Tướng về làng

Không chọn an hưởng tuổi già nơi phố thị, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, Thiếu tướng Rơ Ô Cheo lại về buôn Ju (xã Ia Rsai, huyện Krông Pa) để sống giữa dân làng. Tâm niệm của ông rất giản dị: để lắng nghe tiếng lòng mình trong tiếng lòng dân giữa thái bình.

Khá lâu rồi không về Krông Pa, cái ngã ba quốc lộ 25 với buôn Ju với tôi cũng thành xa lạ. Chẳng biết tự bao giờ nó đã trở nên nhộn nhịp. Cũng quán cà phê, bida, karaoke, chợ vệ đường… đủ cả. Một người đàn ông trung niên nghe tôi hỏi thăm nhà tướng Rơ Ô Cheo thì cười khà khà: “Kìa, chẳng phải ông ấy đang ngồi trong quán?”. Quả là tướng Rơ Ô Cheo đang ngồi trong quán cà phê, lại sát ngay cửa sổ nhưng trong bộ quần áo thường ngày, ông chẳng khác mấy người dân trong làng ghé quán uống vội ly cà phê để còn ra rẫy. “Sáng nào, tôi cũng đi bộ ra đây làm ly cà phê rồi lại đi bộ về. Uống cà phê là phụ, cái chính là để rèn luyện sức khỏe. Năm nay đã tròn 70 rồi”-ông nói. Có lẽ ông đã tuân thủ kỷ luật này nghiêm ngặt thật bởi uống xong cà phê, tôi bảo ngồi lên xe máy để chở về, ông vẫn kiên quyết lắc đầu.

Thiếu tướng Rơ Ô Cheo. Ảnh internet

Thiếu tướng Rơ Ô Cheo. Ảnh internet

Nhà ông nằm giữa một khu vườn khá rộng. Đó là một ngôi nhà hai tầng xây kiểu biệt thự khá đẹp. Ông cho biết, khu đất này nguyên xã cấp cho chị vợ, bà nhượng lại cho ông. Năm 2013 nghỉ hưu, ông bán nhà trên Pleiku. Sau khi làm nhà cho các con còn lại một ít tiền, cộng với các khoản tích góp lâu nay, ông xây căn nhà này. Liếc nhìn tiện nghi bày biện trong phòng khách, tôi thầm nghĩ: Với những cống hiến của ông thì những gì được hưởng cũng là điều bình thường, nếu không nói là còn kém bao người công trạng chẳng bằng, ấy là chưa nói gia cảnh cũng còn ít người biết. Ông cưới vợ năm 1971. Vợ ông là bà Kpah HVi, kém ông 10 tuổi. Bà cũng từng tham gia du kích nhưng chỉ một thời gian ngắn, không có chế độ gì. Ông bà có 6 người con, 5 gái, 1 trai. Hai cô con gái đang làm ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh, con trai là bộ đội ở Tiểu đoàn 50 (Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh). Cô gái út cũng đã lấy chồng bộ đội, coi là yên bề gia thất. Chỉ còn cô con gái đầu và thứ tư. Con gái đầu học hành dở dang rồi ở nhà làm nông. Không rõ làm ăn thế nào mà lúc về hưu, ông phải trả nợ thay 50 triệu đồng. Bây giờ, nhà cửa không có, vẫn phải ở chung với ông bà. Cô thứ tư học hành cũng dở dang rồi ở nhà làm rẫy. Được một đứa con thì bỏ chồng, ông phải làm nhà cho ở chung trong vườn... Cho nên, lương hưu tháng 19 triệu đồng tiếng là to thật nhưng con cái vẫn còn phải cưu mang. Ông giờ chẳng làm gì nổi nhưng bà thì còn sức khỏe, ngày ngày vẫn phải chăn thả 10 con bò. Tất nhiên, cũng chẳng đến nỗi thiếu thốn gì nhưng tuổi già mà lòng vẫn chưa thanh thản, hãy còn cộm lên những chuyện không vui…

Thôi thì cuộc sống dễ đã được mấy nhà mười phân vẹn mười. Huống chi ông, hơn nửa cuộc đời lo đánh giặc, còn đâu thì giờ mà dạy bảo con cái, chạy vạy như người ta. Muốn lảng chuyện không vui, tôi hỏi ông thường ngày hay nghĩ về những điều gì. Giọng ông chợt trầm: “Nghĩ về thời quân ngũ”. Thời quân ngũ ấy là 47 năm mà chỉ riêng thời trực tiếp cầm súng đánh giặc, vào chết ra sống với vùng đất nắng lửa Krông Pa này đã gần ba chục năm. Ngần ấy thời gian thì có biết bao là chuyện đáng nhớ, đáng suy ngẫm… Thường thì đầu tiên là ngẫm về “sự lạ” của mình: 14 tuổi đã xin vào du kích để rồi 2 năm sau thì trở thành bộ đội. Khẩu súng trường vác còn chưa nổi, chữ không biết, trường lớp quân sự không qua (cho đến năm 1981 mới được cử đi học sĩ quan, vừa học kiến thức quân sự vừa học văn hóa) vậy mà trận nào do mình chỉ huy cũng tỏ rõ bản lĩnh lại đầy mưu lược. Nhớ trận đánh đồn dân vệ Phú Túc, suốt 3 đêm đích thân mình đột nhập căn cứ địch để điều nghiên việc bố phòng, suýt bị lộ mà vẫn đánh lừa được địch. Kết quả trận đánh, đơn vị đã diệt gọn 30 tên trong khi bên ta chỉ 1 chiến sĩ hy sinh. Rồi trận chặn địch rút chạy trên đường 7 tháng 3-1975. Suốt 3 ngày đêm bám trận địa không chợp mắt, một mình diệt 10 tên địch, bắn cháy 1 xe tăng. Rồi thì cả năm chục trận truy quét FULRO. Hẳn sẽ có người cho đánh FULRO thì dễ hơn đánh giặc? Đâu dễ! Mỹ-ngụy tuy lực lượng hùng hậu, trang bị đến tận răng nhưng trên đất này chúng là những kẻ “không nơi ẩn nấp” và trước mắt người lính chỉ một chiến tuyến địch-ta. Còn FULRO, tuy hành động chủ yếu theo bản năng nhưng là những kẻ sinh ra từ núi rừng, chúng cũng biết dùng cái ưu thế ấy để đối phó. Nhớ cái trận truy quét ở buôn Ya Wầm năm 1978. Được tin toán FULRO có tới 60 tên do “đại tá” Y Khắc cầm đầu đang lén lút tụ về trong rừng, Đại đội trưởng Rơ Ô Cheo trực tiếp đi trinh sát cùng anh em. Đã tới sờ từng cây rừng, từng đầu võng của chúng, vậy mà khi trở ra, chỉ huy đơn vị nổ súng cũng chỉ tiêu diệt được 8 tên. Bóng tối, rừng già và bản năng đã giúp chúng chạy thoát. Trận truy quét ở buôn Chua (tỉnh Đak Lak) lại càng đáng nhớ hơn cái thủ đoạn ma mãnh của chúng. Hôm đó, đại đội do Rơ Ô Cheo chỉ huy hành quân vào buôn làm công tác vận động quần chúng. Vừa sáng tinh sương đã thấy những dấu chân từ buôn ra rất mới. Chẳng lẽ hôm nay dân làng lại đi rẫy sớm đến vậy? Sinh nghi, quan sát kỹ, mình quả quyết đây là dấu chân của bọn FULRO vừa đột nhập vào buôn. Chúng đi thụt lùi để hòng đánh lạc hướng nhưng qua sao được cặp mắt tinh tường của Đại đội trưởng Rơ Ô Cheo! Trận đó dù lẩn khuất vào nhà dân, chúng cũng bị tiêu diệt 4 tên. Những tên còn lại tháo chạy tán loạn, không kịp mang theo số củ mì đã cướp. Và cũng từ đó, chúng không bao giờ dám bén mảng về buôn Chua nữa.

Suốt 3 năm trời, từ tháng 9-1975 đến năm 1978, mỗi tháng không kể những trận truy kích nhỏ, bình quân Đại đội 303 phải 2-3 lần đọ súng với FULRO như thế. Doanh trại gần như là nơi tạm trú, còn thì chủ yếu ngủ rừng. Mà thời ấy đất nước hai đầu lại đang xảy ra chiến tranh biên giới, người lính thiếu thốn đủ bề. Nghĩ càng thương anh em. Đại đội 303 có 80 người thì chỉ mỗi Chính trị viên Đại đội Trịnh Hoàng Lâm là người Kinh. Thời chiến tranh chống Mỹ, là bộ đội địa phương, anh em sống chủ yếu nhờ dân nuôi. Ăn bắp rang, uống nước lã cầm hơi để đánh giặc đã là chuyện thường. Đất nước thống nhất, những tưởng được trở về với cuộc sống rẫy nương bình dị thì lại phải tiếp tục đánh FULRO. Thực sự là không phải không có những anh em dao động tư tưởng nhưng nhờ sự động viên khéo léo của Đại đội trưởng Rơ Ô Cheo, đặc biệt là phong cách sống bình dị, chan hòa, gặp hiểm nguy thì tự mình đi trước đã tạo cho anh em một niềm tin tuyệt đối, dũng cảm vượt lên khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ. Ghi nhận những chiến công xuất sắc đó, Đại đội 303 đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

Trải cả trăm trận đánh thì qua biết bao nỗi hiểm nguy, vậy mà chỉ bị thương có một lần. Lại nghĩ tiếp về “sự lạ” này của mình nữa. May mắn chăng? Cũng có thể. Sự thật là 20 anh em cùng lứa vào bộ đội với mình giờ chỉ còn 2. Nói vậy, cái chính vẫn là nhờ vào khí chất của con người Krông Pa. Bao đời cư ngụ trên vùng đất sắt se nắng gió, con người nơi đây đã được hun đúc cái khí chất dũng cảm, kiên cường để đương đầu với mọi hoàn cảnh khắc nghiệt. Có lẽ cho đến bây giờ, Krông Pa vẫn là vùng đất duy nhất ở Tây Nguyên tự hào sinh ra 2 vị tướng: Rơ Ô Cheo và Nay Phao (Thiếu tướng Nay Phao quê ở xã Ia Mlah, nguyên Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Đak Lak). Bởi vậy, những trận đánh, những sự kiện theo năm tháng như những nhát cắt cứ miên man lúc gần, lúc xa chập chờn trong ký ức như thế. Dứt ra, họa chăng chỉ trong những cuộc vui với dân làng, với bà con lối xóm…

Đang từ chuyện ký ức, giọng ông chợt vui khi quay sang chuyện buôn Ju: “Buôn Ju có nhiều bà con theo đạo Tin lành nhưng người theo hay không theo đều đoàn kết, chí thú làm ăn. Nhờ cây điều và cây mì, cuộc sống bà con nói chung cũng khá. Tôi về đây ở, bà con vui lắm. Dạo trước tối nào cũng có người đến chơi hỏi chuyện. Lệ làng, đã có khách tất phải uống. Cũng nói thêm vốn tôi tửu lượng cũng khá, lai rai hết lít rượu là chuyện bình thường. Trong những cuộc vui như thế, bà con lại mang chuyện làng, chuyện xã, cả những điều khúc mắc ra bày tỏ. Không tham gia công tác gì với địa phương nhưng tôi vẫn nhiệt tình giải thích, góp ý với bà con. Vậy là mọi người đều nghe ra và vui vẻ. Chỉ khoảng 3 năm gần đây tôi bị tai biến, bác sĩ bảo phải tuyệt đối kiêng bia rượu thì những cuộc vui như thế mới thưa vắng dần”.

Chuyện lan man như thế mà thoáng cái đã hết buổi sáng. Nghe tôi ngỏ ý muốn xin kiểu ảnh, ông vui vẻ hỏi: “Nhưng mà mặc đồ thế này hay thay quân phục?”. Tất nhiên là tôi mời ông mặc quân phục. Vậy là trong phút chốc, ông bỗng trở nên một con người khác. Người ta bảo: Ai làm được tướng, hãy nhìn vào đôi mắt họ. Đôi mắt ông quả thật là đôi mắt tướng. Nhìn bề ngoài nó mang dáng dấp một cặp mắt voi hiền lành, nhưng bên trong thì ẩn chứa cái nhìn như xuyên thấu mọi vật, sẵn sàng bùng lên những hành động quyết đoán tức thời. Tiễn tôi ra cửa, ông tỏ vẻ áy náy: “Anh từ Pleiku xuống thăm tôi mà không uống với nhau được ly bia, buồn quá”. Tôi cười, dợm bước đi, lại nghe ông gọi giật: “Này, hay là tôi lấy bia cho anh uống nhé?”. Ý là ông bảo tôi hãy cầm bia theo mà uống dọc đường. Tôi bật cười bởi sự thật thà, chân tình thật đáng mến của ông. Đã ra tới ngã ba, tôi vẫn thấy ông đứng nhìn theo. Nắng đã vo tròn bóng những hàng cây huỳnh đàn ông trồng bên mé cửa.

Ngọc Tấn

Nguồn Gia Lai: http://baogialai.com.vn/channel/1622/202005/tuong-ve-lang-5680520/