Tướng lĩnh Lầu Năm Góc 'cảnh giác' trước sức mạnh quân sự mới của Iran
Iran cho biết hồi tháng trước rằng họ đã phóng thành công một vệ tinh quân sự.
Một sĩ quan quân đội hàng đầu của Mỹ hôm thứ Ba cho biết vụ phóng vệ tinh quân sự gần đây của Iran, vụ phóng thành công lần đầu tiên tương tự, là một kỳ công đầy lo ngại.
Không dời mắt khỏi chương trình tên lửa Iran
"Các dạng tên lửa khác nhau có thể làm những việc khác nhau, một loại có thể mang theo một vệ tinh và một loại khác thì có thể mang theo một số loại thiết bị có thể phát nổ. Vì vậy, lằn ranh cuối ở đây có tồn tại, đó là mối lo ngại về an ninh bất cứ khi nào Iran thử nghiệm bất kỳ loại tên lửa tầm xa nào, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ, Tướng Mark Milley, giải thích.
Họ đã phóng một thiết bị vệ tinh và tôi nghĩ chúng tôi từng công khai tuyên bố rằng nó sẽ bị rơi. Vì vậy bản thân thiết bị vệ tinh này không cần quá quan tâm đến nó, nhưng công nghệ tên lửa trong vụ phóng này, công nghệ tên lửa đời thứ hai và thứ ba và những bài học rút ra sau đó mới chính là một mối quan ngại", ông nói thêm.
Iran cho biết hồi tháng trước rằng họ đã phóng thành công vệ tinh quân sự đầu tiên, một động thái khác trong cuộc chiến ăn miếng trả miếng giữa Washington và Tehran về các chương trình tên lửa của Cộng hòa Hồi giáo.
Vệ tinh đó được gọi là Noor, được phóng lên quỹ đạo bằng tên lửa tầm xa, theo tuyên bố ngày 22/4 của Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran.
Các quan chức Hoa Kỳ từ lâu đã lo sợ rằng Iran sẽ theo đuổi việc phát triển công nghệ vệ tinh để tạo nên một vỏ bọc cho hoạt động tên lửa đạn đạo. Trong khi đó, Tehran đã bác bỏ những khẳng định đó và nói rằng Iran không hướng tới phát triển chương trình vũ khí hạt nhân.
Vụ phóng vệ tinh này diễn ra vài ngày sau khi Lầu Năm Góc tuyên bố rằng các tàu của Hải quân Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran đã thực hiện các hành động nguy hiểm và khiêu khích gần tàu Hải quân và Cảnh sát biển Hoa Kỳ ở Vịnh Ba Tư.
Liên tục "cọ xát"
Sáu tàu quân sự của Hoa Kỳ đang thực hiện các hoạt động huấn luyện ở vùng biển quốc tế khi 11 tàu Iran đi vượt qua tàu của Hoa Kỳ ở cự ly cực gần và tốc độ cao, theo một tuyên bố của Hải quân Hoa Kỳ.
Thủy thủ đoàn Hoa Kỳ đã đưa ra nhiều cảnh báo thông qua đài phát thanh và các thiết bị tạo tiếng ồn tầm xa gửi tới tàu Iran. Tổng thống Donald Trump còn từng cảnh báo rằng Hoa Kỳ sẽ phá hủy các pháo hạm Iran nếu quấy rối các tàu Mỹ trên biển.
"Tôi đã chỉ thị cho Hải quân Hoa Kỳ bắn hạ và tiêu diệt bất kỳ và tất cả các pháo hạm Iran nếu họ quấy rối tàu của chúng tôi trên biển", Tổng thống Trump đã viết trong một bài đăng trên Twitter.
Lời đe dọa này, cùng với những khủng hoảng về giá dầu, tạo nên một bước ngoặt đáng lo ngại nữa trong quan hệ giữa Washington và Tehran.
Căng thẳng song phương đã tăng vọt sau khi ông Trump rút khỏi thỏa thuận hạt nhân năm 2015 giữa Iran với các cường quốc (được gọi là JCPOA).
Thỏa thuận hạt nhân năm 2015 này đã dỡ bỏ các lệnh trừng phạt đối với Iran, rào cản đã làm tê liệt nền kinh tế và cắt giảm xuất khẩu dầu mỏ của nước này xuống một nửa. Để đổi lấy dỡ bỏ lệnh trừng phạt, Iran chấp nhận chịu những hạn chế đối với chương trình hạt nhân của nước này và cho phép các thanh sát viên quốc tế vào các cơ sở hạt nhân của mình.
Và trong khi chính sách gây áp lực tối đa của ông Trump cũng khiến nền kinh tế Iran chịu nhiều thiệt hại nghiêm trọng và làm giảm xuất khẩu dầu mỏ, thì Tehran tuyên bố sẽ không đàm phán với Washington khi các lệnh trừng phạt vẫn đang bị áp dụng.
Thêm vào đó, dù dịch virus corona vẫn đang tạo nên sức ép nặng nề và làm tê liệt quốc gia Trung Đông này, chính quyền Trump trước đây đã nói rằng họ sẽ không nới lỏng các biện pháp trừng phạt đối với Iran vì các hành động nhân đạo không bị trừng phạt.
Cả thế giới nên biết rằng hỗ trợ nhân đạo cho Iran rất rộng mở, điều đó không bị xử phạt, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo nói trong cuộc họp báo ngày 20 tháng 3 tại Nhà Trắng.
Chúng tôi đang làm mọi thứ có thể để tạo điều kiện cho sự hỗ trợ nhân đạo và để đảm bảo rằng các giao dịch tài chính có liên quan tới điều đó cũng có thể diễn ra. Không có chế tài nào đối với các loại thuốc đi đến Iran, không có chế tài nào đối với hỗ trợ nhân đạo đi vào đất nước đó. Họ gặp vấn đề khó khăn ở đó và chúng tôi muốn thấy sự hỗ trợ y tế, nhân đạo đó đến với người dân Iran, nhà ngoại giao hàng đầu của Mỹ đưa ra thông điệp của mình.