Tướng lĩnh Việt Nam nói về vũ khí Nga
Tại tọa đàm '70 năm hợp tác đào tạo Việt Nam - Liên Xô/Liên bang Nga: Dấu ấn vượt thời gian' diễn ra sáng 30/12, các tướng lĩnh Việt Nam đã chia sẻ nhiều thông tin về việc hợp tác quân sự giữa hai nước, trong đó có lĩnh vực không quân, hải quân.
“Vũ khí Nga vẫn là tốt nhất”
Từng là Chủ nhiệm Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng trong nhiều năm, Trung tướng, Anh hùng Phạm Tuân chia sẻ: Tôi là phi công được đào tạo ở Liên Xô, cũng là lớp thứ 3 phi công tiêm kích chiến đấu. Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước thắng lợi to lớn có rất nhiều nguyên nhân, một nguyên nhân hết sức quan trọng là sự giúp đỡ của các nước XHCN anh em, đứng đầu là Liên Xô.
“Liên Xô giúp chúng ta cả về vật chất và tinh thần. Các đồng chí chuyên gia Liên Xô đã đổ xương máu trên đất nước chúng ta, cho cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của chúng ta. Trong sự ủng hộ to lớn đó, việc đào tạo cán bộ kỹ thuật, chuyên môn cho đất nước ta nói chung, cho quân đội nói riêng, đặc biệt là không quân là hết sức quan trọng và hết sức to lớn”, Trung tướng Phạm Tuân nói.
Theo anh hùng Phạm Tuân, năm 1956, Việt Nam bắt đầu gửi lớp phi công đầu tiên sang Liên Xô học tập, chủ yếu là máy bay vận tải. Năm 1961 thì gửi học viên sang học phi công chiến đấu. Trong 10 năm (1961-1972), chúng ta gửi sang Liên Xô đào tạo trên 1.000 cán bộ chuyên môn kỹ thuật, trong đó có 447 người đào tạo phi công, tốt nghiệp 220 phi công chiến đấu. Đây là lực lượng lòng cốt từ năm 1967 đến hết chiến tranh…
“Khi gửi học viên sang Liên Xô học phi công, đầu vào của chúng ta không giống với các nước khác, cả về trình độ văn hóa, trình độ kỹ thuật, thể trạng con người. Ngoài ý chí ra, tất cả tiêu chí khác đều kém so với nước khác. Nếu các bạn Liên Xô, các thày giáo Liên Xô không có tình quốc tế cao cả, tình yêu với đất nước, con người Việt Nam thì họ không thể giúp đỡ chúng ta đào tạo được nhiều phi công như vậy”.
Cho rằng Việt Nam cần tiếp tục giữ mối quan hệ tốt với Liên bang Nga; tiếp tục gửi cán bộ kỹ thuật, phi công sang Nga đào tạo; phải làm sao giữ được như trước đây, gắn chặt, đổi mới lên để mối quan hệ đó tạo thành sức mạnh cho cả 2 nước, Trung tướng Phạm Tuân nói: “Vũ khí quân đội chúng ta nhập về phần nhiều là của Liên Xô/Liên bang Nga. Tôi đã đi đàm phán tất cả cả nước, quay về Nga vẫn là tốt nhất, tin cậy nhất. Kinh nghiệm bạn truyền cho chúng ta, không nước nào tốt hơn, trao cho mình những gì tin cậy nhất”.
Quan hệ quốc tế đặc biệt từ thuở hàn vi
Thượng tướng Võ Văn Tuấn (nguyên Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam và là một trong những phi công tiêm kích SU-27 đầu tiên của Việt Nam) chia sẻ: “Phi công đầu tiên bay ra Trường Sa trên máy bay chiến đấu Su-22 chính là phi công Liên Xô. Sau đó quay về lên một biên đội Su-22 M. Bạn đã hết sức giúp đỡ chúng ta trong nhiệm vụ này”.
Nhớ lại những năm tháng sang xứ sở Bạch Dương học tập, Thượng tướng Võ Văn Tuấn cho biết, khi sang bên kia học, đoàn học viên của ta nghèo lắm. Sang đó phải bay đơn, tự bay trên bầu trời. Sau mỗi chuyến bay đơn, học viên nước khác giàu thì tặng thầy đồng hồ làm kỷ niệm. Học viên Việt Nam thì rán nem, mua vodka mời thầy đến phòng cám ơn.
“Hồi ở Phan Rang (nơi Trung đoàn Không quân 937 - đơn vị mà Thượng tướng Võ Văn Tuấn từng công tác đóng quân), chúng tôi được gọi là phi công Trường Sa. Tôi là một trong 6 phi công đầu tiên bay chuyển loại Su-27.
Chúng tôi được may mắn học bay với những phi công anh hùng bay thử nghiệm của Liên Xô/Liên bang Nga. Họ dạy chúng tôi từ thực tế kinh nghiệm bay của họ, không như học ở các trường không quân nên rút ngắn được thời gian đào tạo. Có thầy của tôi đã sang Việt Nam làm chuyên gia ở sân bay Thành Sơn, Phan Rang. Thầy mang theo con trai và cậu này thành bạn của con trai tôi cũng tới sân bay chơi. Hai cậu bé hẹn nhau khi lớn lên làm phi công giống cha và giờ cả hai đều là phi công”, Thượng tướng Võ Văn Tuấn nói.
Theo Thượng tướng Võ Văn Tuấn, tháng 11/2018, kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Trường Không Quân Krasnodar mang tên Serov- cái nôi đào tạo nhiều phi công chiến đấu huyền thoại, nổi tiếng của Không quân nhân dân Việt Nam. Đoàn đại biểu cựu chiến binh Không quân và thân nhân các cựu học viên Việt Nam đã từng học tập tại đây do Trung tướng phi công, Anh hùng LLVTND Phạm Phú Thái dẫn đầu, đã tới thăm và tri ân các thế hệ giáo viên của Trường Không quân Krasnodar với bức trướng mang dòng chữ: “Các thế hệ Học viên Việt Nam tri ân các thầy Trường Không quân Krasnodar! Mãi mãi biết ơn Liên Xô, Liên bang Nga!”.
Giúp Hải quân Việt Nam tận tình
Theo Chuẩn đô đốc Hoàng Hồng Hà, Phó Tư lệnh Quân chủng Hải quân, tất cả các thành tích của Hải quân nhân dân Việt Nam, từ chiến thắng trận đầu cho đến gần đây đều có sự đóng góp quan trọng của việc hợp tác đào tạo cán bộ Hải quân do Liên Xô/Liên bang Nga hỗ trợ.
“Ngay từ những ngày đầu, Liên Xô đã giúp Hải quân Việt Nam đào tạo các khung cán bộ tàu phóng lôi. Hồi đó phiên hiệu đoàn 140 gồm hơn 100 đồng chí cử sang Liên Xô học tập. Đây là lực lượng nòng cốt của phân đội 3, Tiểu đoàn 135 tham gia đánh tàu Ma-đốc ngày 5/8/1964, lập lên chiến công đánh thắng trận đầu của Hải quân nhân dân Việt Nam.
Qua 65 năm xây dựng, chiến đấu, trưởng thành, Hải quân chúng ta nhận được sự hỗ trợ đạo tạo cán bộ to lớn từ Liên Xô/Liên bang Nga. Đến nay, cán bộ chiến sĩ Hải quân đã làm chủ hoàn toàn các vũ khí, trang bị hiện đại nhất đang được trang bị”, Chuẩn đô đốc Hoàng Hồng Hà phát biểu.
Phó Tư lệnh Hoàng Hồng Hà khẳng định, hợp tác đào tạo là điểm sáng, là lĩnh vực hiệu quả nhất mà Hải quân Liên Xô dành cho Hải quân Việt Nam: “Về số lượng, bạn đã đào tạo 4.016 chỉ tiêu cho ta, trong đó có 1.400 theo chỉ tiêu của Bộ Quốc phòng, chủ yếu vào thời điểm từ 1956-1991. Ngoài đào tạo ở bên đó, bạn cử nhiều chuyên gia, cố vấn sang giúp ta bồi dưỡng cán bộ Hải quân.
Từ năm 1979-1991, có 48 đồng chí thường xuyên sang ở các vị trí cố vấn. Có đồng chí cố vấn cho Tư lệnh Hải quân. Sự trưởng thành của các sĩ quan, cán bộ chủ chốt của Hải quân không thể tách rời sự đóng góp, kinh nghiệm của các cố vấn, chuyên gia Liên Xô/Liên bang Nga”.
Cũng theo Chuẩn đô đốc Hoàng Hồng Hà, Liên Xô/Liên bang Nga đã giúp Việt Nam đào tạo đa loại hình một cách tận tình (ngắn hạn, dài hạn, nghiên cứu sinh, thực tập sinh) về lĩnh vực tàu nổi, tàu ngầm, không quân hải quân, các chuyên ngành hẹp như tên lửa, radar, sonat, khí tài điện tử…, thậm chí cả lĩnh vực tham mưu chính trị, hậu cần kỹ thuật.