Tưởng niệm 650 năm ngày mất danh nhân Chu Văn An
Sáng 8.1 (tức 26.11 năm Canh Tý), TP Chí Linh tổ chức Lễ dâng hương tưởng niệm 650 năm ngày mất của danh nhân Chu Văn An tại đền thờ Chu Văn An ở núi Phượng Hoàng, phường Văn An (TP Chí Linh).
Các đồng chí Phạm Xuân Thăng, Bí thư Tỉnh ủy; Lê Văn Hiệu, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy tới dự.
Cùng dự có các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực HĐND, lãnh đạo UBND tỉnh; đại diện các sở, ban, ngành, đoàn thể của tỉnh, Giáo hội Phật giáo tỉnh; lãnh đạo TP Chí Linh; đại biểu huyện Thanh Trì-quê hương danh nhân Chu Văn An cùng đông đảo nhân dân và du khách.
Lễ kỷ niệm được mở đầu bằng tiết mục văn nghệ và hoạt cảnh chèo “Phượng Hoàng Sơn”, ca ngợi thân thế, sự nghiệp danh nhân Chu Văn An do các nghệ sĩ Nhà hát Chèo Hải Dương thể hiện.
Đồng chí Hoàng Quốc Thưởng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Thành ủy Chí Linh đọc diễn văn tưởng niệm danh nhân Chu Văn An.
Ôn lại thân thế sự nghiệp của danh nhân Chu Văn An, diễn văn nêu rõ: Kỷ niệm 650 năm ngày mất của danh nhân là dịp để cán bộ, nhân dân TP Chí Linh; cán bộ, nhân dân tỉnh Hải Dương và nhân dân cả nước, nhất là thế hệ trẻ được bày tỏ tấm lòng tri ân, thành kính ngưỡng mộ người thầy tiêu biểu của Việt Nam. Là dịp để chúng ta tiếp tục khẳng định những giá trị tinh thần to lớn của danh nhân Chu Văn An để lại cho đời sau.
Nhân dịp này, thay mặt Thành ủy, HĐND, UBND, UBMTQ TP Chí Linh, đồng chí Bí thư Thành ủy kêu gọi toàn thể cán bộ và nhân dân thành phố; giáo giới, học sinh - sinh viên Chí Linh; giáo giới, học sinh - sinh viên Hải Dương nêu cao lòng ngưỡng mộ, tôn vinh thầy bằng những hành động đẹp trong lao động và học tập, góp phần đưa khát vọng, bản lĩnh và trí tuệ người Chí Linh, người tỉnh Đông tỏa sáng.
Sau diễn văn tưởng niệm là văn tế danh nhân Chu Văn An.
Kết thúc buổi lễ, các đồng chí lãnh đạo tỉnh, cán bộ, nhân dân địa phương và du khách dâng hương tưởng niệm danh nhân Chu Văn An.
Danh nhân Chu Văn An sinh năm 1292 tại làng Quang Liệt, huyện Thanh Đàm (nay là Thanh Liệt, Thanh Trì, Hà Nội). Ông đã dành cả cuộc đời cho sự nghiệp giáo dục ở ba không gian: Thanh Trì, Thăng Long và Chí Linh (Hải Dương).
Thời vua Trần Minh Tông, Chu Văn An được mời ra làm Tư nghiệp Quốc Tử Giám, dạy dỗ các thái tử và phò vua giúp nước. Nhưng tới thời vua Trần Dụ Tông, triều đình rối ren, vua quan ăn chơi sa đọa, không quan tâm đến việc triều chính. Sau nhiều lần khuyên can không được, Chu Văn An đã dâng “Thất trảm sớ”, xin chém đầu 7 tên nịnh thần để mong giữ yên triều chính.
Người dân về đền thờ thầy Chu Văn An
Việc khuyên vua không thành, ông xin từ quan về ở ẩn tại núi Phượng Hoàng. Tiếng ở ẩn nhưng tài năng đức độ của ông mau chóng lan truyền, chỉ ít lâu sau khắp vùng đồn đại tên tuổi thầy Chu, nhiều học trò lại vượt núi tìm thầy. Tại đây, ông vừa dạy học, làm thơ, viết sách, tìm thuốc chữa bệnh cho dân lành.
Năm 1370, ông mất tại núi Phượng Hoàng. Khi ông qua đời, đền thờ ông được lập ngay trên nhà ở ẩn có tên Phượng Sơn linh từ, nay là đền thờ Chu Văn An.
Tháng 11.2019, tại Kỳ họp lần thứ 40, Đại hội đồng các quốc gia thành viên UNESCO đã vinh danh danh nhân Chu Văn An và ra nghị quyết cùng Việt Nam tiến hành các hoạt động kỷ niệm 650 năm ngày mất của ông.
Như vậy, cùng với Anh hùng dân tộc Nguyễn Trãi, Đại thi hào Nguyễn Du, Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhà giáo Chu Văn An là người Việt Nam thứ tư được UNESCO vinh danh.