Tương quan lực lượng Ấn Độ-Trung Quốc-Pakistan
Trong nhiều năm qua, quân đội Ấn Độ đã nói về nguy cơ xảy ra một cuộc chiến tranh trên hai mặt trận để tập trung thúc đẩy quốc phòng, và giờ điều đó hoàn toàn có thể xảy ra. Ấn Độ đang đứng trước nguy cơ bị mắc vào thế 'gọng kìm' Pakistan-Trung Quốc khi xung đột bùng phát ở cả hai khu vực biên giới.
Tàu sân bay INS Vikramaditya của Ấn Độ. (Nguồn: AFP)
Kể từ khi giành được độc lập từ Anh vào năm 1947, Ấn Độ đã trải qua bốn cuộc chiến tranh với Trung Quốc và Pakistan nhưng New Dehli chưa từng rơi vào tình huống phải bảo vệ cả hai biên giới cùng một lúc.
Thế khó của Ấn Độ
Ngày 15/6, tại thung lũng Galwan thuộc vùng Ladakh đã xảy ra cuộc đụng độ giữa quân đội Ấn Độ và Trung Quốc, khiến 20 binh sĩ Ấn Độ thiệt mạng. Cuộc đụng độ này khiến quan hệ Ấn-Trung rơi vào căng thẳng trong bối cảnh xung đột Mỹ-Trung gia tăng.
Thế nhưng, giới chức Ấn Độ ngày càng lo ngại về việc Bắc Kinh và Islamabad có thể bắt tay nhau để chống lại New Dehli vào thời điểm chính phủ của Thủ tướng Narendra Modi đang phải gồng mình đối phó dịch bệnh Covid-19 khi số ca mắc liên tiếp gia tăng. Tướng Manoj Mukund Naravane, Tham mưu trưởng lục quân Ấn Độ hồi tháng 5/2020 cho biết, Trung Quốc và Pakistan có thể liên thủ chống lại Ấn Độ và điều đó sẽ dẫn đến một cuộc chiến tranh trên hai mặt trận.
Về phần mình, quân đội Pakistan bác bỏ cáo buộc của truyền thông Ấn Độ rằng họ đã triển khai thêm lực lượng tại Kashmir trong bối cảnh căng thẳng Ấn - Trung hay cho phép Bắc Kinh sử dụng căn cứ không quân quan trọng trong khu vực.
Căng thẳng giữa Ấn Độ và Pakistan gia tăng từ tháng 8/2019, sau khi New Delhi tước vị thế đặc biệt vùng tự trị hành chính của Jammu và Kashmir. Kể từ đó, ranh giới kiểm soát (LoC) dài 742km giữa Ấn Độ và Pakistan tiếp tục vang tiếng súng.
Bộ Ngoại giao Pakistan hôm 1/7 cáo buộc Ấn Độ vi phạm lệnh ngừng bắn hơn 1.500 lần, gây nhiều thương vong cho người dân Pakistan sống ở phía bên kia biên giới Kashmir trong năm nay. Còn Ấn Độ cáo buộc phía Pakistan sử dụng súng cối hạng nặng và các vũ khí khác tấn công vào vị trí của binh sỹ nước này.
Dưới đây là những so sánh về sức mạnh của quân đội Ấn Độ, Pakistan và Trung Quốc.
Xếp hạng chung
Trong ba quốc gia này, Trung Quốc được đánh giá là có sức mạnh quân sự mạnh nhất, đứng thứ ba thế giới (sau Nga và Mỹ), với chỉ số sức mạnh 0,0691, theo bảng xếp hạng của Global Firepower. Tiếp theo đó là Ấn Độ, với chỉ số sức mạnh 0,0953 và đứng sau cùng là Pakistan, với chỉ số sức mạnh 0,2364, đứng thứ 15 thế giới.
Về ngân sách quốc phòng, Trung Quốc hiện đang là quốc gia có ngân sách lớn thứ hai thế giới với 237 tỷ USD còn Ấn Độ là 61 tỷ USD, Pakistan phải chịu lép vế với 11,4 tỷ USD. Đây cũng là điều hợp lý khi GDP của Trung Quốc năm 2019 là 14.360 nghìn tỷ USD, của Ấn Độ là 2.940 tỷ USD còn của Pakistan chỉ là 314,6 tỷ USD.
Vũ khí hạt nhân
Cả ba quốc gia đều là những cường quốc hạt nhân. Trung Quốc trở thành cường quốc hạt nhân vào năm 1964, trong khi Ấn Độ vào năm 1974. Số liệu do Viện nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm (SIRPI) công bố tháng Sáu ước tính, Trung Quốc đang có trong tay gần 320 đầu đạn hạt nhân, nhiều hơn gấp đôi Ấn Độ với 150 đầu đạn hạt nhân. Cả hai cường quốc đều gia tăng kho vũ khí nguyên tử của họ trong năm qua, với Bắc Kinh thêm 40 đầu đạn và New Delhi thêm 10 đầu đạn, theo SIRPI.
Tuy lép vế, Pakistan cũng sở hữu khoảng 110-130 quả bom hạt nhân. Năm 2015, Quỹ Carnegie vì Hòa bình Quốc tế và Trung tâm Stimson đã ước tính khả năng chế tạo bom của Pakistan khoảng 20 thiết bị mỗi năm, ngoài số dự trữ đã có - nghĩa là Pakistan có thể nhanh chóng trở thành cường quốc hạt nhân lớn thứ ba trên thế giới.
Chính vì lượng đầu đạn hạt nhân khổng lồ, dư luận hoàn toàn có lý do để lo ngại hậu quả nặng nề cho cả khu vực nếu một cuộc chiến tranh toàn diện xảy ra.
Tên lửa đạn đạo Shaheen-2 trong lễ diễu hành chào mừng Ngày Pakistan tháng 3/2019. (Nguồn: Getty)
Không quân
Theo thống kê của Global Firepower, quân đội Trung Quốc có tổng cộng 3.210 máy bay thuộc biên chế, trong đó có 1.232 máy bay chiến đấu, 224 máy bay vận tải, 911 trực thăng với 281 trực thăng chiến đấu. Con số này của Ấn Độ là 2.123 máy bay và của Pakistan là 1.372. Ngoài ra, Pakistan đang vận hành 425 máy bay chiến đấu có xuất xứ từ Pháp, Mỹ, Trung Quốc còn Ấn Độ có 800 máy bay sẵn sàng chiến đấu, nhưng chiếm tỉ trọng lớn vẫn là các loại từ thời Liên Xô như MiG-21 và MiG-27.
Theo nghiên cứu của trung tâm Belfer thuộc Trường Quản lý Harvard Kennedy ở Boston và Trung tâm An ninh Mỹ mới (CNAS), Ấn Độ có khoảng 270 máy bay chiến đấu và 68 máy bay tấn công mặt đất có thể điều động chiến đấu với Trung Quốc trong khu vực. New Delhi cũng duy trì một chuỗi các căn cứ không quân nhỏ gần biên giới Trung Quốc để phục vụ số máy bay quân sự này.
Ngược lại, Trung Quốc có 157 máy bay chiến đấu và một phi đội nhỏ các máy bay không người lái tấn công mặt đất. Nghiên cứu của Belfer cho thấy, Không quân Trung Quốc (PLAAF) sử dụng 8 căn cứ trong khu vực, nhưng hầu hết trong số đó là các sân bay dân sự ở độ cao không thuận lợi. Ví dụ, vị trí tọa lạc cao của các căn cứ không quân PLAAF ở Tây Tạng và Tân Cương, cộng với điều kiện địa lý và thời tiết nói chung khắc nghiệt đồng nghĩa, các máy bay chiến đấu của Trung Quốc bị giới hạn chỉ có thể mang theo một nửa trọng tải và nhiên liệu.
Việc tiếp nhiên liệu trên không có thể giúp chiến đấu cơ Trung Quốc tăng tải trọng và thời gian chiến đấu, nhưng PLAAF không có đủ máy bay hậu cần trên không để thực hiện việc đó.
Một ưu thế nữa của Không quân Ấn Độ là kinh nghiệm chiến đấu, bắt nguồn từ những vụ xung đột gần đây với các lực lượng Pakistan. Do đó, các phi công Trung Quốc có thể gặp khó khăn trong xử lý tình huống chiến đấu thực tế.
Lực lượng trên bộ và trên biển
Theo báo cáo của CNAS, Ấn Độ không chỉ có kinh nghiệm trên không mà còn cả trên mặt đất nhờ tham chiến ở những nơi như Kashmir và trong các cuộc đụng độ dọc biên giới với Pakistan. Ngược lại, quân đội Trung Quốc không có trải nghiệm chiến đấu thực tế kể từ chiến tranh biên giới với Việt Nam năm 1979.
Về tổng lực lượng lục quân, Pakistan đang có khoảng 560.000 binh lính trực chiến ở tất cả các binh chủng, trong khi con số này của Ấn Độ là 1,2 triệu người và Trung Quốc là khoảng 1,4 triệu. Mặc dù vậy, về lý thuyết, Ấn Độ từng tuyên bố nước này có thể huy động 300.000 triệu binh lính nếu một cuộc chiến tranh tổng lực nổ ra.
Ấn Độ có 3.500 xe tăng, hơn Pakistan 1.000 chiếc. Đội xe tăng của Ấn Độ chủ yếu là các loại xe tăng nhập khẩu từ Nga, trong khi đội xe của Pakistan lại chủ yếu là loại sản xuất ở Trung Quốc, còn Trung Quốc là 4.292 chiếc.
Về lực lượng Hải quân, Ấn Độ có lực lượng vượt trội hơn hẳn với đủ các loại tàu ngầm, tàu mặt nước và tàu sân bay do có đường bờ biển dài gấp 10 lần Pakistan. Cụ thể, Hải quân Ấn Độ đang sở hữu một tàu sân bay, 16 tàu ngầm, 10 tàu khu trục, 13 tàu hộ tống, 139 tàu tuần tra, 75 tiêm kích và 67.700 lính hải quân và thủy đánh bộ. Trong khi đó, Hải quân Pakistan chỉ có 9 tàu hộ tống, 8 tàu ngầm, 12 tàu tuần tra và 8 tiêm kích. Tuy nhiên, xung đột giữa hai quốc gia chưa bao giờ động đến lực lượng hải quân do điểm nóng luôn nằm ở tranh chấp lãnh thổ trên mặt đất.
Thời gian gần đây, Trung Quốc tăng nhanh sức mạnh hải quân. Quốc gia này đang lập kỷ lục về tốc độ đưa vào hoạt động của các tàu chiến mới. Hiện tại, Hải quân Trung Quốc có hạm đội mạnh mẽ với 777 tàu trong biên chế, với 2 tàu sân bay, 74 tàu ngầm, 36 tàu khu trục, 52 tàu hộ tống…
Nếu thực sự thế “gọng kìm” giữa Trung Quốc và Pakistan mà Ấn Độ lo ngại thành hiện thực, Ấn Độ sẽ đứng vào thế vô cùng khó khăn khi phải chia nhỏ quân lực để đối phó cùng một lúc với hai kẻ thù ở biên giới phía Bắc và phía Tây.
Tuy nhiên, chiến tranh là điều không ai mong muốn xảy ra và những dấu hiệu hòa giải đã xuất hiện. Ngày 6/7, Bộ Ngoại giao Ấn Độ cho biết, Ấn Độ và Trung Quốc đạt thỏa thuận rút quân khỏi khu vực tranh chấp Đường Kiểm soát thực tế (LAC) càng sớm càng tốt sau cuộc điện đàm của quan chức cấp cao hai nước.
Nhưng dù gì chăng nữa, khu vực Nam Á đang trải qua một mùa hè vô cùng “căng não” với hàng loạt những căng thẳng nổ ra tại các vùng biên giới.
Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/tuong-quan-luc-luong-an-do-trung-quoc-pakistan-119000.html