'Tương tư' lạp sườn trên non
Những năm gần đây, món lạp sườn của đồng bào các dân tộc huyện Bá Thước không chỉ xuất hiện trong thực đơn của mỗi gia đình, mà còn được bày bán ở Khu Du lịch sinh thái Pù Luông và giới thiệu ở nhiều hội chợ trong, ngoài tỉnh. Những khúc lạp sườn thơm ngon, được đóng gói, hút chân không, rất đẹp mắt đã và đang dần trở thành sản phẩm đặc trưng của Bá Thước, giúp đồng bào các dân tộc địa phương có thêm thu nhập.
Theo truyền thống, đồng bào các dân tộc huyện Bá Thước thường mổ lợn đón Tết Nguyên đán khá sớm, chỉ sau Tết ông Công - ông Táo. Sau khi mổ lợn, nhà nào cũng tự làm món lạp sườn. Thịt thăn, thịt mông hoặc thịt vai được chế biến và tẩm cùng một số gia vị đặc trưng như gừng núi, hạt tiêu rừng, mắc khén, hạt dổi, quế và các loại thảo quả... rồi nhồi vào lòng non, mang đi phơi.
Mùa đông miền núi, ngày nhiều gió, đêm đẫm hơi sương nên các hộ gia đình tận dụng để phơi lạp sườn cho đến khi khô lại, mỡ bên trong lên men đến độ thì tiếp tục treo hong trên gác bếp. Đến công đoạn này, lạp sườn có mùi vị thơm đặc trưng vô cùng hấp dẫn, đặc biệt là để được rất lâu. Cốt lõi của việc chế biến món lạp sườn của đồng bào các dân tộc huyện Bá Thước chính là thời tiết, thấm đẫm sương gió, giá rét, tự lên men. Gia đình bà Hoàng Thị Thanh ở phố 1, thị trấn Cành Nàng, có nhiều đời làm lạp sườn. Hiện tại, gia đình bà và nhiều hộ dân trên địa bàn huyện đang huy động hàng chục lao động thời vụ để tạo ra các mẻ lạp sườn phục vụ Tết Nguyên đán Ất Tỵ. Bà Thanh chia sẻ: "Lạp sườn là món ăn truyền thống của đồng bào các dân tộc huyện Bá Thước nên vào dịp tết gia đình nào cũng chuẩn bị từ 3 - 5kg để tiếp khách. Bởi thế, sản phẩm làm ra luôn “cháy” hàng. Những ngày gần tết, mỗi ngày gia đình tôi chế biến từ 60 - 70kg lạp sườn phục vụ nhu cầu của người dân trong huyện Bá Thước và khách hàng trong tỉnh, ngoài tỉnh".
Trước đây, khi đến huyện Bá Thước, những người thích ăn lạp sườn thường mua của các hộ sản xuất nhỏ lẻ mang về dùng. Tuy nhiên, sản phẩm không có bao bì, nhãn mác, không ghi rõ hạn sử dụng nên người tiêu dùng chưa thật sự an tâm. Xuất phát từ thực tế này, năm 2020, gia đình bà Thanh đã mạnh dạn thành lập cơ sở sản xuất, kinh doanh lạp sườn họ Hoàng, với quyết tâm xây dựng thương hiệu cho lạp sườn địa phương. Đồng thời, đưa sản phẩm truyền thống của đồng bào các dân tộc huyện Bá Thước đến người tiêu dùng trong cả nước. Gia đình bà Thanh đã đầu tư máy móc, thiết bị hiện đại, thiết kế bao bì, nhãn mác bắt mắt để tạo ấn tượng với nhiều đối tượng khách hàng. Cuối năm 2021, lạp sườn họ Hoàng được tỉnh công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao. Bà Thanh cho biết, từ năm 2020 đến nay, sản phẩm lạp sườn họ Hoàng thường xuyên tham gia các hội chợ trong và ngoài tỉnh. Việc này mở ra nhiều cơ hội để quảng bá thương hiệu lạp sườn của gia đình. Nhiều người biết đến lạp sườn họ Hoàng, khách du lịch ở các tỉnh phía Bắc khi đến Khu Du lịch sinh thái Pù Luông tham quan cũng ghé thăm mua về làm quà.
Tại huyện Bá Thước, lạp sườn được đồng bào các dân tộc địa phương sản xuất theo mùa vụ, cao điểm vào dịp lễ tết có hàng chục gia đình làm, còn ngày thường chỉ vài hộ. Gia vị, cách làm lạp sườn mỗi gia đình sẽ khác nhau để tạo ra hương vị đặc trưng. Tuy nhiên, họ có những cam kết nhất định là thịt phải tươi và quá trình chế biến không sử dụng bất cứ hóa chất nào khác. Những nguyên tắc trên được quản lý, giám sát từ chính quyền địa phương. Bởi người dân ý thức được rằng, ở thời đại 4.0 nếu đánh mất đi hương vị đặc trưng, làm mất đi chất lượng thì sẽ bị thị trường “tẩy chay”. “Ngoài tự trọng của người làm nghề, giữ gìn danh tiếng nghề truyền thống, thì điều chúng tôi hướng đến là đem sản phẩm mang thương hiệu của địa phương quảng bá đến thực khách bốn phương. Qua đó, lạp sườn của huyện Bá Thước sẽ tiếp cận được thị trường lớn hơn, tạo thu nhập bền vững cho người dân và thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương” - bà Võ Nga, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Huyện ủy Bá Thước chia sẻ.
Nguồn Thanh Hóa: https://vhds.baothanhhoa.vn/tuong-tu-lap-suon-tren-non-35109.htm