Tửu nhập… mạng mất
Trước đây, ông bà ta quan niệm 'vô tửu bất thành lễ', chén rượu, ly bia luôn là thứ thức uống không thể thiếu vào những dịp đặc biệt. Không những thế, đàn ông còn cho rằng 'nam vô tửu như kỳ vô phong', ý nói rượu làm cho các đấng mày râu mạnh mẽ, dũng mãnh, oai vệ hơn. Còn ngày nay nhậu nhẹt lại trở nên phổ biến, có đến một ngàn lẻ lý do để nhậu và nhiều khi cũng không cần đến lý do. Thế nhưng sự hấp dẫn của men nồng đã khiến không ít người quên mất lời cảnh tỉnh 'tửu nhập ngôn xuất', rượu vào lời ra, không chỉ làm hỏng việc mà có khi còn làm mất mạng mình, mạng người.
Tửu nhập… mạng mất
Có lắm chuyện buồn về rượu mà nếu như được trực tiếp chứng kiến, có thể nhiều người sẽ lấy đó làm bài học nhớ đời. Điển hình như vụ án hình sự mà Tòa án nhân dân tỉnh đã xét xử mới đây. Bị cáo là Nguyễn Thông (36 tuổi, trú tại xã Sông Bình, huyện Bắc Bình), vốn bản tính hiền lành nhưng vì “ma men” đưa lối, Thông đã vướng vòng lao lý vì tội danh giết người. Nguồn cơn sự việc xảy ra trong một lần Thông tổ chức nhậu tại nhà cùng với những người bạn, khi tiệc đã sắp tàn, rượu đã cạn, Thông nói với đám bạn: “Tao không nhậu nổi nữa”. Đáp lời Thông là ông Nguyễn Văn Tiệp (32 tuổi): “Ông tưởng tôi không có tiền mua rượu cho ông uống hay sao mà đòi nghỉ”, nói rồi ông Tiệp lấy xe chạy đi mua thêm 2 lít rượu và tiếp tục nhậu cùng Thông.
Trong cơn ngà say, Tiệp ngẫu hứng kể chuyện đánh nhau, Thông nghe không thích nên nói: “Thôi, uống thì uống không nói chuyện đánh nhau nữa”. Ấy vậy mà Tiệp cầm cái chén ném rồi lao tới nắm cổ áo, dùng tay đánh vào người Thông, khiến Thông bị ngã xuống nền nhà. Nghe tiếng tri hô, anh Nguyễn Thái (sống cạnh nhà Thông) chạy qua can ngăn thì bị Tiệp dùng tay đánh nhưng không gây thương tích. Không còn giữ được bình tĩnh, Thông chạy vào bếp lấy 1 cây kéo ra đe dọa Tiệp: “Thôi đủ rồi, về nhà đi mai nói chuyện, mày còn vô nhà tao quậy nữa là tao đâm”. Vừa dứt lời thì Tiệp xông vào nên Thông cầm kéo đâm 1 nhát trúng vào ngực trái của Tiệp làm Tiệp tử vong ngay sau đó. Xét thấy trong vụ án này, có một phần lỗi của bị hại nên Hội đồng xét xử cân nhắc, tuyên phạt Thông 10 năm tù giam và phải bồi thường cho gia đình bị hại 229 triệu đồng.
Phiên tòa dù đã kết thúc, nhưng điều ám ảnh nhất không phải là những gì diễn ra bên trong phòng xử mà là hình ảnh 3 đứa trẻ đứng ngóng bên ngoài hành lang, cách nơi ba của chúng đứng là một khoảng phòng rộng lớn và tấm cửa kiên cố, đứa nào đứa nấy mắt đỏ hoe, cảm giác ngơ ngác, hụt hẫng hiện rõ trên từng gương mặt. Chính sự hiểu biết “lưng lửng”, chông chênh ấy khiến cho sự tổn thương của con trẻ lại lớn hơn bao giờ hết. “Tại sao công an không cho con vô? Tại sao ba đi tù? Đi tù là đi đâu? Lúc nào ba mới về...”, để giải đáp hàng chục câu hỏi ngây ngô của 3 đứa trẻ, người lớn chỉ có thể trả lời bằng những giọt nước mắt và 2 chữ “giá như”. Giá như không có buổi tiệc rượu định mệnh hôm đó, giá như Thông dứt khoát hơn để biết dừng lại trước lời mời rượu của ông Tiệp, giá như ông Tiệp không quá chén để rồi có những hành động càn quấy, giá như và giá như…
Hiện nay, tội phạm về trật tự xã hội diễn biến phức tạp, có tính chất côn đồ, manh động, nhiều vụ xuất phát từ mâu thuẫn nhỏ, nhưng có bia, rượu kích thích, các đối tượng không làm chủ được ý thức và gây án. Những ngày lễ, tết đang đến gần, các cuộc vui thường không thiếu rượu, bia. Không ai có thể đoan chắc là mình sẽ không làm gì sai trái trong lúc say. Vì vậy phải biết dừng lại đúng lúc, đừng để đến khi “rượu uống người”, có hối hận thì chuyện cũng đã rồi.
K.CHI
Nguồn Bình Thuận: http://baobinhthuan.com.vn/phap-luat/tuu-nhap%E2%80%A6-mang-mat-122548.html