Tuy Hòa ngày tháng cũ

Đọc bài viết “Sâu lắng quê nhà” của nhà báo Phan Thanh Bình trên báo Phú Yên (1/7/2024) mà lòng xúc động, vui mừng, tự hào về sự phát triển của tỉnh nhà sau 35 năm tái lập. Trong niềm hân hoan chung, tôi chợt miên man hoài nhớ bóng dáng Tuy Hòa của những ngày tháng cũ…

Tỉnh Phú Yên được tái lập (1/7/1989) là năm tôi vào lớp 7. Dù chưa hiểu gì nhiều nhưng tôi cảm nhận được niềm vui của người lớn khi bàn về sự kiện này. Buổi học Vật lý đầu tiên trong đời, tôi nghe thầy Phạm Thái nói rằng: “Tới đây quê mình sẽ có điện, các phòng học sẽ được chiếu sáng!”. Thật tình, điều đó như mơ, như cổ tích đối với những đứa học trò thôn quê vốn chỉ quen ánh đèn dầu tù mù, le lói. Chẳng biết “tới đây” là khi nào, nhưng tôi cứ ao ước sao cho lớp học không còn tối om khi mùa mưa đến, quê mình cũng có những bóng điện tròn treo lủng lẳng, sáng trưng như dưới phố Tuy Hòa!

Trước 31/1/2002, Tuy Hòa là thị xã khá rộng, gồm cả huyện Phú Hòa ngày nay. Dù chỉ cách nội thị 6km, nhưng thực tế quê tôi là vùng ngoại ô trăm bề thiếu thốn. Tôi và các bạn hay nói vui rằng, tính ngang từ cầu Đà Rằng ra núi Chóp Chài và tính dọc từ quốc lộ 1 cũ xuống biển là Tuy Hòa phố, còn trên mình là Tuy Hòa quê! Sở dĩ tôi đồng cảm sâu sắc với nỗi buồn của nhà báo Phan Thanh Bình khi nghe câu hỏi thật thà của cô điện thoại viên: “Tỉnh Phú Yên ở chỗ nào đấy nhỉ?”, bởi đến năm 1996 khi lên Đà Lạt học, tôi giới thiệu quê mình ở Tuy Hòa - Phú Yên mà nhiều bạn bè vẫn ngơ ngác, huống chi trước đó 7 năm!

Trong tôi vẫn còn mãi hình ảnh Tuy Hòa xưa với vẻ đẹp cũ kỹ, yên bình, thưa vắng mà gần gũi, thân thương. Tuổi nhỏ tôi thường theo mẹ và các dì gánh rổ xuống bán ở chợ Tuy Hòa, người xưa quen gọi là chợ Dinh. Đi trên đường Trần Hưng Đạo, trục giao thông chính theo hướng tây - đông, bộ mặt của Tuy Hòa lúc ấy, mẹ chỉ cho tôi biết vườn hoa Diên Hồng, ngã năm, rạp Hưng Đạo, nhà thuốc tây, nhà đèn (nhà máy điện), chợ Dinh, dưới nữa là nhà thương, đi tiếp sẽ đến biển. Hồi đó, bãi biển Tuy Hòa hoang sơ với những cánh rừng dương bạt ngàn xa tít tắp, chưa có những tuyến đường ven biển và các công trình lớn. Nửa cuối thập niên 90, tôi và các bạn thường dựng xe đạp bên rừng dương có mấy hàng quán đơn sơ, ra bãi biển ngồi ăn trứng cút, ổi, xoài mà nói toàn chuyện ước mơ trên trời của tuổi trẻ.

Tuy Hòa ngày ấy còn nhiều không gian trống, nhà cửa chưa quá cao, mái phố lô nhô, vỉa hè lồi lõm nhưng mát xanh cổ thụ, đường phố nhộn nhịp nhưng không ồn ào, đông đúc. Phương tiện chủ yếu là xe đạp, xích lô, ba gác, xe ngựa, xe lam, cộ bò, rất ít xe máy. Cái chất nửa phố nửa quê còn đậm đặc, khiến Tuy Hòa càng bình dị, thân gần. Vì thế, lòng người thương nhớ Tuy Hòa xưa là những gánh hàng rong chứa đầy rau trái, tiếng rao khắc khoải bên hè, tiếng vó ngựa khua lộc cộc, dáng khom gầy nặng nhọc của bác xích lô, góc chợ nhấp nhô nón trắng của những người phụ nữ tảo tần, những tên gọi xa xưa đã lùi vào quá vãng…

Tuy Hòa hôm nay là thành phố hiện đại, khang trang, thân thiện, có nhiều điểm nhấn ấn tượng, được bạn bè trong và ngoài nước biết đến. Tuy Hòa đang vươn lên mạnh mẽ và phấn đấu trở thành đô thị loại I trực thuộc tỉnh trong tương lai gần. Hòa chung niềm vui với sự phát triển toàn diện của tỉnh nhà sau 35 năm tái lập, tôi rất vui và tự hào khi chứng kiến quê hương đang từng ngày khởi sắc. Mỗi lần về quê, tôi hay ghé lại Tuy Hòa uống cà phê rồi mới đi tiếp. Có lúc hẹn với bạn bè nơi quán nhỏ, có khi tôi thích ngồi một mình dưới tán cây xanh gần biển, vừa nhâm nhi vị đắng vừa ngắm nhìn phố phường còn vương bao kỷ niệm!

PHAN HUY THÙY

Nguồn Phú Yên: https://baophuyen.vn/93/318670/tuy-hoa-ngay-thang-cu.html