Tùy bút ẩm thực của Di Li
Nhà văn viết về món ăn, thức uống là điều không dễ dàng, bởi có những món nhiều người đã từng thưởng thức hoặc ai đó đã ghi lại cảm xúc trên trang viết. Có thể kể đến những người đi trước như Tản Đà, Thạch Lam, Vũ Bằng, Nguyễn Tuân, Băng Sơn… đã viết về phở, bánh cuốn, uống trà, lòng lợn…
Thế nhưng món ăn ấy dù ngon với người này, chưa chắc đã hợp khẩu vị người khác. Hơn nữa, cũng món ăn đó, cũng cách chế biến đó nhưng mỗi người đều có cảm nhận khác nhau, dù đồng thanh đồng lòng rằng "ngon" nhưng nó ngon thế nào, chưa chắc ai cũng cảm nhận giống ai.
Nói như thế để thấy cùng một lúc in hơn 650 trang sách, chỉ viết về món ăn thức uống lại được bạn đọc đồng cảm quả là điều không dễ. Ấy là trường hợp của nhà văn Di Li, với 2 tập sách "Nửa vòng trái đất uống một ly trà" và "Tôi đã ăn cả cánh đồng hoa" vừa ra mắt độc giả tại TP HCM vào ngày 19-12.
Nhiều bạn đọc cùng bạn văn đã ghi nhận sự tinh tế của một nhà văn nữ khi viết tạp bút ẩm thực. Có thể nói, khác với thế hệ trước, ở đây, Di Li đã đưa đến bạn đọc nhiều món ăn thức uống của nhiều nước mà chị đã đặt chân đến. Nói thật, chưa nhiều nhà văn Việt viết đến, vì không phải ai cũng có cơ hội đi được nhiều như Di Li. Do đó, tự bản thân các món ấy đã có sự quyến rũ và hấp dẫn.
Với nhiều người, đôi khi ăn chỉ để mà ăn, cốt nhồi cho no bụng. Với nhà văn lại khác, họ còn phải ăn trong sự thưởng thức, khoan thai, thậm chí còn tìm hiểu cả cách chế biến, bí quyết nhà nghề và nhất là phải hòa nhập hồn mình vào không gian ấy để tận hưởng lấy nó. Di Li đã chọn cách viết này, nhờ thế khi đọc về món ăn do chị diễn tả, ta có cảm giác như đang thấy trước mắt, như đang cùng tác giả có sự đồng cảm.
Tôi ngạc nhiên với miếng thịt bò Kobe, Sushi, cá trích ở Rotterdam, cá tuyết Đại Tây Dương, uống trà ở Tây Tạng, cà phê ở Ý… Đành rằng những ai chưa có cơ hội trải qua, lấy làm lạ lẫm là phải. Nhưng điều ngạc nhiên nhất vẫn là qua đó, ta có thể nhìn ra văn hóa ẩm thực của vùng đất đó. Dụng công của Di Li chính là chỗ này. Không chỉ miêu tả món bằng cảm xúc, chị còn lồng vào đó kiến thức nhằm giúp người đọc nhận ra điều cốt lõi của ẩm thực còn chính là văn hóa, là cốt cách của cả một dân tộc.
Không chỉ món ăn đã tận hưởng từ góc biển chân trời xa lạ, chị còn tìm về những món đã quen bằng cái nhìn riêng biệt mà tinh tế như cháo vịt Thanh Đa, phở khô Gia Lai, con nhum ở Phú Quốc… Và tất nhiên, cách viết của chị khiến ta… thèm ăn hơn, càng yêu thêm món ăn vùng miền của non sông nước Việt.
Tôi tán thành ý kiến của nhà văn lớn Bernard Shaw mà Di Li đã chọn làm câu đề cho bộ sách của mình: "Không tình yêu nào chân thật hơn tình yêu đối với ẩm thực". Qua trang văn của Di Li, tôi nhận ra chị đã bày tỏ sự chân thực đó.
Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/van-hoc/tuy-but-am-thuc-cua-di-li-20191220192803281.htm