Tương quan sức mạnh quân sự Armenia - Azerbaijan
Quân đội Azerbaijan có lợi thế về quân số và thiết bị chiến đấu mặt đất, trong khi Armenia có ưu thế trên không với tiêm kích Su-30SM.
Quân đội Armenia và Azerbaijan lại xảy ra xung đột ở khu vực tranh chấp Nagorno-Karabakh. Hai bên đều triển khai pháo binh hạng nặng đến khu vực biên giới và cáo buộc nhau vi phạm thỏa thuận ngừng bắn.
Việc xung đột tái diễn trên khu vực tranh chấp kéo theo nguy cơ xảy ra chiến tranh tổng lực, tương tự cuộc chiến những năm 1990. Cuộc chiến đã kết thúc với việc Nagorno-Karabakh tách khỏi Azerbaijan và thành lập Cộng hòa Artsakh, được Armenia hậu thuẫn, nhưng không được cộng đồng quốc tế công nhận.
Nếu xảy ra cuộc chiến quy mô lớn, bỏ qua yếu tố can thiệp của các cường quốc bên ngoài, quân đội bên nào sẽ chiếm ưu thế trước đối phương. Armenia có quan hệ tốt với Nga, trong khi Azerbaijan được sự ủng hộ của Thổ Nhĩ Kỳ.
Lục quân
Theo Global Fire Power (GFP), quân đội Armenia có tổng quân số khoảng 245.000 người, trong đó lực lượng thường trực khoảng 45.000 người, quân dự bị 200.000. Quân đội Azerbaijan có tổng quân số khoảng 426.000 người, quân đội thường trực khoảng 126.000 người, dự bị 300.000 người.
Xét về quân số, Azerbaijan nắm ưu thế tuyệt đối với quân số thường trực gấp 2,8 lần Armenia.
Về trang thiết bị chiến đấu, lục quân Armenia sở hữu khoảng 110 xe tăng chiến đấu chủ lực, trong đó mạnh nhất là xe tăng T-90S do Nga sản xuất, khoảng 10-30 chiếc.
Lực lượng đông đảo nhất là xe tăng chiến đấu chủ lực T-72, khoảng 100 chiếc. 748 xe bọc thép các loại, 38 lựu pháo tự hành, 150 lựu pháo kéo xe, 68 hệ thống rocket phóng loạt. Sức mạnh tăng - thiết giáp của Armenia được xếp hạng 72/138 quốc gia trong thống kê của GFP.
Theo báo Vedomosti của Nga, Moscow đã chuyển giao cho Armenia 4 hệ thống tên lửa đạn đạo chiến thuật Iskander, đưa họ trở thành quốc gia nước ngoài đầu tiên sở hữu hệ thống vũ khí mạnh mẽ này. Ngoài ra, Armenia còn sở hữu tên lửa đạn đạo tầm ngắn Scud-B và tên lửa đạn đạo chiến thuật OTR-21 Tochka.
Lục quân Azerbaijan sở hữu 570 xe tăng chiến đấu chủ lực, gồm 100 xe tăng T-90S do Nga sản xuất, 470 xe tăng T-72, phần lớn trong số này đã được nâng cấp lên tiêu chuẩn T-72 Aslan, hợp tác với Elbit System của Israel.
1.451 xe bọc thép các loại, 187 lựu pháo tự hành, 227 khẩu pháo kéo xe, 162 hệ thống rocket phóng loạt. Sức mạnh tăng - thiết giáp của Azerbaijan được xếp hạng 30/138 quốc gia.
Azerbaijan cũng sở hữu lực lượng tên lửa đạn đạo chiến thuật khá hùng hậu. Baku đã nhập khẩu khoảng 50 hệ thống tên lửa đạn đạo chiến thuật Lora, tầm bắn 400 km do Israel sản xuất. Hệ thống này được đánh giá không thua kém gì Iskander của Nga. Ngoài ra, Azerbaijan còn sở hữu nhiều hệ thống tên lửa đạn đạo chiến thuật OTR-21 Tochka.
Không quân
Quy mô không quân Armenia và Azerbaijan đều khá khiêm tốn. Theo GFP, không quân Armenia sở hữu khoảng 64 máy bay các loại, gồm 4 tiêm kích đa năng Su-30SM do Nga sản xuất, 13 cường kích Su-25, 15 trực thăng tấn công Mi-24, Mi-35, 12 trực thăng vận tải đa năng Mi-8, Mi-17 và Mi-171, cùng một số máy bay vận tải khác.
Không quân Azerbaijan sở hữu khoảng 147 máy bay các loại, gồm khoảng 12 tiêm kích MiG-29, 12 cường kích Su-25, 17 trực thăng tấn công Mi-24/Mi-35, 65 trực thăng vận tải đa năng Mi-17 và một số máy bay vận tải.
Đặc biệt, không quân Azerbaijan sở hữu phi đội máy bay không người lái khá mạnh, gồm Hermes 450, IAI Heron và IAI Searcher do Israel sản xuất. Không quân Azerbaijan còn sở hữu máy bay trinh sát tấn công không người lái Bayraktar TB2 do Thổ Nhĩ Kỳ sản xuất.
Gần đây, Bộ Quốc phòng Azerbaijan đã công bố video ghi lại cảnh UAV Bayraktar TB2 tấn công căn cứ quân sự của Armenia, phá hủy nhiều thiết bị chiến đấu trên mặt đất.
Phòng không
Armenia và Azerbaijan đều sở hữu hệ thống phòng không tầm xa S-300 do Liên Xô cũ sản xuất. Trong đó, Azerbaijan sở hữu phiên bản nâng cấp S-300PMU2 với tầm bắn tối đa tới 250 km. Tên lửa phòng không S-200, S-125, S-75.
Lực lượng phòng không di động của Azerbaijan gồm Tor-M2E, Buk-MB, những hệ thống này được hiện đại hóa bởi Belarus, cùng nhiều tên lửa phòng không vác vai.
Armenia sở hữu khoảng 2-3 sư đoàn tên lửa phòng không S-300PT/PM. Tên lửa phòng không tầm trung S-125, S-75. Hệ thống phòng không di động tầm thấp 9K33 Osa, tầm trung Buk-M2 và 2K12 Kub.
Hôm 29/9, Bộ Quốc phòng Azerbaijan tuyên bố đã phá hủy một hệ thống phòng không S-300 của Armenia.
Kết luận
Về mặt quân số và trang thiết bị chiến đấu, Azerbaijan nắm ưu thế trước Armenia, tuy nhiên điều đó chưa phải là yếu tố quyết định chiến thắng trong một cuộc xung đột. Trong chiến tranh Nagorno-Karabakh, giai đoạn 1988-1994, quân đội Armenia với quân số ít hơn đã giành chiến thắng, dẫn đến việc Nagorno-Karabakh tách khỏi Azerbaijan và thành lập Cộng hòa Artsakh.
Ở cuộc chiến những năm 1990, Liên Xô trợ giúp cho Armenia, trong khi Thổ Nhĩ Kỳ và Israel cung cấp vũ khí cho Azerbaijan. Nếu xung đột hiện tại theo lang thành cuộc chiến quy mô lớn, các lực lượng nước ngoài cũng có thể tham chiến.
Hôm 28/9, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan tuyên bố: “Chúng tôi tin rằng tình trạng xung đột có thể giải quyết thông qua các cuộc đàm phán hòa bình. Song phía Armenia không hề quan tâm đến phương án này”.
Tuyên bố còn thúc giục Armenia ngừng vi phạm luật pháp quốc tế và nhấn mạnh: “Chúng tôi sẽ tiếp tục đứng về phía người dân và chính phủ của Azerbaijan nhằm chống lại các hình thức tấn công từ Armenia hay các quốc gia khác”.
Phía Nga cũng đưa ra tuyên bố bảo vệ Armenia. Trong ngày 28/9, phát ngôn viên của Điện Kremlin, ông Dmitri S. Peskov, cho biết Nga đang tìm cách giải quyết cuộc khủng hoảng và “hiện không bàn về các lựa chọn quân sự”.
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/tuong-quan-suc-manh-quan-su-armenia-azerbaijan-post1136789.html