chỉ trong 6 tháng cuối năm 2019, chính phủ Mỹ yêu cầu mạng xã hội này cung cấp thông tin 51.121 lần, đứng đầu thế giới, theo sau là chính phủ Ấn Độ.
Dù TikTok có chứng minh được họ làm lộ dữ liệu hay không, ByteDance cũng đang phí thời gian cho những cuộc tranh luận về pháp lý và dần đánh mất lợi thế “người dẫn đầu”, khi ngày càng có nhiều ứng dụng chia sẻ video ngắn xuất hiện.
Instagram đã thử nghiệm tính năng video ngắn Reels ở một số quốc gia bao gồm Brazil, Ấn Độ và nhiều khả năng sẽ ra mắt ở Mỹ vào đầu tháng 8. YouTube cũng được cho là đang lên kế hoạch giới thiệu Short - ứng dụng chia sẻ video ngắn - vào cuối năm 2020.
Tại Ấn Độ, một loạt ứng dụng đang cạnh tranh nhau kể từ khi TikTok bị cấm tại quốc gia này. Ba ứng cử viên lớn nhất là Roposo, Zili và Dubsmash có lượt tải xuống tăng vọt 155% so với trước khi lệnh cấm TikTok được ban hành.
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/tuong-lai-u-am-dang-cho-tiktok-post1111200.html