Tưởng niệm Hòa thượng Thích Huệ Sanh ở ngôi tổ đình gần 300 năm tuổi của Gia Định - TP.HCM

Sáng nay, 16-6, môn đồ pháp quyến trang nghiêm tổ chức tưởng niệm 26 năm ngày Hòa thượng Thích Huệ Sanh, nguyên Phó ban Trị sự GHPGVN TP.HCM, Chứng minh Ban Trị sự Phật giáo Q.Tân Bình, viện chủ tổ đình Giác Lâm (Q.Tân Bình, TP.HCM) viên tịch.

Chư tôn đức dâng hương tưởng niệm

Chư tôn đức dâng hương tưởng niệm

Chứng minh, tham dự buổi lễ có Trưởng lão Hòa thượng Thích Như Tín, Ủy viên Thường trực Hội đồng Chứng minh; Trưởng lão Hòa thượng Thích Tịnh Hạnh, Thành viên Hội đồng Chứng minh; chư tôn đức Ban Chứng minh, Ban Trị sự GHPGVN TP.HCM, Q.Tân Bình; Tăng Ni các tự viện trên địa bàn TP; môn đồ pháp quyến; Phật tử các nơi.

Trước hương án, chư tôn đức dâng hương tưởng niệm cố Hòa thượng Thích Huệ Sanh, tri ân vị giáo phẩm đã cống hiến cả cuộc đời cho đạo pháp, dân tộc, cho sự phát triển của Phật giáo TP.HCM, Q.Tân Bình và tổ đình Giác Lâm.

Tăng Ni trên địa bàn TP.HCM về tham dự tưởng niệm

Tăng Ni trên địa bàn TP.HCM về tham dự tưởng niệm

Hòa thượng Thích Huệ Sanh, húy Lệ Sành, sinh ngày 16-4-Ất Hợi (1935), tại xã Tân Sơn Nhì, Q.Tân Bình, tỉnh Gia Định xưa. Ngài xuất gia tu học năm 7 tuổi (1942) và là đệ tử của cố Hòa thượng Thích Thiện Thuận.

Năm 1950, Hòa thượng thọ giới Sa-di tại trường kỳ chùa Long An. Năm 21 tuổi, ngài thọ giới Tỳ-kheo tại Đại giới đàn chùa Đức Nguyện (Đức Hòa, tỉnh Long An). Năm 1974, Hòa thượng được giao trọng trách trụ trì tổ đình Giác Lâm theo di chúc của Bổn sư là Hòa thượng Thích Thiện Thuận.

Nghi thức cung tiến Giác linh

Nghi thức cung tiến Giác linh

Năm 1978, Hòa thượng cầu pháp với Hòa thượng Thích Bửu Ý, tổ đình Long Thạnh và được ban pháp hiệu là Thiên Như, húy Nhựt Sanh. Năm 1980, Hòa thượng được cung thỉnh làm Yết ma A-xà-lê tại Giới đàn chùa Bửu Phong (Biên Hòa).

Năm 1981, Hòa thượng tham gia Hội nghị đại biểu thành lập GHPGVN tại Thủ đô Hà Nội với tư cách đại biểu, sau đó được Thành hội Phật giáo TP.HCM cử giữ chức vụ Phó ban Trị sự nhiệm kỳ đầu tiên (1982). Năm 1990, Hòa thượng cùng với Phật giáo Q.Tân Bình thành lập lớp giáo lý cơ bản và khóa tu Bát Quan trai.

Môn đồ pháp quyến

Môn đồ pháp quyến

Năm 1992, Hòa thượng đứng ra trùng tu tổ đình Giác Lâm trong vòng 6 năm, kiến tạo bảo tháp Ngũ gia Tông phái trong khuôn viên chùa. Đây được xem là một trong những lần trùng tu có quy mô lớn sau các giai đoạn 1798-1804 dưới thời Thiền sư Viên Quang trụ trì và 1908-1909 do các Thiền sư Như Lợi, Thiền sư Như Phòng - Hoằng Nghĩa và Thiền sư Hồng Hưng - Thạnh Đạo chủ trương.

Bảo tháp Hòa thượng Thích Huệ Sanh trong khuôn viên tổ đình Giác Lâm

Bảo tháp Hòa thượng Thích Huệ Sanh trong khuôn viên tổ đình Giác Lâm

Năm 1997, Hòa thượng được cung thỉnh vào Ban Chứng minh Phật giáo quận.

Hòa thượng viên tịch vào ngày 11-5-Mậu Dần (1998), tại tổ đình Giác Lâm, trụ thế 64 năm, 44 hạ lạp.

Thượng tọa Thích Từ Trí dâng lời cảm niệm

Thượng tọa Thích Từ Trí dâng lời cảm niệm

Đại diện môn đồ pháp quyến, Thượng tọa Thích Từ Trí, Phó Thường trực Ban Trị sự Phật giáo Q.Tân Bình, Phó trụ trì tổ đình Giác Lâm phát biểu tri ân chư tôn đức lãnh đạo Ban Trị sự Phật giáo TP.HCM, Q.Tân Bình và Tăng Ni, Phật tử tham dự lễ tưởng niệm.

Tổ đình Giác Lâm

Tổ đình Giác Lâm

Tổ đình Giác Lâm được xây dựng vào năm 1744 do cư sĩ người Minh Hương - Lý Thụy Long phát tâm, sau đó thỉnh ngài Linh Nhạc - Phật Ý, trụ trì chùa Sắc tứ Từ Ân về trụ trì.

Tổ đình Giác Lâm trải qua 11 đời trụ trì, từ ngài Linh Nhạc - Phật Ý, Tổ Tông - Viên Quang, Tiên Giác - Hải Tịnh... đều là những bậc cao Tăng có nhiều đóng góp cho sự nghiệp hiển hưng Đạo pháp.

Chùa được xếp hạng là Di tích Lịch sử - Văn hóa Quốc gia năm 1988. Nơi đây hiện có 117 tượng thờ; 97 hiện vật khác có niên đại đầu thế kỷ XVIII-XX cùng 87 hiện vật là liễn đối, hoành phi, bài vị và các pháp khí khác.

Tổ đình Giác Lâm cũng là trụ sở của Ban Trị sự GHPGVN Q.Tân Bình và nơi đặt Lớp Sơ cấp Phật học của quận.

Quảng Đạo/Báo Giác Ngộ

Nguồn Giác ngộ: https://giacngo.vn/tuong-niem-hoa-thuong-thich-hue-sanh-o-ngoi-to-dinh-gan-300-nam-tuoi-cua-gia-dinh-tphcm-post72026.html