Tưởng niệm đồng bào, chiến sĩ hy sinh tại Rạch Già

Sự hy sinh anh dũng của hơn 200 đồng bào, chiến sĩ là điểm son sáng ngời về tinh thần yêu nước, ý chí bất khuất, kiên cường, chủ nghĩa anh hùng cách mạng của dân tộc Việt Nam, là tấm gương sáng cho các thế hệ mai sau học tập noi theo.

Ngày 15-5, tại Khu Di tích lịch sử Rạch Già (xã Hưng Long, huyện Bình Chánh, TPHCM), UBND huyện Bình Chánh đã tổ chức Lễ Giỗ đồng bào, chiến sĩ hy sinh tại Rạch Già lần thứ 75 (1948-2023).

Đến dự có các đồng chí: Đại tá Nguyễn Công Anh, Phó Chủ nhiệm Chính trị Quân khu 7; Đại tá Nguyễn Tuấn Bảo, Phó Chính ủy Bộ Tư lệnh TPHCM; Trần Văn Nam, Bí thư Huyện ủy huyện Bình Chánh.

Đoàn đại biểu thành kính dâng hoa, dâng hương tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh, Mẹ Việt Nam anh hùng, Anh hùng liệt sĩ, đồng bào và chiến sĩ tại Đền tưởng niệm thuộc Khu Di tích lịch sử Rạch Già. Ảnh: VĂN MINH

Đoàn đại biểu thành kính dâng hoa, dâng hương tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh, Mẹ Việt Nam anh hùng, Anh hùng liệt sĩ, đồng bào và chiến sĩ tại Đền tưởng niệm thuộc Khu Di tích lịch sử Rạch Già. Ảnh: VĂN MINH

Cách đây tròn 75 năm, vào sáng ngày 26-3 (Âm lịch), thực dân Pháp mở trận càn quy mô lớn vào Rạch Già. Đây là nơi “căn cứ lõm” của vùng liên xã Hưng Long, An Phú Tây, Tân Quý Tây và Qui Đức, cũng là nơi đứng chân cho cách mạng Quân khu và một phần quan trọng của tuyến đường thủy liên thông từ Căn cứ Rừng Sác đến Căn cứ Vườn Thơm.

Trong trận càn này, thực dân Pháp đã huy động 2 tiểu đoàn bộ binh và các trung đội lính ở các bót: Bình Chánh, Bình Điền, Cần Giuộc, Qui Đức, Long Thượng mở ba mũi tấn công, bao vây, bất ngờ nổ súng xối xả vào “căn cứ lõm” Rạch Già.

Không nao núng trước sự tấn công của giặc, Dân quân Hộ 17 (quận 8), Quân nhu Quân khu 7, Ban công tác Thành, Đoàn thể - Mặt trận huyện Cần Giuộc và lực lượng du kích địa phương vẫn đoàn kết, quyết liệt phản công. Với lực lượng áp đảo, giặc Pháp và tay sai sát hại hơn 200 cán bộ, chiến sĩ, đồng bào.

Cuộc phản công tuy thất bại, nhưng tinh thần đoàn kết, ý chí kiên cường và sự hy sinh quả cảm của cán bộ, chiến sĩ, đồng bào tại Rạch Già là tấm gương cao cả về sự hy sinh và tinh thần bất khuất chống giặc xâm lược.

Phát biểu tại buổi lễ, Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Chánh Phan Thị Cẩm Nhung bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đối với đồng bào, đồng chí đã anh dũng hy sinh, cống hiến máu xương vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, độc lập, tự do, thống nhất Tổ quốc, trong đó có đồng bào, chiến sĩ xã Hưng Long anh hùng.

Sự hy sinh anh dũng của hơn 200 đồng bào, chiến sĩ là điểm son sáng ngời về tinh thần yêu nước, ý chí bất khuất, kiên cường, chủ nghĩa anh hùng cách mạng của dân tộc Việt Nam, là tấm gương sáng cho các thế hệ mai sau học tập noi theo.

Đoàn đại biểu về dự lễ giỗ. Ảnh: VĂN MINH

Đoàn đại biểu về dự lễ giỗ. Ảnh: VĂN MINH

Chiến tranh đã lùi xa, cuộc sống mới đã hồi sinh, càng vinh dự, tự hào về giá trị lịch sử của Khu Di tích lịch sử Rạch Già, thế hệ hôm nay càng phải nêu cao trách nhiệm, phát huy giá trị di tích lịch sử, giá trị văn hóa nhằm góp phần giáo dục truyền thống yêu nước cách mạng cho các thế hệ hôm nay và mai sau.

Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Chánh nhấn mạnh, với ý nghĩa đó, thời gian qua, huyện thường xuyên quan tâm chăm lo, làm tốt công tác “đền ơn đáp nghĩa”, thực hiện chính sách đối với người có công. Cùng với đó, đầu tư tôn tạo, xây dựng phát huy giá trị các di tích lịch sử cách mạng, là những “địa chỉ đỏ” góp phần giáo dục lý tưởng, giáo dục truyền thống đoàn kết, truyền thống anh hùng, bất khuất của quân và dân ta.

Bí thư Huyện ủy huyện Bình Chánh Trần Văn Nam và Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Bình Chánh Trần Văn Lũy trao quà cho gia đình chính sách khó khăn. Ảnh: VĂN MINH

Bí thư Huyện ủy huyện Bình Chánh Trần Văn Nam và Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Bình Chánh Trần Văn Lũy trao quà cho gia đình chính sách khó khăn. Ảnh: VĂN MINH

Trên mảnh đất bom cày đạn xới năm xưa, xã Hưng Long giờ đây ngày một đổi mới, khởi sắc, chuyển mình phát triển mạnh mẽ, vững bước đi lên. Đây chính là sự tri ân có ý nghĩa thiết thực nhất đối với công ơn to lớn của các thế hệ cha anh.

Thay mặt thế hệ trẻ xã Hưng Long, Bí thư Đoàn xã Hưng Long Thái Quốc Cường hứa sẽ cùng tuổi trẻ Hưng Long quyết tâm ra sức thực hiện các công trình, phần việc, phong trào thiết thực, ý nghĩa gắn với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.

Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Bình Chánh Huỳnh Văn Phạm Hồng và Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Chánh Phan Thị Cẩm Nhung trao quà cho gia đình chính sách khó khăn. Ảnh: VĂN MINH

Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Bình Chánh Huỳnh Văn Phạm Hồng và Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Chánh Phan Thị Cẩm Nhung trao quà cho gia đình chính sách khó khăn. Ảnh: VĂN MINH

Dịp này, huyện Bình Chánh trao 30 phần quà đến các gia đình chính sách khó khăn của xã Hưng Long.

Năm 2002, Khu Di tích lịch sử Rạch Già được xây dựng để tri ân, tưởng niệm cán bộ, chiến sĩ, đồng bào đã hy sinh. Di tích lịch sử Rạch Già đã được UBND TPHCM xếp hạng Di tích lịch sử cấp Thành phố vào năm 2008.

Từ khi xây dựng đến nay, Khu Di tích lịch sử Rạch Già đã 2 lần được sửa chữa, trùng tu vào các năm 2017, 2022. Khu di tích ngày càng khang trang, đã trở thành địa chỉ đỏ thiêng liêng, góp phần giáo dục truyền thống cách mạng cho nhân dân, nhất là thế hệ trẻ huyện Bình Chánh nói riêng, TPHCM nói chung.

VĂN MINH

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/tuong-niem-dong-bao-chien-si-hy-sinh-tai-rach-gia-post689755.html