Tụt hậu về vũ khí siêu thanh, Mỹ đẩy mạnh phát triển hệ thống 'Thiên nhãn' để phòng thủ

Bị tụt lại phía sau Nga, Trung Quốc trong việc phát triển tên lửa siêu thanh, Mỹ quay sang tập trung đẩy mạnh phát triển hệ thống chống loại vũ khí tiên tiến này.

Sơ đồ hệ thống chống vũ khí siêu thanh của Lầu Năm Góc (Ảnh: TKWW)

Sơ đồ hệ thống chống vũ khí siêu thanh của Lầu Năm Góc (Ảnh: TKWW)

Mỹ đang tích cực triển khai nhiều hệ thống vệ tinh tiên tiến khác nhau để tạo ra “mắt thần” trong không gian và xây dựng mạng “Skynet” dày đặc.

Dùng vệ tinh theo dõi và cảnh báo vũ khí siêu thanh

Mới đây, cuộc tập trận do Cục Phòng thủ Tên lửa (MDA) của Lầu Năm Góc tiến hành đã thu hút sự chú ý lớn của quốc tế. Đây là lần đầu tiên quân đội Mỹ sử dụng vệ tinh để theo dõi vụ phóng vũ khí siêu thanh.

MDA ngày 14/6 cho biết vệ tinh theo dõi tên lửa tiên tiến của Bộ Quốc phòng Mỹ lần đầu tiên ghi lại video về một cuộc thử nghiệm vũ khí siêu thanh. Tuy nhiên, MDA không tiết lộ ngày giờ cụ thể của vụ phóng từ đảo Wallops, Virginia. Thông báo nói, "các báo cáo sơ bộ cho thấy cảm biến đã thu thập thành công dữ liệu sau khi phóng". Trong vài tuần tới, MDA sẽ đánh giá dữ liệu vụ phóng.

 Các vệ tinh trong hệ thống chống vũ khí siêu thanh của Mỹ và các loại tên lửa siêu thanh của Nga (Ảnh: TKWW).

Các vệ tinh trong hệ thống chống vũ khí siêu thanh của Mỹ và các loại tên lửa siêu thanh của Nga (Ảnh: TKWW).

Trang Defense News của Mỹ tiết lộ rằng các hãng L3Harris và Northrop Grumman đều chế tạo cảm biến không gian (HBTSS) cho MDA, đồng thời hợp tác với Cục Phát triển Vũ trụ (SDA) theo dõi các vệ tinh, vũ khí siêu thanh. Đây là một phần trong chùm vệ tinh giám sát của SDA, được thiết kế để phát hiện và quan sát các vũ khí siêu thanh di chuyển ở tốc độ Mach 5 trở lên. Quân đội Mỹ hiện có 10 vệ tinh theo dõi tên lửa trên quỹ đạo, 8 trong số đó là của SDA và 2 của MDA.

Mặc dù các vệ tinh cảm biến của SDA và MDA được phát triển độc lập, nhưng tàu vũ trụ trong tương lai của SDA sẽ kết hợp các chức năng của cả hai và có thể được sử dụng để theo dõi các mục tiêu mơ hồ hơn. Theo kế hoạch của quân đội Mỹ, hệ thống HBTSS sẽ bao gồm 100 vệ tinh để cung cấp cho quân đội Mỹ dữ liệu giám sát sau các vụ phóng tên lửa trên toàn cầu. Nhưng hiện nay, do số lượng vệ tinh giám sát và theo dõi còn ít nên phạm vi phủ sóng còn hạn chế.

Được biết, các vệ tinh cảm biến HBTSS này đã được triển khai lên quỹ đạo vào tháng 2 năm nay để đưa ra cảnh báo sớm chống lại tên lửa siêu thanh. Mặc dù Mỹ có hệ thống giám sát mặt đất lớn và phức tạp nhưng tên lửa siêu thanh đang lao tới lại có tốc độ quá nhanh.

Mặt khác, độ cong của Trái đất và quỹ đạo bay của tên lửa siêu thanh gây khó khăn cho lực lượng phòng không mặt đất, nên hệ thống giám sát tên lửa rất khó có đủ thời gian để cảnh báo. Do đó, các vệ tinh cảm biến được triển khai trên quỹ đạo không gian có tầm nhìn chính xác và không bị cản trở hơn, có thể phát hiện sớm tên lửa do đối phương phóng, theo dõi quỹ đạo đạn đạo và giúp các hệ thống chống tên lửa ở mặt đất đánh chặn chính xác và kịp thời hơn.

 Tên lửa siêu thanh Avangard của Nga (Ảnh: Euroasia).

Tên lửa siêu thanh Avangard của Nga (Ảnh: Euroasia).

SDA hồi tháng 4 năm nay cho biết, việc điều phối các vệ tinh để theo dõi chặt chẽ là một nhiệm vụ rất khó khăn vì chúng phải được bố trí phía trên bãi phóng tên lửa. Theo tiết lộ, ngoài việc theo dõi các vụ phóng thử nghiệm tên lửa siêu thanh của Lầu Năm Góc, các vệ tinh còn rà quét hoạt động phóng tên lửa tại các điểm nóng trên khắp thế giới.

Hệ thống "Thiên nhãn" theo dõi tên lửa thời gian thực

Quân đội Mỹ thực tế đã bắt đầu xây dựng “lá chắn chống tên lửa siêu thanh”. Vào tháng 2 năm nay, Lầu Năm Góc sử dụng tên lửa đẩy Falcon 9 của SpaceX để phóng thành công 6 vệ tinh lên quỹ đạo Trái đất ở tầm thấp và đã bắt đầu thử nghiệm bước đầu. 2 vệ tinh được trang bị các thiết bị theo dõi tên lửa siêu thanh và tên lửa đạn đạo, 4 chiếc còn lại trở thành một phần của hệ thống theo dõi máy bay chiến đấu.

Một số nhà phân tích quốc phòng Mỹ cho rằng một trong những lý do chính khiến Lầu Năm Góc tăng tốc triển khai thiết bị theo dõi tên lửa siêu thanh trong không gian có thể là do Lực lượng Hàng không Vũ trụ Nga đã bắt đầu đưa máy bay chiến đấu MiG-31 được trang bị tên lửa siêu thanh "Kinzhal" tới Biển Đen mùa thu năm ngoái tiến hành tuần tra thường xuyên trên vùng biển trung lập. Tên lửa siêu thanh của Nga được coi là vũ khí siêu thanh đầu tiên trên thế giới được đưa vào chiến đấu thực tế.

 Tên lửa siêu thanh Dongfeng-17 của Trung Quốc (Ảnh: Xinhua).

Tên lửa siêu thanh Dongfeng-17 của Trung Quốc (Ảnh: Xinhua).

Quá trình phát triển tên lửa siêu thanh của quân đội Mỹ không mấy suôn sẻ. Một số dự án lớn đã bị hủy bỏ hoặc tạm thời bị gác lại, trong khi Nga và Trung Quốc đang dẫn đầu về lĩnh vực này, nên mấy năm gần đây, Lầu Năm Góc chuyển tập trung vào việc đánh chặn tên lửa siêu thanh.

Ngay từ tháng 4/2020, SDA đã lặng lẽ thông báo họ có kế hoạch ký hợp đồng hệ thống vệ tinh mạng không dây đầu tiên vào tháng 8 năm đó. Theo kế hoạch, 20 vệ tinh đầu tiên dự kiến sẽ được đưa lên quỹ đạo 2 năm sau đó.

Lô vệ tinh này có nhiệm vụ xây dựng hệ thống “Thiên nhãn” mới cho quân đội Mỹ, hình thành bộ chỉ huy tác chiến thống nhất trên bộ, trên biển, trên không và vũ trụ; đặc biệt có thể theo dõi và cảnh báo vũ khí siêu thanh. 20 vệ tinh này có nhiệm vụ tạo ra "lớp truyền dẫn" hệ thống vệ tinh mạng không dây - một cách để thống nhất các cảm biến khác nhau trên không gian trong chương trình Chỉ huy và Điều khiển Chiến đấu chung mọi khu vực (JADC2) do Không quân Mỹ lãnh đạo.

Theo giới thiệu, "lớp truyền dẫn" bao gồm mạng vệ tinh không dây (Mesh) thế hệ mới chủ yếu hoạt động trên quỹ đạo tầm thấp của Trái đất, có thể kết nối trực tiếp các cảm biến trên không gian với các binh sĩ. Do sử dụng công nghệ mạng không dây mới, nó giải quyết một cách hiệu quả vấn đề truy cập dữ liệu kém; tốc độ truy cập và thu thập dữ liệu được nâng lên rất nhiều.

Bên cạnh việc tăng cường khả năng theo dõi, giám sát tên lửa siêu thanh trong không gian, quân đội Mỹ còn tăng cường khả năng chống tên lửa trên mặt đất để đạt được “chiến lược hai mũi nhọn”.

MDA mới đây tiết lộ rằng bắt đầu từ tháng 10 năm nay, các cuộc thử nghiệm đánh chặn và theo dõi tên lửa sẽ được tổ chức ở Guam hai lần một năm để thực hiện kế hoạch tích hợp hệ thống phòng thủ tên lửa nhằm nâng cao khả năng đánh chặn đối phó mối đe dọa từ các loại tên lửa đạn đạo, tên lửa hành trình và tên lửa siêu thanh của căn cứ quân sự ở Guam.

 Siêu tên lửa phòng thủ trị giá 4,3 triệu USD SM-6 của Mỹ (Ảnh: AP).

Siêu tên lửa phòng thủ trị giá 4,3 triệu USD SM-6 của Mỹ (Ảnh: AP).

Guam là cốt lõi và trung tâm của chuỗi đảo thứ hai của Mỹ ở Tây Thái Bình Dương. Ngoài các tàu mặt nước của Hải quân và máy bay chiến đấu của Không quân, các tàu ngầm hạt nhân tấn công, máy bay ném bom chiến lược B52 và máy bay ném bom tàng hình B-2 thường được Mỹ triển khai luân phiên ở đây.

Trong những năm gần đây, quân đội Mỹ liên tục nâng cao năng lực phòng không, chống tên lửa ở Guam. Tuy nhiên, việc tăng cường triển khai các hệ thống đánh chặn tên lửa ở Guam không nhất thiết có nghĩa là khả năng chống tên lửa của hòn đảo sẽ được nâng cao. Chỉ thông qua các cuộc tập trận và thử nghiệm liên tục, các hệ thống đánh chặn tên lửa khác nhau mới có thể phát huy tác dụng 1+1 lớn hơn 2 và thực sự cải thiện khả năng chống tên lửa.

MDA chỉ ra trong báo cáo đánh giá rằng trước sự tiến bộ liên tục của công nghệ tên lửa đạn đạo và vũ khí siêu thanh của các đối thủ tiềm năng, Mỹ cần phải nhanh chóng bắt tay tích hợp hệ thống vũ khí siêu quân chủng trên đất liền, trên biển, trên không và các hệ thống cảm biến, hệ thống thông tin và hệ thống chỉ huy càng sớm càng tốt.

Theo TKWW

Thu Thủy

Nguồn VietTimes: https://viettimes.vn/tut-hau-ve-vu-khi-sieu-thanh-my-day-manh-phat-trien-he-thong-thien-nhan-de-phong-thu-post176121.html