Tướng Soleimani thiệt mạng có thể do 'tự tin quá mức'
Giới chức Mỹ vừa mới tiết lộ một số chi tiết đằng sau vụ Mỹ không kích ở Baghdad - Iraq hạ sát tướng Iran Qassem Soleimani, 62 tuổi, sự kiện gây chấn động toàn thế giới.
Theo đó, các cơ quan an ninh Mỹ đã theo dõi vị tướng chỉ huy lực lượng tinh nhuệ Quds của Iran trong nhiều năm và đã nhiều lần xem xét kế hoạch tiêu diệt ông này nhưng họ chưa hành động.
Cho đến đêm 2-1, ý định đó đã được thực thi, khi một cuộc không kích của Mỹ giết chết tướng Soleimani, người được coi là nhân vật quyền lực thứ hai ở Iran sau Lãnh tụ tối cao Ayatollah Ali Khamenei.
Lệnh của Tổng thống Mỹ Donald Trump thực hiện vụ hạ sát có chủ đích xuất hiện từ một loạt cuộc thảo luận cấp cao trong tuần qua, bao gồm cuộc họp với các thành viên chủ chốt của đội ngũ an ninh quốc gia của ông trong thời gian Tổng thống Trump nghỉ tại khu nghỉ mát Mar-a-Lago ở bang Florida.
Quyết định không kích - sau khi các quan chức Mỹ trước đó đã chọn cách kiềm chế - xuất phát từ thông tin tình báo rằng tướng Soleimani đang lên kế hoạch tấn công các nhà ngoại giao và lực lượng vũ trang của Mỹ ở Iraq, Lebanon, Syria và những nơi khác ở Trung Đông.
Ngoài ra, giới chức cao cấp Mỹ đã cung cấp một vài chi tiết về các mục tiêu có thể bị tấn công.
Với kế hoạch về một cuộc tấn công như vậy, không rõ Tổng thống Trump và các trợ lý của ông đã vượt qua sự phản đối trước đó như thế nào - với lý do sẽ đẩy Mỹ vào một cuộc chiến khác ở Trung Đông và nhấn chìm khu vực này trong khủng hoảng.
Quyết định loại bỏ tướng Soleimani xuất hiện sau cuộc họp được thu xếp vội vàng của Tổng thống Trump Ngoại trưởng Mike Pompeo, Bộ trưởng Quốc phòng Mark Esper, cố vấn an ninh quốc gia Robert O'Brien và Tướng Mark Milley, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân.
Ông Trump được cho là đã gặp các cố vấn của mình trong một căn phòng không có cửa sổ tại khu nghỉ mát trên, một không gian an toàn cho các cuộc thảo luận kín.
Quyết định được đưa ra sau vụ các tay súng thân Iran xông vào đại sứ quán Mỹ ở Baghdad hôm 31-12.
Mỹ đã xem xét một loạt phương án hành động trả đũa nhưng quyết định cuối cùng được đưa ra là nhắm vào tướng Soleimani.
Theo Nhà Trắng, vụ hạ sát tướng Soleimani - ngay sau khi ông này đến từ Damascus - đã kết thúc một tuần hoạt động quân sự leo thang nhanh chóng giữa Mỹ và Iran.
Trong nhiều năm, Soleimani đã đi khắp khu vực. Dù bị lực lượng quân sự và cơ quan tình báo Mỹ giám sát từng bước đi song dường như ông tướng Iran này chưa bao giờ quan tâm đến viễn cảnh lọt vào tầm ngắm của Mỹ khi ra tay xây dựng các lực lượng ủy nhiệm bán quân sự, gây hoang mang cho các đồng minh của Mỹ như Israel, Ả Rập Saudi và Ai Cập.
Một cựu quan chức cấp cao chính quyền Mỹ cho biết tướng Soleimani đã thể hiện sự tự tin quá mức, đặc biệt là sau khi một nhà thầu Mỹ tại một căn cứ ở miền Bắc Iraq bị tấn công bởi lực lượng dân quân Kataib Hezbollah do Iran hậu thuẫn. Mỹ đã không kích trả thù, giết chết 25 tay súng.
Cựu quan chức trên nói rằng "ông ta đã cho chúng tôi một cái cớ để bấm nút".
Kế hoạch cho cuộc không kích đã trở nên chín muồi sau cái chết của các nhà thầu Mỹ vào tuần trước mà Washington đổ lỗi cho Iran. Tuy nhiên, Tehran đã phủ nhận sự liên quan.
Các quan chức Mỹ xác nhận rằng từ lâu, Soleimani đã bị coi là kẻ thù vấy máu của người Mỹ, bao gồm trong cuộc chiến tranh Iraq nổ ra vào năm 2003 khi hàng trăm binh sĩ Mỹ tử vong bởi các thiết bị nổ do Iran sản xuất. Thế nhưng, cho đến nay họ mới lựa chọn phương án tiêu diệt ông ta.
Cố vấn an ninh quốc gia O'Brien nói với các phóng viên: "Đây là hành động có tính chất phòng thủ. Đây là một quyết định dễ hiểu đối với tổng thống".
Các quan chức Mỹ cho biết việc xem xét một cuộc không kích nhắm vào ông Soleimani đã diễn ra vào mùa hè vừa qua, sau khi Iran bị đổ lỗi gây ra một loạt vụ tấn công trong khu vực.
Cuộc tấn công vào đoàn xe của tướng Soleimani khi nó rời sân bay quốc tế ở Baghdad còn giết chết chỉ huy dân quân hàng đầu của Iraq, Abu Mahdi al-Muhandis, là một trong những cố vấn của ông ta.
Mặt khác, nhiều nhà phê bình thuộc Đảng Dân chủ đã gọi Tổng thống Trump là liều lĩnh, đồng thời cho rằng ông đã làm tăng nguy cơ xảy ra bạo lực nhiều hơn nữa ở một khu vực vốn đã nguy hiểm.
Tuy nhiên, Tổng thống Trump nhấn mạnh hôm 3-1 rằng ông đã ra lệnh tiêu diệt Soleimani "để ngăn chặn một cuộc chiến tranh", chứ không phải là khơi mào một cuộc chiến.