Phương Tây cần giải quyết ngay vấn đề cung cấp vũ khí tấn công tầm xa cho lực lượng vũ trang Ukraine. Đề xuất này được đưa ra bởi Chuẩn tướng Mỹ về hưu Mark Arnold.
Chuyên gia quân sự này cho rằng Mỹ và NATO đang mắc sai lầm khi cấm lực lượng vũ trang Ukraine tấn công bằng vũ khí phương Tây vào lãnh thổ Nga. Theo ông, cần phải sử dụng vũ khí chính xác cao nhằm vào các cơ sở quân sự nằm sâu trong hậu phương.
"Để làm được điều này, NATO cần phải thay đổi chính sách của mình và từ bỏ các luận điểm về lệnh cấm triển khai những cuộc tấn công nhằm vào các vùng lãnh thổ của Nga", vị tướng này đề nghị.
Chuẩn tướng Arnold giải thích rằng để làm được điều này thì cần phải chuyển giao các hệ thống phòng không Patriot, tên lửa đạn đạo chiến thuật ATACMS để sử dụng các bệ phóng HIMARS hay M270 mà phương Tây đã gửi cho Ukraine.
Đáng chú ý là đề xuất cung cấp tên lửa ATACMS cho Ukraine đã được một số nghị sĩ tại Hạ viện Mỹ thúc giục chính quyền Tổng thống Joe Biden sớm triển khai, cho thấy sức ép đối với người đứng đầu Nhà trắng đã rất lớn.
Bên cạnh đó, cũng có nhiều ý kiến nhận định rằng nếu Ukraine dùng tên lửa ATACMS tập kích các kho đạn, sân bay, hạ tầng quân sự trên bán đảo Crimea thì vẫn không được tính là tấn công vào lãnh thổ Nga, bởi vùng đất này thuộc chủ quyền Ukraine.
Đồng thời, theo Chuẩn tướng Arnold, Lầu Năm Góc cần nhanh chóng cung cấp hàng không quân sự hiện đại cho Kyiv dưới dạng máy bay chiến đấu và máy bay không người lái vũ trang.
Điều này cũng có thể trở thành hiện thực khi một số phi công Ukraine đang được Mỹ đào tạo lái tiêm kích F-16, có lẽ những chiến đấu cơ này sẽ được bàn giao khi khóa huấn luyện kết thúc. Ngoài ra UAV MQ-1C Gray Eagle cũng là đối tượng đang được xem xét hỗ trợ.
Tuy nhiên cần lưu ý, có thống kê cho biết Lầu Năm Góc đang không theo kịp tốc độ bổ sung vũ khí, đạn dược đang được sử dụng với tuần suất lớn trên chiến trường Ukraine. Tờ Wall Street Journal (WSJ) cho biết, điều này làm dấy lên lo ngại giữa các quan chức Mỹ.
Một trong những đại diện của Bộ Quốc phòng Mỹ đã nói với tờ WSJ rằng vì tăng cường hỗ trợ cho Kyiv nên dự trữ đạn pháo 155 mm đang ở mức "thấp đến khó tin". Tuy nhiên con số cụ thể không được thông báo rõ ràng.
“Tuy vậy tình trạng trên không thực sự đáng lo, vì hiện nay Mỹ không tham gia vào bất kỳ cuộc xung đột quân sự lớn nào. Nhưng đây vẫn không phải là mức dự trữ mà chúng tôi muốn, do vậy sẽ cần bổ sung thêm”, nguồn tin của tờ WSJ giải thích.
Trước đó, một quan chức quân sự tại Lầu Năm Góc cũng nói với tờ WSJ rằng sau khi chuyển giao pháo M777, HIMARS và các chủng loại khác cho Ukraine, kho vũ khí được thiết kế để chống lại các mối đe dọa không lường trước của Mỹ đã giảm đáng kể.
Nhưng đây có lẽ không phải vấn đề quá lớn, nếu nhận được yêu cầu sản xuất theo mệnh lệnh thời chiến thì các tổ hợp công nghiệp quốc phòng có thể lấp đầy kho dự trữ chỉ trong một thời gian ngắn.
Điều này đã xảy ra với trường hợp tên lửa chống tăng Javelin, sau yêu cầu của Tổng thống Biden thì Bộ Quốc phòng Mỹ chẳng những tiếp nhận đủ số lượng cần thiết, mà còn dư để tiếp tục viện trợ Ukraine.
Bạch Dương