Tuy Phong: Được mùa ốc nhảy
Hơn 1 tháng nay, ngư dân vùng bãi ngang ven biển huyện Tuy Phong khai thác được loại ốc nhảy với sản lượng lớn. Nhiều người dân cho biết đây là lần đầu tiên vùng biển gần bờ lại xuất hiện dày loại ốc có cái tên khá mỹ miều - ốc khiêu vũ, dù mùa khai thác ốc nhảy đã qua.
Theo những ngư dân chuyên nghề lặn ở xã Chí Công, mùa ốc nhảy kéo dài trong 6 tháng, từ tháng 3 đến hết tháng 8 âm lịch, khi thời tiết nắng nóng, biển êm. Tuy nhiên, không hiểu sao năm nay đã sang tháng 10 âm lịch, nhưng ốc nhảy vẫn còn nhiều. Đây là lần đầu tiên, loại ốc này xuất hiện dày ở vùng biển Tuy Phong, đem lại thu nhập khá cho ngư dân. Không giống những loại ốc khác di chuyển chậm chạp bằng cách bò, ốc nhảy có phần mép miệng khá cứng, nên dùng làm phương tiện di chuyển độc đáo, dùng vảy chân của mình cắm xuống mặt cát búng mạnh nhảy rất nhanh như khiêu vũ, nên nhiều nơi còn gọi là ốc khiêu vũ. Đây là 1 đặc điểm khá độc đáo của ốc nhảy mà hiếm có loại ốc nào có được.
Hơn 1 tháng nay, loài ốc này xuất hiện dày ở vùng biển Chí Công, Phan Rí Cửa, nên mang lại thu nhập cao cho ngư dân. Theo ngư dân Nguyễn Văn Cường (Chí Công), chuyên nghề lặn, ốc nhảy sống lẫn dưới cát biển nên để bắt được chúng cũng khá vất vả. Mỗi ngày, anh cùng hàng trăm thợ lặn khác đi ghe ra cách bờ khoảng 1 hải lý rồi lặn vớt ốc nhảy từ 7 giờ sáng đến 1 giờ chiều thì vào bờ. Anh cho biết: “Chúng tôi lặn theo con nước, lặn sâu xuống biển khoảng 10 – 15 m, miệng luôn ngậm một đầu dây dẫn khí được truyền hơi từ chiếc xuồng máy đang chạy. Khi thấy ốc nhảy búng mạnh nhảy lên, chúng tôi dùng vợt xúc ốc cho vào sọt. Khi sọt đầy, tôi trồi lên đổ thành phẩm lên ghe, rồi lặn xuống tiếp tục vớt. Mỗi ngày, ghe chúng tôi (2 - 3 người) khai thác được 4 – 5 tạ ốc, thu về vài triệu đồng”. Hiện, hàng trăm thúng, ghe nhỏ trong huyện đang làm nghề khai thác ốc nhảy, trung bình mỗi ngư dân thu về trên dưới 1 triệu đồng/người/ngày.
Theo các tiểu thương thu mua hải sản ở Chí Công và Phan Rí Cửa, lượng ốc nhảy những ngày qua khá dồi dào, có ngày thu mua vào lên đến hàng chục tấn. Trước khi phân phối vào chợ Bình Điền – TP. HCM, Đồng Nai, Bình Dương… và bỏ sỉ các nhà hàng hải sản trong và ngoài tỉnh, các tiểu thương phải ngâm ốc trong nước biển qua 1 ngày cho sạch cát. Hiện giá ốc nhảy dao động từ 10.000 – 15.000 đồng/kg theo giá sỉ, 25.000 – 40.000 đồng/kg giá lẻ tùy các đầu mối thu mua. Theo tính toán của những người khai thác ốc nhảy, nếu thời tiết thuận lợi, ốc nhảy vẫn còn nhiều với giá ổn định như hiện nay, thì mỗi gia đình qua mùa ốc nhảy có thể thu về từ vài chục triệu đồng.
Theo kinh nghiệm của những ngư dân địa phương, ốc nhảy thường xuất hiện nhiều tại các vùng biển ấm nóng vùng nhiệt đới như Phú Quốc, Phú Yên, Khánh Hòa… Ở Bình Thuận cũng có nhưng chỉ có nghề giã cào mới đánh bắt được với số lượng rất ít. Một số ngư dân lặn ở vùng biển có rạn san hô thì thường chỉ bắt được vài ký và để trong gia đình ăn. Nhưng không hiểu sao, năm nay, loại ốc này “bỗng dưng” phát triển dồi dào ở cả những vùng biển không có rạn san hô, cách bờ chỉ khoảng 1 hải lý. Nhiều người thấy ốc rộ ở vùng biển gần bờ nên sắm sửa phương tiện khai thác. Không biết có phải do ốc nhảy xuất hiện nhiều, mà những loại ốc khác “lặn mất tăm”. Chị Trinh – một tiểu thương thu mua hải sản chia sẻ: “Năm ngoái, thời điểm này ốc hương biển nhiều vô kể, năm nay không có con nào, ngao lụa cũng ít dần. Thay vào đó là ốc nhảy xuất hiện trái mùa”.
Ốc nhảy từng được xem là đặc sản ở Phú Quốc có giá khá cao từ 80.000 – 100.000 đồng/kg. Thịt ốc ít nhưng dai, thơm, ngon, vì thế loại ốc này được nhiều du khách ưa chuộng. Có rất nhiều loại ốc nhảy như ốc nhảy trắng, ốc nhảy đỏ, ốc nhảy dài, ốc nhảy cày… nhưng nhiều nhất và ngon nhất vẫn là ốc nhảy đỏ, trắng vì có mùi vị thơm ngon đặc trưng hơn cả.
Nguồn Bình Thuận: https://baobinhthuan.com.vn/tuy-phong-duoc-mua-oc-nhay-103793.html