Tuy Phong ngày trở lại

Nếu có ai đó là con em của người ở đất Tuy Phong, đã từng đồng cam cộng khổ với Tuy Phong, hay là những người vì một lý do nào đó mà nặng tình, đậm ý với Tuy Phong.

Đã có một đôi lần đến rồi lại đi ở một thời điểm nào đó, hay vì một chút nhớ thương ai mà đã gắn bó với vùng đất nắng gió khắc nghiệt này, cái nơi sóng vỗ đá mòn, cát nóng bỏng chân và tình người đằm thắm nơi đây thì thật lòng không thể nào quên. Càng khốc liệt, khó khăn trong những ngày tháng chiến tranh, cho đến điều kiện khí hậu, đất đai thổ nhưỡng và biển cào sóng vỗ nơi đây, càng làm cho lòng người thêm gắn chặt với nhau hơn. Thương yêu với nhau nhiều hơn, càng cộng chia, xẻ nhỏ những nỗi đau gặm nhấm sự mất mát trong một thời bom đạn vừa qua. Từng thế hệ những con người sinh ra và lớn lên trên quê hương dạn dày nắng lửa này, từng chung gan chiến đấu trên mảnh đất truyền thống anh hùng này. Đã từng có những vị lãnh đạo cao nhất trong sự nghiệp chiến đấu giành lại độc lập tự do cho Tổ quốc này cũng đã đến đây, đã truyền lửa niềm tin tất thắng trong công cuộc trường kỳ đòi lại độc lập tự do. Hôm nay, ngày trở lại! Tất cả đã ngẩng cao đầu, đã phơi phới niềm tin cất bước đi lên, đi vững vàng dưới sự lãnh đạo tuyệt vời của Đảng quang vinh. Của những người lãnh đạo là con em ở địa phương đã nối tiếp đưa quê hương Tuy Phong hòa bình phát triển đi lên.

Một góc Hòn Cau - Tuy Phong. Ảnh: N. Lân

Còn nhớ những ngày xưa, những ngày đầu thống nhất đất nước, núi sông được nối liền một cõi, nhưng cũng cùng với đó là bao bộn bề lo toan, lo thù trong giặc ngoài, lo cơm áo gạo tiền, lo ổn định an sinh xã hội. Và nhất là phải làm sao lo cho người dân đã cực khổ bao nhiêu năm trong kháng chiến giành độc lập, tự do được ấm no hạnh phúc, được chăm sóc y tế và được học hành. Làm sao để biển xanh đá vách chập chùng, miền cát động bạt ngàn nắng gió, và một vùng đất hoang tàn, khô khốc thiếu nước, cằn cỗi chai sần sau một cuộc chiến tranh dai dẳng. Và người dân Tuy Phong trung nghĩa, kiên cường, sát vai một lòng đi theo Đảng cho đến ngày thắng lợi cuối cùng, cho dù phải hy sinh tất cả. Sống chết cũng phải bám đá, bám động, giữ đất giữ làng. Trong hoàn cảnh đất nước hoang tàn sau chiến tranh, ruộng vườn hư hại vì đã bỏ trống bao nhiêu năm. Các công trình thủy lợi gần như chưa có gì, bom mìn đạn nổ còn đầy rẫy nơi nơi, chỉ chực chờ những người dân lao động tái tạo là nổ tung làm gây thương vong chết chóc. Con đường quốc lộ chạy xuyên qua huyện Tuy Phong, từ đầu này đến đầu kia chỉ có toàn cát là cát với nắng gió miên man. (Gió nơi này bằng bão nơi kia). Phần còn lại là đất đồi núi sỏi đá có độ dốc nghiêng, đất đồi cát không mưa, thiếu nước. Một vùng biển giàu tiềm năng hải sản trải dài từ Phan Rí Cửa, qua Chí Công đến Bình Thạnh, Liên Hương, Phước Thể, rồi Vĩnh Hảo giáp với Ninh Thuận. Một vùng biển có nhiều lợi thế về cảnh quan du lịch, nhiều gành đá, bãi biển đẹp, cùng với một vùng bảo tồn tài nguyên biển quanh Hòn Cau xinh đẹp, chờ mong một ngày trở mình giũ áo thành tiên.

Biển Cổ Thạch Tuy Phong. Ảnh: N. Lân

Hôm nay về lại Tuy Phong, ngỡ ngàng hương sắc, rộn lòng vui ca. Cũng con đường quốc lộ 1 ngày xưa, giờ hai bên đường nhà nhà san sát. Nhà biệt thự, nhà lầu đúc, nhà ngói cao, tất cả hầu như được tận dụng để trở thành nhà hàng quán, kinh doanh buôn bán đủ các loại hàng hóa. Quán cà phê, quán ăn, chợ búa mọc dày ở những khu phố đông người. Con đường đi ven biển từ Phan Rí Cửa về Liên Hương, hai bên đường mát rượi một màu phi lao. Từng khu, từng vùng ven bờ biển, được quy hoạch thành những phân khu. Chỗ này nuôi tôm thương phẩm, chỗ kia ruộng muối, ao tôm, thỉnh thoảng lại chen vào vài khu khách sạn, nhà vườn. Qua Chí Công nhộn nhịp ghe thuyền tạt bãi ngang, xuống hàng để cân đong hải sản mới đánh bắt về. Đến Bình Thạnh, một làng biển có bãi đá rong nơi cửa sóng, cũng là nghề bám biển nhưng ở gần bờ với ghe thúng nhỏ đơn sơ. Nghề đi thụt lùi với những tay lưới rùng ven bờ cát và bãi đá, nhưng không phải kiếm cá tôm cho qua ngày cơm bữa như ngày xưa. Mà ngược lại toàn là đặc sản, săn tìm món ngon vật lạ của địa phương để phục vụ cho khách du lịch vãng lai, thích tìm những hương vị độc lạ của miền biển quê nhà. Con mực biển tươi non vừa mới bắt lên được chế biến thành món bánh căn mực ống ngọt ngào. Con cá liệt dầu, cá chỉ vàng lưng bên lò nướng than ăn cùng muối giã ớt chim cứ mãi hít hà. Con cá dảnh khô trên mình xẹp lép thấy không bắt mắt, nhưng khi nướng hay chiên lên làm mồi nhậu với bia thì không bút nào tả nổi. Con cá đục, cá trích, bắt lên còn ánh màu xanh trên lưng cá, lạn lấy hai miếng thịt cá ở sống lưng rồi cắt nhỏ bóp chanh làm gỏi chua, gói cùng bánh tráng rau sống chấm với nước mắm cà chua đậu phộng, thật ngon không thể bỏ qua.

Trên đường về thị trấn Liên Hương đường trải nhựa sóng đôi, đến ngã ba cổng chào đi vào chùa Cổ Thạch, xuống biển thăm bãi đá bảy màu. Uy nghiêm một vùng trời biển bao la, đã được sửa sang tô điểm nên cảnh nên tình, để đón khách thập phương về tham quan, chiêm bái một khu di tích lịch sử mà bài thơ ai còn khắc hoài trên đá. Hai bên đường từ cổng chào vào đến chùa rồi chạy luôn xuống biển, tất cả bây giờ là khách sạn, nhà hàng, khu chợ buôn bán dập dìu đón khách phương xa. Nơi quạnh quẽ ngày xưa giờ đã là nơi phồn hoa đô hội. Du khách vui vẻ gần như suốt những đêm trăng bên các bãi đá ven biển, ánh lửa đốt chập chờn trong đêm, tô thêm cho biển quê hương một màu thi vị của thời phát triển. Từng hàng đoàn xe lớn, xe con du lịch đậu dài san sát bên nhau. Người ta đi viếng cảnh chùa, đi ngắm đi xem, tay vịn chân dò các vách đá cheo leo từ trên triền bờ lần xuống biển. Được cầm từng hòn đá cạnh bảy màu mà ngạc nhiên cho sự hào phóng trời ban của tạo hóa thiên nhiên.

Thị trấn Liên Hương đang trở mình đổi thay, những con đường nhựa lớn chạy dài từ ngã tư quốc lộ vào đến tận trung tâm. Đêm về điện sáng rực rỡ đủ màu, trai thanh gái lịch dập dìu, đi ăn đêm hay cà phê phố không khác gì nơi thành phố lớn. Rồi còn nữa, xa hơn về phía bắc, nơi có xã Vĩnh Hảo, Vĩnh Tân giờ đã trở thành thủ phủ năng lượng điện của tỉnh, lượng điện sản xuất đã cung ứng thêm một phần vào lưới điện quốc gia, bao gồm cả điện gió, điện mặt trời và cả điện than.

Tôi đi một vòng quanh thị trấn, ra quốc lộ chạy đi Vĩnh Hảo rồi rẽ vào đường dẫn lên cao tốc Phan Thiết, Vĩnh Hảo, Cam Lâm. Xe chạy trong mưa nhẹ lất phất bay mà lòng tôi ngạt ngào hương hoa nở. Tuyệt vời cung đường mới quê hương đưa ta đến những chân trời rạng rỡ, giàu sang hạnh phúc quê nhà. Từ trên cao tốc nhìn ra hai bên, những trang trại thanh long, nho, táo, chạy dài như rừng đang phủ xanh màu núi trên cao.

Nguồn Bình Thuận: https://baobinhthuan.com.vn/tuy-phong-ngay-tro-lai-113855.html