Tuy An: Đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm cho lao động nông thôn

Lao động nông thôn huyện Tuy An đan giỏ xuất khẩu bằng nguyên liêu bèo lục bình để kiếm thêm thu nhập. Ảnh: NGỌC MINH

Xác định công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, thời gian qua, các địa phương trong tỉnh tập trung triển khai nhiều biện pháp đẩy mạnh công tác dạy nghề, tạo việc làm cho người lao động, nhất là lao động nông thôn. Huyện Tuy An là một điển hình.

Theo ông Ngô Vũ Nguyên, Phó Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên (GDNN-GDTX) huyện Tuy An, để công tác dạy nghề cho lao động nông thôn hiệu quả, trung tâm luôn phối hợp với cấp ủy, chính quyền và hội, đoàn thể ở xã, thị trấn khảo sát nhu cầu học nghề gắn với việc làm để lựa chọn ngành nghề phù hợp người học và điều kiện phát triển kinh tế tại địa phương.

Vừa học vừa làm, tăng thêm thu nhập

Mới đây, chúng tôi đến thôn Định Trung 2 (xã An Định, huyện Tuy An) để tìm hiểu về việc làm của một số người dân tham gia lớp học nghề mây tre đan do Trung tâm GDNN-GDTX huyện Tuy An tổ chức. Tại nhà bà Đặng Thị Xuyến, một địa điểm giao nhận hàng đan đát xuất khẩu, gần 10 lao động đang làm việc. Người dân đan giỏ xuất khẩu bằng nguyên liệu bèo lục bình.

Bà Xuyến cho biết, khi mở lớp học nghề mây tre đan tại đây, Trung tâm GDNN-GDTX huyện phổ biến rõ là sẽ có việc làm cho bà con sau khi học nghề. Một doanh nghiệp ở TP Hồ Chí Minh sẽ cung cấp nguyên liệu cho bà con đan giỏ xuất khẩu, sau đó nhận lại sản phẩm và trả công cho người làm theo sản phẩm. Vì vậy, bà con rất yên tâm học nghề. Công việc ở đây là khoán theo sản phẩm, nên mọi người chủ động giờ giấc làm việc. Ngoài công việc hàng ngày như trồng lúa, chăn nuôi, lúc nông nhàn bà con đều tham gia đan đát. “Công lao động được trả theo hình thức khoán sản phẩm (20.000 đồng/giỏ). Mỗi người làm trung bình 2 giỏ/ngày. Người nào tay nghề cao, làm dày thời gian có thể đan được 3 giỏ/ngày. Trung bình mỗi tháng bà con thu nhập từ 800.000 đến 1,5 triệu đồng. Những người không đến đây đan thì có thể nhận nguyên liệu về nhà làm. Thôn này hiện có đến 30 người làm nghề đan giỏ”, bà Xuyến cho biết thêm.

Hiện tại, nghề mây tre đan không chỉ phát triển ở xã An Định mà còn mở rộng và phát triển ở các xã khác trong huyện Tuy An, nhờ Trung tâm GDNN-GDTX địa phương này tổ chức nhiều lớp dạy nghề mây tre đan gắn với việc làm tại chỗ cho bà con nông dân tham gia học nghề khá hiệu quả.

Bà Bùi Thị Ngọc ở thôn Tiên Châu (xã An Ninh Tây) tham gia lớp học nghề mây tre đan từ năm 2014. Từ khi có nghề, bà ở nhà đan các sản phẩm mây tre đan xuất khẩu do nghệ nhân Thêu Thị Kim Tuyến đặt hàng. Bà Ngọc cho biết do lớn tuổi, lại chỉ làm khi rảnh rỗi nên mỗi tháng bà có thu nhập từ 1,2-1,5 triệu đồng. Những lao động trẻ, tay nghề cao thu nhập mỗi tháng từ 3,5-4 triệu đồng. Còn theo bà Thêu Thị Kim Tuyến, hiện có khoảng 150 lao động ở xã An Ninh Tây sau học nghề đều có việc làm từ đơn đặt hàng làm tại nhà của bà. Bình quân thu nhập của người lao động khoảng 2 triệu đồng/tháng hoặc cao hơn.

Một nghề nữa cũng mang lại thu nhập cao cho người dân nông thôn, đó là nghề nấu ăn. Chị Nguyễn Thị Kim Thủy ở thôn Định Phong (xã An Nghiệp), cho biết chị học nghề kỹ thuật nấu ăn năm 2018 do Trung tâm GDNN-GDTX huyện Tuy An tổ chức. Qua lớp học nghề, chị được trang bị kiến thức, kỹ thuật, nắm vững những nguyên tắc cơ bản khi chế biến các món ăn hàng ngày cho gia đình và đám tiệc.

Dạy nghề phù hợp với điều kiện phát triển sản xuất

Theo lãnh đạo Trung tâm GDNN-GDTX huyện Tuy An, những năm gần đây người lao động đã chủ động hơn trong việc tham gia học nghề, tự lựa chọn những ngành nghề phù hợp theo nhu cầu bản thân và gia đình. Vì vậy, sau khi học nghề, người lao động biết vận dụng những kiến thức đã học áp dụng vào công việc, giúp giảm chi phí sản xuất, tăng năng suất lao động, tự tạo việc làm tại chỗ, nâng cao thu nhập. Một số lao động có tay nghề còn được nhận vào làm việc tại các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất.

Sau khi được học nghề kỹ thuật nấu ăn do Trung tâm GDNN-GDTX huyện dạy, chị Nguyễn Thị Kim Thủy đã mạnh dạn mở dịch vụ nấu đám Kim Thủy nhận nấu đám cưới, đám hỏi, sinh nhật, tiệc mừng liên hoan tại thôn Định Phong, xã An Nghiệp. Chị Thủy cho biết, mỗi tháng bình quân chị nhận khoảng 2 đám đặt hàng; có tháng nhận 5-7 đám. Tùy từng đám, có đám nhận tiền công 60.000 đồng/bàn; có đám nhận trọn gói (cả nguyên liệu) 1,4 triệu đồng/bàn. Bình quân chị thu nhập 3 triệu đồng/tháng và tạo việc làm, thu nhập thêm cho những người phụ nấu bếp, chạy bàn.

Không riêng chị Kim Thủy, nhiều người khác ở xã An Nghiệp theo học lớp kỹ thuật nấu ăn do Trung tâm GDNN-GDTX huyện Tuy An mở cũng tự tạo thêm thu nhập cho gia đình lúc nông nhàn. Như chị Trần Thị Trinh mở quán bán bánh mì, bún cá, bún giò, nước giải khát buổi sáng... thu nhập thêm 100.000 đồng/ngày; chị Nguyễn Thị Kim Huệ làm phụ bếp cho dịch vụ nấu đám Kim Cúc, mỗi ngày thu nhập 200.000 đồng… Cá biệt, chị Nguyễn Thị Viết Tư mở dịch vụ nấu đám trọn gói rất đắt hàng, mỗi tháng nhận phục vụ khoảng 20 đám, thu nhập 10-15 triệu đồng/tháng.

Từ năm 2018 đến nay, Trung tâm GDNN-GDTX huyện Tuy An đã đào tạo nghề cho gần 1.000 học viên, gồm: 1 lớp nghề may công nghiệp ở xã An Mỹ; 1 lớp nghề may công nghiệp ở xã An Thọ; 6 lớp nghề kỹ thuật chế biến món ăn ở các xã An Hòa Hải, An Thạch, An Nghiệp, An Xuân, An Định, An Ninh Đông và thị trấn Chí Thạnh; 2 lớp nghề nuôi, phòng trị bệnh cho trâu bò ở 2 xã An Ninh Đông, An Dân. Đối với các nghề phi nông nghiệp, trung tâm luôn chú trọng dạy nghề phải phù hợp với điều kiện phát triển sản xuất tại địa phương và giải quyết được việc làm cho người lao động sau học nghề. Vì vậy, trước khi mở lớp, trung tâm tích cực phối hợp với UBND xã, thị trấn khảo sát nhu cầu học nghề của người lao động. Đồng thời chủ động liên kết với các doanh nghiệp để đào tạo nghề có địa chỉ, nhằm giải quyết việc làm cho người lao động sau học nghề, tăng thu nhập cho lao động nhàn rỗi ở nông thôn và tạo cơ hội tìm việc làm cho thanh niên địa phương ở các cơ sở sản xuất đóng tại TP Tuy Hòa.

“Trung tâm GDNN-GDTX huyện đang mở lớp dạy nghề may công nghiệp, thời gian đào tạo 3 tháng (từ 14/7-14/10) cho các học viên là lao động nông thôn ở xã An Cư. Các giáo viên nhiều kinh nghiệm trực tiếp giảng dạy và trang bị những kiến thức, kỹ năng cơ bản về may công nghiệp cho học viên. Sau khi tốt nghiệp chương trình đào tạo nghề may công nghiệp, các học viên có thể nắm vững kiến thức, kỹ năng cơ bản, sử dụng và vận hành thiết bị may, may các đường may cơ bản, may áo sơmi, quần âu đúng yêu cầu kỹ thuật. Học viên cũng có thể trực tiếp tham gia sản xuất trên các dây chuyền may của các doanh nghiệp hoặc làm việc độc lập tại các cơ sở do cá nhân tự tổ chức sản xuất”, ông Ngô Vũ Nguyên cho biết thêm.

HOÀNG LÊ - NGỌC MINH

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/141/243157/tuy-an--dao-tao-nghe-gan-voi-giai-quyet-viec-lam-cho-lao-dong-nong-thon.html