Tượng Melania Trump biến mất bí ẩn tại quê nhà Slovenia
Cảnh sát địa phương xác nhận bức tượng bằng đồng khắc họa Đệ nhất phu nhân Mỹ Melania Trump, được dựng gần quê hương của bà ở miền đông Slovenia, đã bị cắt lìa khỏi bệ và đánh cắp.
Cảnh sát Slovenia đang điều tra vụ mất trộm bức tượng đồng khắc họa chân dung Đệ nhất phu nhân Mỹ Melania Trump đặt tại vùng ngoại ô thị trấn Sevnica, nơi bà từng sinh sống thời niên thiếu. Theo thông tin từ cơ quan chức năng, tượng bị "chặt ngang cổ chân và lấy đi hoàn toàn", chỉ còn lại phần chân nặng nề mang phong cách lập thể trên gốc cây từng là bệ đỡ, New York Times cho biết.
"Chúng tôi vẫn đang tiến hành điều tra và đánh giá mức độ nghiêm trọng của vụ việc", người phát ngôn cảnh sát Alenka Drenik cho biết. Hiện chưa rõ thời điểm chính xác bức tượng bị lấy đi, dù vụ trộm được báo cáo hôm 13/5.
Dù được thực hiện với mục đích tôn vinh nhưng với người dân Sevnica - thị trấn chỉ khoảng 5.000 cư dân ở miền Đông Slovenia - bức tượng chưa bao giờ là niềm tự hào. Trái lại, nhiều người cho rằng nó mang tính giễu nhại hơn là tôn vinh.
"Melania vốn đã kín tiếng, hiếm khi xuất hiện. Khi bà ấy có làm gì thì cũng kỳ lạ đến mức tôi không muốn nghĩ đến nữa", Igor Pavkovic, một cư dân lâu năm chia sẻ. Anh cũng không giấu được tiếng cười khi lần đầu nhìn thấy bức tượng.
Tượng Melania Trump ban đầu được chế tác từ gỗ, ra mắt năm 2019. Một nghệ sĩ dùng cưa máy tạc thô hình ảnh Melania giơ tay vẫy chào, mặc trang phục màu xanh phấn - gợi nhớ đến bộ váy cashmere và găng tay mà bà mặc trong lễ nhậm chức năm 2017 của chồng.

Bức tượng gỗ của Đệ nhất phu nhân Melania Trump trong trang phục màu xanh tại quê nhà. Ảnh: Reuters.
Dù cao tới 2,7 mét, tượng bị chê thậm tệ, ví như bù nhìn rơm hay nhân vật hoạt hình Smurf. Đỉnh điểm là ngày 4/7/2020, bức tượng gỗ bị đốt cháy bởi những kẻ giấu mặt. Sau đó, một bản sao bằng đồng được dựng lên thay thế. Tuy nhiên, cả hai phiên bản đều không chiếm được cảm tình người dân.
“Tôi thấy tượng rất phản cảm. Nhìn như ai đó đang chế nhạo”, Nena Bedek, giáo viên mỹ thuật và là bạn học cũ của Melania nói thẳng. Còn ông Bruno Vidmar - chủ khách sạn nổi tiếng tại thị trấn - cho biết: “Khi tượng được dựng lên, cả Melania lẫn gia đình Knavs đều cảm thấy xấu hổ”.
Điều trớ trêu là cả hai phiên bản tượng Melania đều do nghệ sĩ người Mỹ Brad Downey đặt hàng và hợp tác với thợ thủ công địa phương thực hiện. Ông Downey từng mô tả dự án này là “một hình thức điều tra nghiêm túc” về quan điểm nhập cư cứng rắn của Tổng thống Donald Trump, dù thừa nhận rằng ý tưởng dựng tượng Đệ nhất phu nhân “cũng có chút hài hước châm biếm”.
Không ai đứng ra nhận trách nhiệm cho vụ mất tích lần này. Tuy nhiên, sự kiện diễn ra trong bối cảnh dư luận quốc tế đang bày tỏ sự bất mãn với nhiệm kỳ thứ hai của ông Trump thông qua các hành động như phá hoại xe Tesla (hãng xe của Elon Musk, cố vấn thân cận của ông Trump) hay tung các quảng cáo chế giễu tại London.
Dù Melania đã rời Sevnica từ năm 1985 và không quay lại kể từ đó, thị trấn vẫn tận dụng triệt để tên tuổi của “cựu cư dân nổi tiếng” để phát triển du lịch. Những sản phẩm như cà phê, chocolate hay dép đi trong nhà mang thương hiệu Melania được bày bán khắp nơi - dù tên gọi đều được khéo léo sáng tạo để tránh vi phạm bản quyền.
Tại một cửa hàng lưu niệm, người ta còn thấy bức tranh nghiệp dư ghép hình Nhà Trắng với lâu đài cổ thế kỷ 12 - biểu tượng khác của Sevnica. Trong khách sạn của ông Vidmar, du khách có thể thưởng thức món bánh “Melania” - lớp kem mascarpone, chocolate trắng phủ hạt óc chó, hạt dẻ cười và mè - do chính vợ ông sáng tạo khi ông Trump đắc cử nhiệm kỳ đầu.