Tựu trường

Mặc dù nhiều năm qua Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) đều yêu cầu lễ khai giảng năm học thống nhất trên cả nước vào buổi sáng ngày 5-9, nhưng ở nhiều tỉnh, thành phố, học sinh đã phải cắp sách đến trường từ giữa tháng 8.

Bộ GD-ĐT cho phép một số địa phương tựu trường sớm để ổn định nề nếp, tổ chức lớp học, học tập nội quy nhà trường (quy định ngày tựu trường sớm nhất vào 1-8 hàng năm, ngày khai giảng 5-9 và kết thúc năm học trước ngày 31-5), nhưng bộ cũng yêu cầu thời gian thực học bắt đầu sau lễ khai giảng năm học mới. Thế nhưng trên thực tế lại diễn biến khác, khiến cho ngày khai giảng 5-9 mất dần ý nghĩa.

Có thể thấy, TP Đà Nẵng đã kiên định giữ ngày tựu trường là khai giảng, năm học mới chỉ bắt đầu từ ngày khai giảng 5-9. Trong 3 tháng hè, Sở GD-ĐT Đà Nẵng cho phép mở cửa trường học để học sinh vào vui chơi.

Điều này đã giảm hẳn áp lực cho học sinh, tạo sân chơi bổ ích, lành mạnh cho các em, giúp các em phát triển cân bằng giữa học và chơi, tạo năng lượng tích cực để các em bước vào năm học mới. Dù nghỉ trọn 3 tháng hè, nhưng việc nhập học đầu tháng 9 và bế giảng cuối tháng 5 vẫn thực hiện đúng chương trình học 37 tuần. Tại sao Đà Nẵng làm được mà các tỉnh thành khác không làm được? Có phải do vấn nạn chạy theo thành tích trong giáo dục, phải học sớm để xong sớm chương trình, để cuối học kỳ 1 có nhiều thời gian lo tết, cuối năm có nhiều thời gian luyện thi cho học sinh, để học sinh đạt điểm thi cao, trường sẽ có thành tích tốt hơn?

Ngoài việc phải thống nhất ngày tựu trường và ngày khai giảng ngay từ quy định của Bộ GD-ĐT, một vấn đề khác cũng cần thực hiện thật chuẩn, đó là ngày khai giảng phải thực sự vì học sinh. Bộ GD-ĐT năm nào cũng chỉ đạo chương trình lễ khai giảng phải thực sự tạo được không khí vui tươi, phấn khởi của ngày khai giảng năm học mới, nhưng thực tế ở nhiều nơi, ngày khai giảng lại là một ngày mệt mỏi đối với các em học sinh vì phải ngồi đội nắng dưới sân trường để nghe giới thiệu thành phần lãnh đạo các cấp đến dự, nghe đọc các loại báo cáo, kể thành tích, nghe cam kết chất lượng giáo dục, nghe rao giảng xu hướng giáo dục thế giới trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0...

Chúng ta cần những lễ khai giảng thực sự ý nghĩa với học sinh, mà trong buổi lễ đó, các em là chủ thể, các lời phát biểu phải thực sự lay động tình cảm, mang lại cho các em năng lượng tươi mới cho cả một năm học mới; để làm sao, mỗi học sinh đều có được cảm xúc như cậu học trò trong truyện ngắn “Tôi đi học” của tác giả Thanh Tịnh: “Hàng năm cứ vào cuối thu, lá ngoài đường rụng nhiều và trên không có những đám mây bàng bạc, lòng tôi lại nao nức những kỷ niệm mơn man của buổi tựu trường...”. Cố nhà giáo Văn Như Cương đã từng nhấn mạnh với các em học sinh trường ông trong một lễ khai giảng rằng “biển học là mênh mông, trong đó sách vở tuy quan trọng nhưng cũng chỉ là vùng biển gần bờ mà thôi”.

Những năm qua, nền giáo dục của chúng ta đã đổi mới theo xu hướng tiến bộ, tích cực hơn, theo đó học sinh ngoài những kiến thức sách vở thì còn phải thành thạo các kỹ năng xã hội, kỹ năng sống để phát triển toàn diện, những giá trị chuẩn mực để phát triển tính cách, phẩm chất và những đạo đức tốt đẹp. Và 3 tháng hè trọn vẹn chính là quãng thời gian quý báu để các em được đắm mình trong những “vùng biển xa bờ”. Và quan trọng hơn nữa, giáo dục phải là nơi dạy dỗ các em những giá trị đúng đắn nhất, bắt đầu từ một lễ khai giảng thực sự đúng ý nghĩa của nó.

LÂM NGUYÊN

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/tuu-truong-611997.html