Tưởng nhớ một năm ngày mất tác giả Lê Duy Hạnh

Sáng 4-8, tại Nhà hát Sân khấu nhỏ 5B, Hội Sân khấu TPHCM và gia đình tác giả Lê Duy Hạnh trang trọng tổ chức Lễ tưởng nhớ một năm ngày mất tác giả Lê Duy Hạnh.

 Lễ tưởng nhớ một năm ngày mất tác giả Lê Duy Hạnh diễn ra trang trọng, ấm cúng tại Nhà hát kịch Sân khấu nhỏ 5B. Ảnh: THÚY BÌNH

Lễ tưởng nhớ một năm ngày mất tác giả Lê Duy Hạnh diễn ra trang trọng, ấm cúng tại Nhà hát kịch Sân khấu nhỏ 5B. Ảnh: THÚY BÌNH

Đến tham dự có Tiến sĩ Lê Hồng Liêm, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng, nguyên Giám đốc Sở Văn hóa Thông tin TPHCM (nay là Sở Văn hóa Thể thao TPHCM); Trần Thị Diệu Thúy, Phó Chủ tịch UBND TPHCM; KTS Nguyễn Trường Lưu, Chủ tịch Liên hiệp các Hội VHNT TPHCM; Tiến sĩ Hoàng Thị Hạnh - vợ của tác giả Lê Duy Hạnh và các con, cháu; cùng nhiều văn nghệ sĩ, bạn bè, đồng nghiệp... của tác giả.

 NSND Trần Ngọc Giàu chia sẻ những kỷ niệm và cảm xúc yêu thương dành cho người anh, tác giả Lê Duy Hạnh, tại buổi lễ. Ảnh: THÚY BÌNH

NSND Trần Ngọc Giàu chia sẻ những kỷ niệm và cảm xúc yêu thương dành cho người anh, tác giả Lê Duy Hạnh, tại buổi lễ. Ảnh: THÚY BÌNH

 NSND Trần Minh Ngọc nhớ lại một thời rực rỡ của sân khấu kịch thể nghiệm 5B và tấm lòng của nhà viết kịch Lê Duy Hạnh, đã tạo nhiều điều kiện, cơ hội cho các diễn viên, đạo diễn trẻ được làm nghề, phát huy tài năng. Ảnh: THÚY BÌNH

NSND Trần Minh Ngọc nhớ lại một thời rực rỡ của sân khấu kịch thể nghiệm 5B và tấm lòng của nhà viết kịch Lê Duy Hạnh, đã tạo nhiều điều kiện, cơ hội cho các diễn viên, đạo diễn trẻ được làm nghề, phát huy tài năng. Ảnh: THÚY BÌNH

Tại buổi lễ, NSND Trần Ngọc Giàu xúc động nhắc lại nhiều kỷ niệm về nhà biên kịch Lê Duy Hạnh: “Là tác giả có thế mạnh về tính hiện đại trong đề tài, anh còn có bút pháp, thi pháp sáng tác độc đáo, khác biệt, mở ra khuynh hướng đa không gian, đa thời gian trên sân khấu. Khi điều kiện sân khấu không có phương tiện khoa học, hiện đại hỗ trợ, thì cái đa không gian, đa thời gian trong tác phẩm của anh là một khuynh hướng sáng tác, sáng tạo rất độc đáo”.

 Tiến sĩ Hoàng Thị Hạnh, vợ tác giả Lê Duy Hạnh và các con, cháu cảm ơn tấm lòng và tình cảm của mọi người dành cho nhà viết kịch Lê Duy Hạnh. Ảnh: THÚY BÌNH

Tiến sĩ Hoàng Thị Hạnh, vợ tác giả Lê Duy Hạnh và các con, cháu cảm ơn tấm lòng và tình cảm của mọi người dành cho nhà viết kịch Lê Duy Hạnh. Ảnh: THÚY BÌNH

 Nghệ sĩ Hoàng Quốc Thanh và Lê Thanh Thảo biểu diễn bài ca "Nhớ ơn Thầy". Ảnh: THÚY BÌNH

Nghệ sĩ Hoàng Quốc Thanh và Lê Thanh Thảo biểu diễn bài ca "Nhớ ơn Thầy". Ảnh: THÚY BÌNH

Sinh thời, tác giả Lê Duy Hạnh là Chủ tịch Hội Sân khấu TPHCM 5 nhiệm kỳ. Ông luôn nhiệt huyết với nghề, là đầu tàu lèo lái con thuyền nghệ thuật sân khấu vượt qua nhiều sóng gió, để các hoạt động và phát triển sân khấu tại thành phố luôn sôi động, đa sắc màu và đạt được nhiều thành tựu nổi bật.

Trong đó có sàn diễn nghệ thuật sân khấu kịch thử nghiệm 5B, địa chỉ đỏ của nghệ thuật kịch nói, tạo dấu son về một sân khấu kịch trẻ trung, mới lạ, nhiều phá cách, hấp dẫn với khán giả nhiều lứa tuổi. Nơi đây cũng đã trui rèn, tạo nên tên tuổi cho bao lớp diễn viên, nghệ sĩ, đạo diễn tài năng của lĩnh vực sân khấu.

NSƯT Vũ Luân và NSƯT Tâm Tâm biểu diễn bài ca "Hương trầm quyện chữ", một sáng tác của tác giả Lê Hoàng Long, con trai nhà viết kịch Lê Duy Hạnh. Clip: THÚY BÌNH

NSƯT Thanh Thanh Tâm gửi bao thương nhớ dành cho nhà viết kịch Lê Duy Hạnh qua bài ca "Tâm sự Ngọc Hân", một tác phẩm nổi tiếng của tác giả. Clip: THÚY BÌNH

Lê Duy Hạnh là một tác giả viết kịch tài năng, đức độ, tâm huyết, đóng góp không ngừng nghỉ cho hoạt động sân khấu hai miền Nam, Bắc, bằng các kịch bản cho nhiều loại hình biểu diễn như cải lương, chèo, hát bội, dân ca, bài chòi…

Trong rất nhiều tác phẩm sân khấu nổi bật, để đời, được nhiều đơn vị nghệ thuật chọn đầu tư dàn dựng và biểu diễn suốt mấy chục năm qua có thể kể đến: Tâm sự Ngọc Hân, Vua thánh triều Lê, Hoàng hậu hai vua, Lý Chiêu Hoàng, Dời đô, Hồn thơ ngọc, Sáng mãi niềm tin, Hoa độc trong vườn, Người cáo, Diễn kịch một mình, Trời Nam, Nỏ thần, Hồn tuồng…

Tại lễ tưởng nhớ, NSND Nguyễn Thị Thanh Thúy xúc động: “Tư tưởng của một con người để lại trong cuộc đời chính là văn hóa sống, phong cách, những giá trị. Với tư tưởng và phong cách của chú Lê Duy Hạnh, thì văn hóa sống chính là những giá trị chân thật, rất thiện, rất mỹ”.

 Hai quyển sách của nhà viết kịch Lê Duy Hạnh giới thiệu đến bạn đọc 18 tác phẩm kịch bản sân khấu. Ảnh: THÚY BÌNH

Hai quyển sách của nhà viết kịch Lê Duy Hạnh giới thiệu đến bạn đọc 18 tác phẩm kịch bản sân khấu. Ảnh: THÚY BÌNH

Dịp này, có hai quyển sách Lê Duy Hạnh - Tuyển tập kịch bản cải lương do NXB Sân khấu phát hành và Lê Duy Hạnh - Miền nhớ - Tuyển tập tác phẩm do NXB Hội Nhà văn phát hành, giới thiệu đến bạn đọc 18 tác phẩm kịch bản nổi tiếng của nhà viết kịch Lê Duy Hạnh.

Sách được gia đình các ê kíp trân trọng thực hiện với mong mỏi có thể lan tỏa rộng rãi hơn những tác phẩm kịch bản sân khấu mà tác giả Lê Duy Hạnh đã viết và để lại cho đời. Đó cũng là món quà ý nghĩa, giá trị để trao tặng đến những người làm sân khấu và bạn đọc quan tâm, muốn tìm hiểu các kịch bản sân khấu.

THÚY BÌNH

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/tuong-nho-mot-nam-ngay-mat-tac-gia-le-duy-hanh-post752534.html