Tướng quân Đỗ Gạo: Người con ưu tú của đất cổ Băng Sơn
Về xã Hoằng Sơn (Hoằng Hóa) ghé thăm di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh nhà thờ Đỗ Văn Gạo (Đỗ Gạo) du khách có dịp hiểu hơn về vị tướng tài có công trong sự nghiệp trung hưng nhà Lê, đồng thời được chiêm ngắm nhiều hiện vật quý có tuổi đời hàng trăm năm đang được lưu giữ tại di tích.
Theo sử liệu và gia phả dòng họ Đỗ cùng nội dung các sắc phong còn lưu giữ, tướng quân Đỗ Gạo sống ở thời kỳ đất nước diễn ra cuộc xung đột giữa triều đình Lê - Trịnh với nhà Mạc. Lúc bấy giờ, với khẩu hiệu “phù Lê” họ Trịnh đã thu hút được rất đông các tầng lớp Nhân dân tham gia vào quân đội của triều đình Lê - Trịnh. Với tài năng võ nghệ xuất chúng, Đỗ Gạo là một trong những người đầu tiên của vùng đất cổ Băng Sơn tham gia vào quân đội triều đình. Buổi đầu, ông được xung vào đội quân Thiết kỵ.
Về sau, trên con đường binh nghiệp, tướng quân Đỗ Gạo được triều đình Lê - Trịnh tin tưởng giao giữ đến chức Thống lĩnh tiền kỵ phủ quân (được hiểu là chức thống lĩnh đội quân tiên phong về kỵ binh ở phủ quân dưới triều Lê). Theo sử liệu, đây là một chức quan lớn.
Sau khi rời con đường binh nghiệp trở về quê nhà, tướng quân Đỗ Gạo được vua Lê chúa Trịnh yêu quý ban cho nhiều ruộng đất. Theo lưu truyền dân gian, dù làm quan lớn trong triều đình nhưng khi về quê nhà, tướng quân Đỗ Gạo thường dùng bổng lộc triều đình ban thưởng giúp đỡ dân nghèo. Vì vậy mà ông được người dân hết sức quý mến. Sau khi mất, ông đã được các triều đại phong kiến ban sắc phong và người dân suy tôn ông là phúc thần, lập đền thờ cúng nghiêm cẩn.
Theo các cụ cao niên trong làng kể lại, đền thờ tướng quân Đỗ Gạo được lập dựng sau khi ông qua đời. Khi xưa, đền thờ được dựng bằng gỗ, kiến trúc theo kiểu chữ “Đinh”, quy mô bề thế với 3 gian tiền đường rộng rãi, phía trong là hậu cung; phía ngoài là nghi môn…
Trải qua thời gian hàng trăm năm cùng nhiều tác động khiến di tích không còn giữ được kiến trúc cổ xưa. Song, tại di tích hiện nay vẫn còn lưu giữ được nhiều hiện vật quý giá như: Mũ quan đội đầu, hia (giày) của vị tướng quân; cùng với đó là khám thờ, mâm bòng (bồng)… có tuổi đời hàng trăm năm.
Ông Đỗ Văn Chiêng - hậu duệ đời thứ 17 của tướng quân Đỗ Gạo cho biết: “Là con cháu của cụ (tức tướng quân Đỗ Gạo) chúng tôi rất tự hào khi được nghe kể về tài đức, công trạng của tiền nhân. Với niềm kính ngưỡng, cũng là sự tri ân với tổ tiên, năm 2010 con cháu trong dòng họ đã cùng nhau đóng góp kinh phí tôn tạo lại nơi thờ cụ được khang trang. Ngày nay, những hiện vật quý liên quan đến tiền nhân được con cháu dòng họ trân quý và giữ gìn như báu vật”.