Tưởng niệm 62 năm ngày hy sinh nữ Anh hùng Phan Thị Ràng
Sáng 9/1, tại Di tích Lịch sử và Thắng cảnh Quốc gia Ba Hòn, huyện Hòn Đất, tỉnh Kiên Giang diễn ra lễ dâng hương tưởng niệm 62 năm ngày hy sinh của Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Phan Thị Ràng (còn gọi là chị Sứ, 9/1/1962-9/1/2024).
Chị Phan Thị Ràng (bí danh Tư Phùng), sinh năm 1937, tại xã Lương Phi, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang, lớn lên trong một gia đình giàu truyền thống cách mạng. Tiếp nối truyền thống của gia đình, chị theo cách mạng khi tuổi đời còn rất trẻ, năm 13 tuổi. Chị bắt đầu tham gia Đội Thiếu niên cứu quốc, được giao các nhiệm vụ trinh sát, phụ trách thanh vận, giao liên…
Đến năm 1960, tổ chức phân công chị về xã Thổ Sơn, huyện Hòn Đất xây dựng căn cứ, vận động quần chúng tham gia chống giặc và chiến đấu. Cuối tháng 12/1961, địch mở đợt tấn công với quy mô lớn hòng tiêu diệt các cơ quan đầu não của ta đóng tại khu vực Ba Hòn, xã Thổ Sơn.
Lúc này, chị Phan Thị Ràng vừa là liên lạc giữa các đơn vị trong khu căn cứ, vừa tổ chức vận động nhân dân đấu tranh chính trị, binh vận, phối hợp các hoạt động quân sự làm cho địch phải giảm dần các đợt tấn công, càn quét.
Đêm ngày 8, rạng sáng 9/1/1962, trên đường từ Hòn Me về Hòn Đất, xã Thổ Sơn để tiếp cận với đồng đội chiến đấu, chị bị địch phục kích bắt giữ. Chúng dùng nhiều thủ đoạn nhưng vẫn không khuất phục được chị. Chị vẫn nhanh trí báo cho đồng đội kịp thời rút lui; tranh thủ tuyên truyền, vận động quần chúng đấu tranh, vạch trần âm mưu thâm độc của giặc.
Biết không thể nào lung lay được tinh thần, ý chí của người cách mạng, bọn giặc đưa chị đến chân núi Hòn Đất hành quyết và chị đã hy sinh anh dũng lúc 13 giờ ngày 9/1/1962, khi vừa bước sang tuổi 25. Trước lúc bị giặc hành quyết, chị hướng về hang Hòn và hô to: “Các đồng chí có khỏe không, đừng uống nước suối, chúng nó bỏ thuốc độc. Đả đảo lũ bán nước, làm tay sai cho giặc”.
Phát biểu tại lễ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Hòn Đất Dương Minh Tâm cho biết, hằng năm vào ngày 9/1, chính quyền và nhân dân huyện Hòn Đất long trọng tổ chức Lễ hội kỷ niệm ngày hy sinh của Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Phan Thị Ràng để bày tỏ sự ngưỡng mộ và tri ân vị nữ anh hùng của quê hương. Bên cạnh đó, còn là dịp để tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh trên địa bàn huyện.
Qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, cứu nước, huyện Hòn Đất được Đảng, Nhà nước tuyên dương và phong, truy tặng 5 Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, 148 Mẹ Việt Nam Anh hùng, hàng ngàn huân, huy chương các loại đã được tặng cho cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trong huyện. Ngoài ra, toàn huyện có hơn 1.000 liệt sĩ, 500 thương binh, bệnh binh, hàng trăm tù chính trị bị bắt bớ, tù đày và hàng ngàn gia đình có công giúp đỡ cách mạng.
Phát huy truyền thống vẻ vang của các thế hệ đi trước, từ sau ngày miền nam hoàn toàn giải phóng, Đảng bộ, quân và dân Hòn Đất đã bắt tay vào khôi phục hậu quả do chiến tranh để lại; đẩy mạnh phát triển kinh tế-xã hội, xóa đói, giảm nghèo, nâng cao đời sống nhân dân; quốc phòng-an ninh được tăng cường và giữ vững ổn định.
Điển hình, sản lượng lúa của huyện 3 năm liền đạt trên 1 triệu tấn/năm, chiếm gần 1/4 tổng sản lượng lương thực của cả tỉnh; thu nhập bình quân trên 60 triệu/người/năm; gia đình chính sách, người có công với cách mạng được quan tâm chăm lo tốt hơn; đời sống nhân dân nâng lên rõ rệt, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 1,8%; kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội được quan tâm đầu tư ngày càng khang trang, sạch đẹp, có 9/12 xã đạt chuẩn nông thôn mới, diện mạo nông thôn ngày càng khởi sắc.
Tại buổi lễ, sau phần lễ dâng hoa ghi dòng chữ “Đời đời nhớ ơn các anh hùng liệt sĩ” và “Tưởng niệm 62 năm ngày hy sinh Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Phan Thị Ràng”, lần lượt các đơn vị, các tổ chức chính trị, xã hội trong và ngoài tỉnh Kiên Giang dâng lễ vật. Tiếp đến, các đại biểu và đông đảo nhân dân đã tiến hành dâng hương và tưởng niệm Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Phan Thị Ràng.
Bên cạnh lễ dâng hương, trong 3 ngày lễ hội kỷ niệm 62 năm ngày hy sinh của Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Phan Thị Ràng, tại huyện Hòn Đất đã diễn ra phần hội với nhiều hoạt động như: Giải bóng chuyền cúp luân lưu tỉnh; giải việt dã leo núi chinh phục đỉnh Hòn Me; trưng bày, giới thiệu, quảng bá du lịch, giới thiệu sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu trên địa bàn tỉnh; triển lãm “Hòn Đất-Vùng đất di sản văn hóa và điểm đến lịch sử”; trưng bày, giới thiệu sách; gian hàng trưng bày bánh dân gian; tiệc buffet phục vụ miễn phí cho người dân địa phương,…
Theo Ban tổ chức, lễ hội thu hút khoảng 5.000 người đến tham quan, chiêm bái.